Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bên cạnh vai trò chủ đạo là ngành y tế thì sự tham gia vào cuộc của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và người dân là rất quan trọng. Đặc biệt, đối với sốt xuất huyết (SXH), muốn đẩy lùi dịch bệnh này cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả cộng đồng.
Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bên cạnh vai trò chủ đạo là ngành y tế thì sự tham gia vào cuộc của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và người dân là rất quan trọng. Đặc biệt, đối với sốt xuất huyết (SXH), muốn đẩy lùi dịch bệnh này cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả cộng đồng.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận gần 200 trường hợp mắc bệnh SXH, có 1 trường hợp tử vong. Bệnh này đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nguy cơ lây lan mầm bệnh là rất lớn nếu như cộng đồng không thực hiện các biện pháp phòng, chống tích cực.
Đoàn kết cộng đồng
Tuy diễn biến phức tạp nhưng bệnh SXH vẫn đang được kiểm soát tốt. Các ổ dịch cũ và mới phát sinh được kiểm soát và dập tắt kịp thời. Số ca mắc SXH chuyển độ nặng cũng được xử lý và theo dõi điều trị tích cực tại các cơ sở y tế.
Đoàn viên, thanh niên TP Cà Mau tuyên truyền phòng bệnh sốt xuất huyết tại phường 8. |
Thời gian qua, bên cạnh sự nỗ lực của cán bộ làm công tác phòng, chống dịch còn có sự tham gia vào cuộc của các cấp Hội phụ nữ, Ðoàn thanh niên và chính quyền địa phương. Lực lượng này có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức đến các hội viên, đoàn viên và thanh niên tích cực tham gia vào hoạt động phòng, chống SXH. Trong đó, bằng các hoạt động truyền thông đơn giản như thường xuyên dọn dẹp vệ sinh nơi ở, phát quang bụi rậm, ngủ mùng, tích cực diệt muỗi, diệt lăng quăng, phòng chống muỗi đốt là những việc làm đơn giản nhưng hiệu quả.
Anh Trương Quốc Cường, Phó Bí thư Thành đoàn Cà Mau, cho biết: “Thời gian qua, Ban Thường vụ Thành đoàn đã chỉ đạo các cơ sở Ðoàn trực thuộc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên cùng tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch bệnh nói chung và bệnh SXH nói riêng. Nhìn chung, sự hưởng ứng của các bạn đoàn viên, thanh niên là hết sức tích cực. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, mỗi cá nhân đoàn viên, thanh niên cũng trở thành cán bộ tuyên truyền đến tận hộ gia đình nhằm từng bước thay đổi nhận thức huy động sức mạnh của cộng đồng cùng tham gia các hoạt động phòng, chống SXH”.
Huy động sức mạnh truyền thông
Trong công tác phòng, chống SXH, truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng. Ðây được xem là hoạt động đi đầu nhằm từng bước thay đổi hành vi cộng đồng từ có hại sang có lợi cho sức khoẻ, góp phần hạn chế số trường hợp mắc và tử vong do bệnh SXH.
Bác sĩ Hồ Thanh Ðảm, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi không ngừng thực hiện các giải pháp, tăng cường truyền thông trực tiếp và gián tiếp; trong đó, chú trọng in ấn tờ rơi, áp phích, gắn các cụm pa-nô truyền thông phòng bệnh tại các khu vực đông dân cư; tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình, vận động người dân tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh SXH. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp, thường xuyên viết bài cộng tác trên Báo Cà Mau, Ðài PT-TH Cà Mau và trên các phương tiện truyền thông, loa nội bộ tại các cơ sở y tế nhằm huy động sức mạnh của hệ thống truyền thông trong công tác phòng bệnh”.
Ðối với tuyến cơ sở, hoạt động truyền thông phòng bệnh SXH cũng hết sức được chú trọng. Thời gian qua, các đài truyền thanh huyện và hệ thống truyền thanh cơ sở đã tăng cường thời lượng phát sóng các tin, bài, khuyến cáo y tế về phòng bệnh SXH đến tận các vùng nông thôn sâu. Thông qua hệ thống truyền thanh tuyến cơ sở, người dân sẽ kịp thời cập nhật tình hình dịch bệnh, từ đó thay đổi hành vi, thực hiện theo các khuyến cáo của ngành y tế trong công tác phòng bệnh SXH.
Trưởng Ðài Truyền thanh huyện Năm Căn Trần Ngọc Giàu cho biết: “Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã ký hợp đồng trách nhiệm với ngành y tế địa phương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh trên sóng phát thanh. Ðặc biệt, trong giai đoạn chuyển mùa như hiện nay, đài truyền thanh đã tăng cường phát sóng, thực hiện nhiều tin, bài phản ánh tình hình bệnh SXH nhằm từng bước nâng cao nhận thức người dân trong công tác phòng bệnh”.
Bác sĩ Hồ Thanh Ðảm cho biết thêm: “Hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống SXH 15/6, chúng tôi đã phối hợp với một số huyện, thành phố thực hiện các buổi mít-tinh, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống SXH. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động giám sát, tổ chức tập huấn cho tuyến cơ sở về công tác truyền thông, đặc biệt chú trọng công tác phối hợp cùng các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình bệnh SXH để kịp thời thông tin đến người dân chủ động phòng, chống dịch”.
Hiện nay, bệnh SXH tuy vẫn đang được kiểm soát tốt trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, theo nhận định, thời gian tới bệnh này sẽ tiếp tục gia tăng, nhất là trong thời điểm mùa mưa đang đến gần. Chính vì vậy, trong công tác phòng, chống SXH, bên cạnh vai trò chủ đạo của ngành y tế, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp uỷ Ðảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội./.
Bài và ảnh: Quốc Văn