Theo công trình nghiên cứu về ứng dụng internet, TMĐT đối với DNNVV tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng và Hiệp hội Thương mại điện tử, các DNNVV tại thị trường nội địa sử dụng website hiệu quả hơn các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế.
Kết quả này có thể xuất phát từ thực tế các DNNVV đang kinh doanh tại thị trường nội địa sử dụng các website để tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn, trong khi các DN xuất khẩu không làm được điều này. Các doanh nghiệp xuất khẩu có thể sử dụng phương pháp khác để tiếp cận khách hàng ở nước ngoài.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng kết nối internet không đảm bảo được giá trị gia tăng cao hơn cho tất cả các ngành, ngược lại số lượng máy tính lại đóng góp đáng kể vào hoạt động của các DNNVV. Kết quả cũng cho thấy website không có nhiều ý nghĩa đáng kể tới hoạt động của các DNNVV trong ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên sự tồn tại này lại có vai trò quan trọng tới hoạt động của doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Nhóm tác giả cũng đã nghiên cứu và khảo sát một số trường hợp có sử dụng internet cho các hoạt động kinh doanh gồm: nghề cá kho truyền thống làng Vũ Đại, Công ty Đông Phương Nam, Công ty Nhà Việt, Công ty tranh lá Trung Anh.
Kết quả cho thấy sử dụng internet làm tăng doanh thu và lợi nhuận một cách nhanh chóng, các doanh nghiệp được nghiên cứu đều phát triển nhanh chóng nhờ việc sử dụng và áp dụng kiến thức về công nghệ thông tin một cách hiệu quả.
Tuy nhiên báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn đối với các doanh nghiệp trong quá trình sử dụng internet. Thứ nhất đó là chi phí mà các doanh nghiệp phải trả cho dịch vụ thương mại điện tử là khá cao, ước tính khoảng 20% tổng doanh thu chưa kể chi phí duy trì hoạt động quảng cáo trực tuyến.
Thứ hai, internet không chỉ tạo ra một môi trường mở cho các doanh nghiệp mà còn đặt ra cho họ những thách thức trong việc bảo vệ thương hiệu của mình. Đã có rất nhiều phản hồi của khách hàng về việc mua phải hàng giả, hàng vi phạm bản quyền.
Nhóm tác giả cũng chỉ ra một khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp khi sử dụng thương mại điện tử, đó là chi phí thực sự cho dịch vụ thương mại điện tử bởi dịch vụ TMĐT của các công ty nước ngoài không được tính vào chi phí kế toán, do đó các doanh nghiệp được yêu cầu phải đóng thuế trên cơ sở hai lần doanh thu không bao gồm phí TMĐT.
TS. Nguyễn Đình Chúc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng cho biết, các nghiên cứu quốc tế về vai trò của internet đối với hoạt động của DNNVV đã chỉ ra rằng, internet tạo ra 3,2 việc làm mới cho mỗi việc làm bị mất đi trong các DNNVV tại các quốc gia đang phát triển được nghiên cứu. Hơn nữa nếu các doanh nghiệp trong tất cả các ngành kinh tế nếu có một website sẽ phát triển nhanh gấp đôi so với những doanh nghiệp không có hoặc có nhưng ít hoạt động.
Ông Chúc cũng chỉ ra rằng, những trở ngại trong mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng là thách thức trong phát triển TMĐT ở Việt Nam. Bên cạnh đó, môi trường pháp lý và cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn là những yếu tố cản trở việc ứng dụng TMĐT cho doanh nghiệp. Những vấn đề này đặt ra câu hỏi về năng lực của Chính phủ trong việc thiết lập một môi trường pháp lý thuận lợi cho thị trường số phát triển, cả trong việc cung cấp các dịch vụ internet và đảm bảo các giao dịch TMĐT an toàn.