Chỉ còn 2 tháng rưỡi nữa là đến Tết Nguyên đán,ấtbậtchuẩnbịtricytếlich bong da hom.nay lúc này nhà vườn trên địa bàn tỉnh đang tất bật chuẩn bị nguồn trái cây bán tết. Người dân kỳ vọng thu hoạch được mùa, trúng giá vào thời điểm cuối năm.
Nông dân Lê Văn Mành kỳ vọng mùa xoài tết năm nay đạt năng suất cao.
Huyện Châu Thành là vùng chuyên canh cây ăn trái lớn nhất tỉnh. Hàng năm, nơi đây cung ứng lượng hàng hóa lớn cho thị trường Tết Nguyên đán, các loại trái cây chủ yếu là bưởi, xoài… Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, năm nay dự đoán sản lượng bưởi cung cấp cho thị trường tết giảm khoảng 30%. Nguyên nhân là do nhiều vườn cây bị lão hóa, diện tích trồng mới chưa cho trái kịp. Thời gian qua, ngành nông nghiệp địa phương đã tăng cường hỗ trợ nông dân kỹ thuật chăm sóc, trẻ hóa vườn bưởi như tỉa cành, tạo tán, cải tạo đất… để đạt năng suất cao. Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện đang tập trung thực hiện các mô hình phát triển vườn cây ăn trái trên địa bàn, đặc biệt là cây bưởi. Trong đó hỗ trợ nông dân về cây giống, khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cải tạo đất trồng mới từ 7.000-10.000 cây mỗi năm.
Ông Trần Hồng Đức, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, cho biết: “Về trái cây tết ở địa phương chủ yếu là xoài, bưởi và dưa hấu. Nông dân trên địa bàn đang làm đất chuẩn bị xuống giống dưa hấu và ước tính diện tích trồng dưa hấu tết toàn huyện có khoảng 20ha. Ngành nông nghiệp các địa phương cũng đã khuyến cáo bà con làm đất thật kỹ để tiêu diệt mầm bệnh cũ trước khi xuống giống. Sử dụng vôi bột xử lý đất, bón lót phân hữu cơ, xử lý hạt giống bằng thuốc…”.
Tương tự, tại huyện Phụng Hiệp không khí chuẩn bị nông sản tết cũng tất bật không kém. Thống kê từ ngành nông nghiệp huyện, có khoảng 50ha cam xoàn sẽ đón tết cùng một lượng quýt đường tương đối tập trung ở các xã Tân Phước Hưng, Hiệp Hưng, Phương Phú, hứa hẹn cung ứng cho thị trường vào thời điểm cuối năm. Hiện tại, có khoảng 60ha dưa hấu xuống giống, dự kiến đến khi trồng dứt điểm sẽ có diện tích 190ha trên toàn huyện. Ngoài ra, còn có khoảng 30ha xoài đang trong giai đoạn ra hoa rộ.
Nông dân Lê Văn Mành, ở ấp Phương An, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, phấn khởi cho biết: “Hiện tôi đã xử lý ra hoa cho xoài xong và dự kiến thu hoạch trong và sau Tết Nguyên đán. Gần đây, nhu cầu mua xoài chưng tết nhiều nên khâu chăm sóc trái phải kỹ lưỡng, có biện pháp xử lý tốt để trái đẹp, cho năng suất cao. Năm trước với 150 gốc xoài, tôi thu khoảng 90 triệu đồng. Riêng năm nay, trái còn nhỏ nên chưa ước tính được sản lượng”.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, năm nay việc trồng xoài tết trong dân rất khả quan, khâu xử lý ra hoa đạt tỷ lệ cao. Toàn tỉnh có khoảng 150-200ha đất trồng xoài cát Hòa Lộc. Số diện tích này đang trong giai đoạn cho trái, việc còn lại là chăm sóc kỹ vườn cây đợi thu hoạch. Riêng dưa hấu tết lúc này còn phải đối mặt với khả năng triều cường quay lại nên việc sản xuất trong dân vẫn chưa chắc chắn. Đây cũng là nỗi lo lớn của nhiều nông dân hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Việt, ở ấp Phương An, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, đang ươm hạt để chuẩn bị xuống giống vụ dưa hấu đón tết vào ngày 20-10 âm lịch tới. Năm nay, ông Việt trồng khoảng 1.000 dây dưa. Cũng như nhiều hộ trồng dưa hấu khác, ông Việt canh cánh nỗi lo triều cường dâng đột ngột sẽ gây ảnh hưởng lớn đến canh tác.
“Năm trước, tôi cũng xuống giống dưa hấu vào thời điểm này, nhưng được chừng 10 ngày thì nước đột ngột dâng lên, phải vất vả lắm mới cứu được rẫy dưa. Hy vọng năm nay sẽ thuận lợi hơn vì dưa hấu có thời gian sinh trưởng rất ngắn, chỉ 2,5 tháng là thu hoạch. Khi trồng, tôi phải thăm rẫy thường xuyên, chăm sóc kỹ lưỡng, từ khâu tưới nước, vô chân đất đến phòng ngừa sâu bệnh... Thường xuyên theo dõi thời tiết, cập nhật thông tin về kỹ thuật canh tác dưa hấu để áp dụng hiệu quả cho ruộng dưa nhà mình”, ông Việt cho hay.
Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, khuyến cáo: Thời điểm này bọ trĩ, bù lạch và bệnh thối rễ, chạy dây là những đối tượng nguy hiểm có khả năng gây thất thu rất lớn trên dưa hấu. Vì thế, ngành khuyến cáo bà con bón phân, tưới nước hợp lý, nhất là cần gieo trồng trên nền đất mới. Khi phát hiện bệnh thối rễ, chạy dây nên nhổ bỏ và mang ra khỏi rẫy dưa để tiêu hủy, tránh vứt xuống mương nước gây phát tán mầm bệnh. Dưa hấu khoảng 7-8 ngày tuổi cần chú ý bù lạch, khi phát hiện phải luân phiên xử lý thuốc chuyên trị. Nông dân có thể pha thuốc vào lon, sau đó nhúng đọt dưa vào, cách này vừa tiết kiệm thuốc, ít ô nhiễm môi trường vừa đem lại hiệu quả cao.
Bài, ảnh: KỲ ANH