游客发表
发帖时间:2025-01-10 23:57:21
"Làn sóng" rút lui
Cách đây 10 năm, điện máy được đánh giá là lĩnh vực kinh doanh khá mới mẻ. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã “nhảy vào” kinh doanh điện máy với những dòng sản phẩm như đồ gia dụng, tivi siêu mỏng, điện thoại thông minh... Tuy nhiên, thị trường điện máy đang chứng kiến “sự ra đi” của nhiều thương hiệu.
Siêu thị điện máy Topcare được đánh giá là siêu thị “có số có má” trong làng điện máy với 6 siêu thị tại các quận: Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng… hay những tuyến phố sầm uất tại Hà Nội. Thế nhưng trong những ngày gần đây, người tiêu dùng cũng như giới doanh nghiệp rất “bàng hoàng” khi nghe tin 3 siêu thị của Topcare tại Minh Khai, Cầu Giấy, Hoàng Minh Giám cùng ngừng hoạt động.
Phía Topcare chưa chính thức đưa ra nguyên nhân ngừng hoạt động nhưng có rất nhiều lý do được “đồn đoán” như do nợ nần, có thể đổi chủ...
Cũng có tiếng trong lĩnh vực điện máy nhưng mới đây, Công ty đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (đơn vị sở hữu Công ty thương mại Nguyễn Kim với 21 siêu thị điện máy trên cả nước, chiếm thị phần bán lẻ điện máy hàng đầu tại Việt Nam) đã chính thức bán 49% cổ phần cho Tập đoàn Central Group của Thái Lan.
Trước đó, những cái tên như Wonderbuy, Bestcaring, HomeOne, Việt Long… cũng lần lượt phải “rời sân” với nhiều nguyên nhân khác nhau. Thực tế trên cho thấy, thị trường điện máy đang có sự cạnh tranh khốc liệt, chưa kể “miếng bánh” thị phần đang được chia cho cả những doanh nghiệp ngoại.
Quy hoạch có vấn đề?
Khi đặt vấn đề nhiều doanh nghiệp điện máy phá sản, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhìn nhận, việc doanh nghiệp đóng cửa trong thời buổi kinh tế thị trường là chuyện bình thường, nhất là khi Việt Nam mở cửa thị trường. Tuy nhiên, trong lĩnh vực điện máy sự cạnh tranh càng khốc liệt, đặc biệt, kinh doanh điện máy có nhiều rủi ro. “Ví dụ như điện thoại di động vài tháng sau mẫu mã đã thay đổi, nếu doanh nghiệp “ôm” nhiều sẽ lỗ”, ông Phú dẫn chứng.
Điều ông Phú đặc biệt nhấn mạnh hơn cả là vốn của doanh nghiệp rất ít, hoàn toàn vay ngân hàng. Trong khi doanh nghiệp nước ngoài chỉ có 1-2% vốn vay ngân hàng thì doanh nghiệp Việt Nam con số này ít nhất là 8-10%. Do sử dụng vốn vay ngân hàng lớn nên nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đúng hạn dẫn tới việc đóng cửa hoặc phá sản.
Theo quan sát của phóng viên, trên một số tuyến phố ở Hà Nội như Cầu Giấy, Nguyễn Trãi, Giảng Võ..., khoảng cách giữa các siêu thị điện máy rất gần nhau. Trên tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy, Topcare và Pico chỉ cách nhau vài trăm mét, còn tuyến đường Nguyễn Trãi hệ thống siêu thị Nguyễn Kim, Media Mart, Trần Anh, Pico. Mỗi siêu thị chỉ cách nhau chưa đầy 1km. “Một tuyến phố có tới 3 siêu thị điện máy thì làm sao sống được”, ông Phú cho hay.
Như vậy, doanh nghiệp trong nước đang giẫm chân nhau. Câu hỏi đặt ra ở đây là, phải chăng khâu quy hoạch có vấn đề? Chưa kể đến, làn sóng doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam do nhận thấy thị trường điện máy nói riêng, thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung còn rất nhiều tiềm năng. Doanh nghiệp nội đang sẵn thế yếu, cộng thêm lực tác động từ phía doanh nghiệp nước ngoài ắt sẽ đóng cửa.
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接