Mỹ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: Trần Việt. Theo số liệu của Bộ Công Thương, 10 năm gần đây, Việt Nam luôn trong top quốc gia có kim ngạch xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Năm 2014, xuất khẩu dệt may đứng thứ 5 sau Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Ấn Độ.
Ngành dệt may còn đóng góp 16-17% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, với mức tăng bình quân 15%/năm (giai đoạn 2010-2015). Các thị trường xuất khẩu chính gồm Mỹ, EU, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Xuất khẩu dệt may được dự báo sẽ tăng nhanh hơn trong thời gian tới nhờ có các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Là bởi theo TPP, các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Canada… sẽ giảm thuế nhập khẩu về 0% cho nhiều loại hàng hóa, điều này sẽ tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu hàng hóa nói chung, trong đó có dệt may.
Riêng ngành dệt may, với mức cam kết như đã đạt được với Mỹ (giảm 63,5% số thuế phải nộp ngay khi Hiệp định có hiệu lực và tiếp tục giảm thêm theo lộ trình xuống 0%), kim ngạch có thể tăng đáng kể. Ví dụ thuế nhập khẩu của Mỹ đối với áo sơ-mi nhập từ các nước không có hiệp định thương mại trung bình là 18%. Khi Việt Nam có hiệp định thương mại với Mỹ, mức thuế nhập khẩu sẽ về 0%. Như vậy, áo sơ-mi của Việt Nam sẽ rẻ hơn áo sơ-mi của các nước cạnh tranh khác khoảng 18%.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, để đổi mới kỹ thuật, công nghệ nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh về giá khoảng 18% là rất khó khăn và mất nhiều thời gian. “Với lợi thế cạnh tranh lớn như vậy, hàng xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn có thể chiến thắng các đối thủ cạnh tranh của mình”, một báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ.
Bộ này ước tính, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam có thể tăng 30-40% ngay năm đầu tiên và sau khoảng 3-4 năm sẽ tăng gấp đôi.
Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu dệt may sang Mỹ 10 tỷ USD. Nếu không có TPP, dự kiến kim ngạch sẽ đạt 13 tỷ USD vào năm 2018 và 14,5 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, khi có TPP, xuất khẩu dệt may sẽ tăng thêm 3 tỷ vào năm 2018 (đạt 16 tỷ USD) và tới năm 2020 có thêm 5,5 tỷ USD.
Với quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam có điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu. Trên thực tế, đã xuất hiện các dự án đầu tư lớn và rất lớn để đón đầu TPP. Đây là mặt tích cực của quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” giúp gia tăng giá trị nội địa cho hàng dệt may xuất khẩu và giúp ngành may phát triển bền vững trước các đối thủ cạnh tranh.
Tất nhiên, để tận dụng được cơ hội giảm thuế, Việt Nam cần có giải pháp mạnh hơn trong việc phát triển sản xuất nguyên phụ liệu để tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm xuất khẩu. Đây được coi là vấn đề mấu chốt.
Hiện nay, do chưa chủ động cung cấp nguyên phụ liệu trong nước phục vụ cho ngành may nên Việt Nam vẫn chủ yếu sản xuất theo hình thức gia công, tỷ lệ giá trị gia tăng thấp, năm 2015 chỉ đạt 51,1%. |