Dấu vết của “đội lái”
Giá cổ phiếu ROS biến động rất bất thường trong một thời gian dài và nghi vấn “đội lái” kéo giá lên đã được đặt ra từ lâu. Phiên giao dịch cuối tuần qua đã xuất hiện những trạng thái lệnh cực kỳ bất thường mà rất có thể là dấu vết của “đội lái”.
Trong suốt quá trình tăng giá của ROS, điều dễ nhận thấy nhất là thanh khoản cực lớn, có phiên lên tới hơn 960 tỷ đồng như ngày 16/3 vừa qua. Thêm nữa, giao dịch hàng ngày của ROS luôn có một khối lượng cổ phiếu cực lớn đặt mua theo kiểu đỡ giá. Lượng mua tổng hợp trong 3 bước giá có khi tới cả triệu cổ, với thị giá khoảng 160.000 -170.000 đồng thì đó đã là một lượng tiền khổng lồ.
Câu hỏi lớn nhất đối với khối lượng đỡ giá này, là liệu sức mua đó xuất phát từ số rất đông các nhà đầu tư bình thường, hay chỉ xuất phát từ một số tài khoản rất lớn? Việc tập trung tiền mua tới cả ngàn tỷ vào một cổ phiếu là điều chưa từng có trên thị trường chứng khoán.
Đối với nhà đầu tư bình thường quan sát giao dịch, sẽ không thể biết được liệu có bao nhiêu người đang đổ tiền vào mua ROS và có bao nhiêu “đội lái” đang đỡ giá ROS. Tuy nhiên, những dấu vết đã bộc lộ một chút vào phiên giao dịch cuối tuần trước.
Truy vết qua lịch sử diễn biến trên bảng điện với ROS ngày 17/3/2017 có nhiều bất thường: Trong suốt cả phiên giao dịch, trạng thái lệnh mua của ROS diễn ra bình thường như mọi ngày, luôn có khối lượng rất lớn chặn đỡ. Cụ thể, đến 14h15’, tại 3 bước giá mua cao nhất sẵn có của ROS là 173.600 đồng, 173.500 đồng và 173.400 đồng, vẫn có khối lượng chặn mua tương ứng: 417.788 cổ phiếu, 305.710 cổ phiếu và 424.900 cổ phiếu. (Xem bảng 1).
Tại thời điểm đó (14h15’), tổng khối lượng giao dịch được ghi nhận là 2.415.570 cổ phiếu và nhà đầu tư nước ngoài đã mua 51.820 cổ phiếu.
Đến 14h19, ROS xuất hiện hiện tượng hủy lệnh mua cực nhanh ở tất cả các bước giá. Thay đổi rõ nhất chính là ở 3 bước giá nói trên. Chỉ trong vài phút, tất cả các bước giá chỉ còn sót lại vài ngàn cổ phiếu đặt mua, mặc dù trước đó vẫn bày ra hàng trăm ngàn cổ phiếu (Xem bảng 2).
Khối lượng giao dịch thành công trước và sau khi hủy lệnh chỉ được ghi nhận tăng thêm hơn 54.000 cổ phiếu. Số liệu giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ nguyên. Như vậy, lệnh mua ROS đã được hủy đồng loạt chứ không phải được giao dịch.
Chưa hết, chỉ 1 phút sau đó, ROS còn bị hủy lệnh mua toàn bộ, tới tận giá sàn và chỉ còn rớt lại vài trăm cổ. Trong khi đó khối lượng giao dịch vẫn không tăng lên. Như vậy lệnh mua ROS được hủy ở tất cả các bước giá (Xem bảng 3).
Điều gì có thể rút ra sau sự thay đổi bất thường nói trên? Nếu là các lệnh mua bình thường từ số đông các nhà đầu tư bình thường, sẽ không thể có hiện tượng hủy lệnh đồng loạt quá nhanh như vậy vì mỗi người có quyết định khác nhau. Hơn nữa, đó là lúc ROS vẫn đang giao dịch bình thường, không có hiện tượng bán tháo gì để khiến nhà đầu tư hoảng hốt phải hủy lệnh nhanh như vậy.
Việc hủy được cùng lúc một khối lượng rất lớn ở tất cả các bước giá là dấu vết thường thấy của “đội lái”, khi các thao tác lệnh được chỉ đạo thống nhất, thậm chí là được điều khiển chung vì chỉ cần có mật khẩu giao dịch là có thể ngồi bất cứ đâu để điều khiển tài khoản của bất cứ ai.
Cuối cùng, việc hủy lệnh làm lộ ra những lệnh mua rất nhỏ còn sót lại, có lẽ là của các nhà đầu tư cá nhân, từ vài chục cổ đến vài trăm cổ. Như thế rất có khả năng chỉ số ít nhà đầu tư bình thường lao vào ROS và lâu nay thanh khoản được tạo ra không hoành tráng một cách thực chất.
Hơn 9,73 triệu bán ATC của ai?
Việc ROS được đẩy giá lên liên tục nhằm lọt vào các quỹ ETF đi đến kết quả cuối cùng. Phiên cuối tuần qua các quỹ mua bán cực mạnh và ROS được quan tâm nhất vì kết quả của việc bán ra sẽ như thế nào?
Theo kết quả giao dịch thì nhà đầu tư nước ngoài mua tổng cộng 3.120.480 cổ phiếu ROS trong ngày 17/3/2017. Trong đó, lúc 14h49 xuất hiện 2 lệnh giao dịch thỏa thuận của ROS tại giá sàn 160.100 đồng. Lệnh thứ nhất 1,3 triệu cổ phiếu, lệnh thứ hai 1,4 triệu cổ phiếu. Tổng cộng có 2,7 triệu ROS được giao dịch thỏa thuận và 420.480 ROS được khớp trực tiếp.
Điều bí ẩn nhất là quỹ FTSE đã mua ROS từ ai, là của “đội lái” đánh lên để bán, hay đã có “đội” khác hớt tay trên? Người rõ nhất chắc chắn là công ty chứng khoán đã thực hiện hai lệnh thỏa thuận trên. Chỉ có điều không có thông tin nào tiết lộ về việc này và càng khiến thị trường đồn đoán nhiều hơn.
Một thực tế trên bảng điện là trong giây đầu tiên của đợt khớp lệnh đóng cửa xuất hiện khối lượng bán ATC tới 8.643.800 cổ phiếu. Sau 1 phút, lượng bán ATC tăng lên 8.802.250 cổ phiếu. Lệnh mua xuất hiện chậm hơn và chỉ có chặn đỡ giá sàn cộng với vài lệnh che.
Đến trước khi đóng cửa, ROS có tổng cộng 9.731.490 cổ phiếu bán giá ATC và 158.930 cổ phiếu bán giá sàn. (Xem bảng 4 ở trên)
Nếu quen với thông lệ mua của các quỹ ETF là sử dụng lệnh ATC thì việc tranh bán bằng ATC cũng là điều hợp lý. Bán bằng ATC là cách bán quyết liệt nhất. Vậy hơn 9,73 triệu cổ bán ATC nói trên là của ai? Liệu đó có phải là toàn bộ khối lượng của những người đầu cơ đã mua từ trước để chờ bán cho quỹ FTSE?
Khối lượng trôi nổi của ROS là điều bí ẩn nhất từ trước tới nay. Trong suốt quá trình tăng giá, nhiều phiên ROS tăng giảm mạnh trong ngày và khối lượng duy trì ở mức rất cao. Việc “đội lái” tạo thanh khoản là điều hoàn toàn có thể xảy ra như đã nói ở trên, nhưng cũng có thể một phần các giao dịch do các nhà đầu tư khác thực hiện. Nói đơn giản, nếu đã xuất hiện một thương vụ thỏa thuận thì hoàn toàn có thể tích trữ được một lượng cổ phiếu phù hợp.
Hiện tại chỉ có thể biết rằng việc tung ra bán 9,73 triệu cổ phiếu là hành động cướp lệnh vì lệnh ATC cũng ưu tiên thời gian. Khối lượng đó có thể bao gồm cả khối lượng “đội lái” muốn xả cũng như các nhà đầu cơ khác. Nói cách khác, đó là tổng khối lượng muốn chạy ngày hôm đó, lớn hơn nhiều so với khả năng mua của quỹ FTSE.
Các giao dịch thỏa thuận với quỹ ETF trước đây cũng đã thực hiện nhiều lần. Bản chất của giao dịch thỏa thuận là các đối tác dàn xếp trước giao dịch và chỉ vào hệ thống đúng thời điểm. Liệu có bao nhiêu phần trăm khả năng là đại diện giao dịch của quỹ ETF bỏ thời gian trực tiếp tìm kiếm đối tác, hay nhận “chào hàng” từ một đối tác vô danh nào đó trên thị trường? Khả năng lớn hơn là quỹ thông qua các đại diện công ty chứng khoán làm trung gian tìm kiếm đối tác, hoặc dễ nhất là dàn xếp với trực tiếp các công ty chứng khoán: Công ty có nhiệm vụ tìm hàng, quỹ có nghĩa vụ mua. Trước đây các thương vụ ETF mua vào những cổ phiếu thanh khoản rất kém như MSN cũng đã được thực hiện như vậy.
Cũng cần lưu ý rằng giá giao dịch thỏa thuận chỉ cần nằm trong biên độ dao động của ngày hôm đó mà thôi. Việc giao dịch thỏa thuận của ROS được thực hiện sau giờ đóng cửa, tức là đã chốt giá cuối cùng đóng cửa, thì không nhất thiết phải đè giá để thỏa thuận giá sàn.
Câu hỏi lớn nhất đối với ROS ngày 17/3 là liệu “đội lái” có biết rằng quỹ FTSE sẽ mua ROS qua hình thức thỏa thuận hay không? Đa số nhà đầu cơ thông thường ít tính đến khả năng này. Nếu chính “đội lái” thỏa thuận bán cho ETF thì thương vụ có thể xem là thành công.
Ngược lại, nếu thỏa thuận là của “đội” khác hớt tay trên và 9,73 triệu cổ tranh nhau bán ATC hôm đó dù chỉ một phần là hàng của “đội lái” cướp lệnh để bán cho ETF thì thương vụ đã thất bại. Mặc dù về bản chất vẫn là ROS được bán cho quỹ ngoại, nhưng có thể là mức giá không như mong muốn hay đối tượng thực sự muốn bán đã không thực hiện được ý đồ. Điều này xảy ra thì tổn thất là quá lớn vì vừa không bán được, vừa chịu phí tổn đẩy giá lên, vừa bộc lộ quá nhiều dấu vết. Đặc biệt là làm lộ việc thao túng khối lượng mua sẽ khiến các nhà đầu cơ nhìn thấy bản chất của cung cầu và sợ hãi.
Văn Nhân