Xác định phân loại rác tại nguồn là khâu quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường,ệuquảmhnhphnloạirctạinguồhạng 5 đức vì vậy Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam xã Long Trị đã triển khai nhiều mô hình tuyên truyền, vận động hội viên cùng hành động vì môi trường sạch.
Phụ nữ ấp 1, xã Long Trị đều có thói quen phân loại rác trước khi đem tiêu hủy.
Hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, những năm qua, Hội LHPN Việt Nam xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, đã tuyên truyền, vận động các hội viên trong xã cùng nhau bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Hội LHPN Việt Nam xã đã lồng ghép tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt, dịp kỷ niệm các ngày lễ để vận động chị em thu gom, phân loại rác trong gia đình, giúp cho ngôi nhà luôn sạch, đẹp.
Tham gia mô hình, các chị em khu vực nông thôn được hướng dẫn cách xử lý rác thải gia đình theo từng loại rác nhằm bảo vệ môi trường. Các loại rác hữu cơ như: lá cây, vỏ rau củ, rác sinh hoạt bỏ vào hố chôn để làm phân bón; rác vô cơ như bao bánh kẹo để đốt; các loại vỏ chai, túi ni-lông có thể bán được sẽ được gom lại để bán phế liệu.
Chị Phạm Thị Hương, ở ấp 1, xã Long Trị, cho biết: “Ở khu vực nông thôn không có xe thu gom rác nên trước đây gia đình tôi không phân loại mà gom chung rác để vứt xuống hố ở nhà để lấp. Từ những buổi sinh hoạt được nghe, rồi tận tay thực hiện, chúng tôi đã hiểu hơn lợi ích của việc phân loại rác ngay tại nhà. Vì thế, giờ mỗi khi đi chợ về tôi đều phân loại ra hết. Những loại không thể phân hủy, hoặc không thể tái sử dụng, gia đình sẽ đem đốt. Những loại rác có thể tái chế như chai lọ nhựa, giấy, kim loại… được bỏ riêng, bán lấy tiền”.
Theo Hội LHPN Việt Nam xã Long Trị, hiện nay hầu hết các chị em trong xã đều tham gia chương trình nên góp phần giải quyết được phần nào tình hình rác thải ở khu vực nông thôn. Với những kết quả đạt được, đầu năm 2018, Chi hội phụ nữ ấp 1 đã xây dựng mô hình “Tiết kiệm từ rác thải các vỏ chai, túi ni-lông, giấy vụn mua bảo hiểm y tế cho hội viên gặp khó khăn”. Mô hình này ra đời đã phần nào giúp cải thiện môi trường ở nông thôn, đồng thời dùng số tiền thu được sẽ gom lại để giúp đỡ gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Chị Nguyễn Thị Đào, hội viên phụ nữ ấp 1, chia sẻ: “Số tiền thu gom từ bán phế liệu không bao nhiêu. Vì thế, khi được các chị đề xuất, tôi thống nhất ngay góp vào ủng hộ cho chị em có hoàn cảnh khó khăn”.
Bà Phan Thị Thanh Hương, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp 1, cho biết: Hồi khi phát động, các chị em đều tham gia tích cực và còn hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình tham gia, tạo thói quen phân loại rác trong gia đình, thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định, không chỉ ở nhà mà đi bất kỳ nơi đâu đều phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Trước tinh thần của các chị em, năm nay chúng tôi đã vận động chị em dùng số tiền tích góp được từ việc bán phế liệu để hỗ trợ phần nào cho các chị có hoàn cảnh khó khăn. Vậy mà ai cũng thống nhất nên tôi rất mừng”.
Được biết, từ nguồn quỹ này, đến nay đã có 6 lượt chị em được mua bảo hiểm với tổng trị giá 1,2 triệu đồng. Việc làm này không chỉ kịp thời chia sẻ, động viên hội viên nghèo mà còn tạo sự gắn kết, cùng nhau xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. “Không chỉ có phân loại rác đơn thuần, chị em trong tổ còn phát động thi đua. Có nghĩa là chị em nào quan tâm chăm sóc nhà cửa, bếp núc, giữ gìn cảnh quan nhà đẹp sẽ được khen thưởng. Bên cạnh đó, hàng tháng tổ phụ nữ ấp 1 còn tham gia thu gom rác, quét các tuyến đường trên địa bàn ấp”, bà Hương bộc bạch.
Bà Nguyễn Thị Trang, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam xã Long Trị, cho biết: Ở khu vực nông thôn, vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải sinh hoạt đang được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Do vậy, Ban chấp hành hội các cấp luôn quán triệt nội dung tới cán bộ hội, yêu cầu nêu gương làm trước; đồng thời đến từng gia đình có hội viên để vận động, giúp họ từng bước thay đổi nhận thức về việc phân loại rác thải tại nguồn. Hiện nay, đã có nhiều mô hình sáng tạo trong việc giải quyết rác thải nông thôn. Trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục triển khai đến các chi hội phát huy tính sáng tạo, tìm ra các mô hình mới không những trong việc giải quyết rác thải vùng nông thôn mà còn góp phần đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: THANH THÚY