【kq berlin】Thêm một công trình khẳng định giá trị văn hóa Huế
Chủ biên, nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong (thứ hai từ phải sang) trong ngày ra mắt sách |
Những năm qua, văn học Huế là đề tài đã được không ít tác giả nghiên cứu và sưu tập, nhưng đánh giá và có tính cách “tổng kết” cả một thế kỷ văn học Huế (1920-2020) như “100 năm văn học Huế” thì đây là công trình đầu tiên. Tác phẩm nghiên cứu do nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam làm chủ biên.
Trước một đề tài có thể nói là đồ sộ, trong lời “Dẫn nhập” tác phẩm, người chủ biên đã viết: “…Việc làm của chúng tôi […] quả là có nhiều mạo muội và chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu sót, nhưng nếu không làm, thì không biết đến bao giờ […] Tự lượng sức mình, chúng tôi chỉ giới hạn trong một góc nhìn có ý nghĩa khái quát, còn có quá nhiều hiện tượng, các sự kiện văn học, các tác giả, tác phẩm […] chưa thể với tới một cách bao quát hết được…”
Do vị thế đặc biệt của Huế - cả trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trên địa bàn Huế diễn ra những sự kiện, những phong trào tạo nên các biến động sâu sắc về lịch sử, văn hóa, xã hội có ảnh hưởng vượt quá ranh giới một tỉnh; từ bối cảnh đó, dòng chảy văn học Huế một thế kỷ vừa qua rất phong phú và đa dạng, đúng là không dễ “bao quát hết được”. Trong đó, có hiện tượng như phong trào đấu tranh của thanh niên - học sinh đô thị, đã tạo nên những tác giả, tác phẩm “không nơi nào có được” - như nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân phát biểu.
Cũng có thể dẫn thêm một giai đoạn thể hiện sự phong phú và cả phức tạp của văn học Huế mà không phải địa phương nào cũng có: “Đến thời chống Mỹ và đấu tranh thống nhất nước nhà có đến mấy ngả rẽ: một bộ phận các tác giả người Huế sáng tác ở miền Bắc, đấu tranh cho công cuộc thống nhất nước nhà; một bộ phận vào chiến trường, trong đó có cả những người quê hương nơi khác đến, cầm súng và cầm bút chiến đấu; một bộ phận sống trong nội thành sáng tác thơ văn yêu nước và tranh đấu; nhưng cũng có một bộ phận sáng tác văn thơ chống Cộng…”.
Tác phẩm "100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế - một góc nhìn" |
Tất cả, gần như đã hiện diện trong công trình “100 năm văn học Huế”. Tất nhiên các tác giả đã chú trọng đến những tác giả, tác phẩm nổi bật mà chúng ta đều biết như Tố Hữu, Hải Triều, Thanh Hải… - một danh sách dài, cũng có thể nói: “Không phải địa phương nào cũng có!". Mặt khác, tác giả đã không bỏ sót những tác giả chỉ xuất hiện rất ít như Quỳnh Dao (với hai câu thơ “Một hàng Tôn nữ cười trong nón/ Sông mở lòng ra đón bóng yêu…”), hoặc gần đây mới được in lại (như Minh Đức Hoài Trinh, Linh Bảo…), hoặc là “phức tạp” như Nhã Ca (với cuốn “Giải khăn sô cho Huế”)… Một đề tài lớn mà như ý kiến của TS. Nguyễn Duy Tờ, Giám đốc NXB Thuận Hóa mong đợi là cần có đầu tư để làm một bộ “Bách khoa” thì quả là các tác giả “100 năm văn học Huế”, phải rất công phu và tâm huyết, chỉ với chưa đầy 400 trang, đã làm nên một công trình như chúng ta đã thấy, tạo thêm cơ hội cho công chúng hiểu rõ hơn lịch sử một thế kỷ văn học Huế.
Mặc dù các tác giả tự nhận xét công trình của mình chỉ ở “ở một góc nhỏ khiêm tốn”, nhưng cuốn sách đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, với tư cách là một công trình có tính mở đầu. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, trong lời phát biểu của mình, sau khi nhấn mạnh bối cảnh xã hội và vị thế của văn học Huế trong một thế kỷ vừa qua, tỏ ý hoan nghênh các tác giả đã có cái nhìn cởi mở, công bằng khi đánh giá đội ngũ sáng tác văn thơ, do hoàn cảnh lịch sử, phải sống và hoạt động trong vùng đối phương quản lý. Theo tôi, cách nhìn có tính “Đổi mới” này rất cần thiết trong các hoạt động đánh giá, tổng kết văn học nghệ thuật 50 năm sau ngày đất nước thống nhất mà nhiều cơ quan đang khẩn trương tiến hành. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng chia sẻ khó khăn của các tác giả khi thống kê đội ngũ tác giả theo từng giai đoạn rất dễ bị “trách” là đã bỏ sót người này người kia. Nhưng tổng kết một thế kỷ văn học, cần phải chú trọng hơn nữa đến những điểm chói sáng, những hiện tượng, tác giả đã ghi dấu ấn sâu đậm trong dư luận...
Với một đề tài rộng lớn như “100 năm văn học Huế”, hẳn là còn có thể đặt ra nhiều yêu cầu bổ sung, nâng cao… Trong khi chọn những sáng tác quốc ngữ đầu tiên của bà Đạm Phương in trên các báo – từ Nam Phong đến Trung Bắc tân văn, giai đoạn 1919 đến 1923, làm “cột mốc” mở đầu thế kỷ văn học quốc ngữ Huế thì có lẽ cũng nên “điểm danh” một số tác giả, tác phẩm đã cắm “cột mốc” cuối giai đoạn được các soạn giả nghiên cứu tổng kết (quanh các năm 2020).
Theo tôi, đó có thể là Trần Thùy Mai với bộ tiểu thuyết “Từ Dụ Thái Hậu” và cả “Gánh gánh… gồng gồng” – tự truyện của Nguyễn Thị Xuân Phượng. Cả hai đều đoạt giải Nhất văn chương toàn quốc, chứng tỏ giá trị và sức lan tỏa của văn học Huế thực sự vượt khỏi giới hạn địa lý. Trong chùm tác giả cắm “cột mốc” quanh thời điểm 2020, còn phải kể đến “Tướng Cao Văn Khánh” – Hồi ức do Cao Bảo Vân thực hiện năm 2017. Nếu tôi không nhầm thì trong cuốn sách vừa xuất bản, các tác giả đã không nhắc đến 2 tác phẩm “Gánh gánh… gồng gồng” và “Tướng Cao Văn Khánh”.
Hẳn là do chưa “bao quát hết được”, chứ không phải vì đây là 2 bộ sách phi-hư-cấu. Tôi nhắc bộ sách này không chỉ vì tác giả là con cháu của Huế (tuy đang sống tại TP. HCM), mà vì tác phẩm đã dựng chân dung một lớp người mang nét đặc sắc của Huế - những công tử, tiểu thư xuất thân tầng lớp thượng lưu, thậm chí là quan to Triều Nguyễn, nhưng đã từ bỏ cuộc sống giàu sang trong nhung lụa, chung thủy trọn đời với cách mạng, với sự nghiệp lớn của đất nước. Có thể nói đây là một giá trị văn hóa không phải nơi nào cũng có! Hai tác phẩm này cùng với hai bộ tiểu thuyết lịch sử của Trần Thùy Mai và có thể kể thêm các tập truyện của nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang, còn khẳng định một xu hướng sáng tác đem lại cho văn học Huế vị thế có sức lan tỏa rộng là khai thác chiều sâu lịch sử, văn hóa vùng đất Cố đô, chứ không nhất thiết là phải “cách tân” mới làm nên giá trị…