| Các công trình trọng điểm của thành phố đang được đẩy mạnh thi công. Ảnh: NNK |
Quý I, giải ngân vốn đầu tư công đạt 5.172 tỷ đồng Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công trung ương giao cho TP. Hà Nội là 46.956 tỷ đồng. Đến nay, thành phố đã phân bổ toàn bộ kế hoạch vốn trung ương giao. Đồng thời, chính quyền thành phố đã tập trung chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư tập trung các nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư công, rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công của thành phố và cấp huyện ngay từ đầu năm 2023. Tính đến hết tháng 3/2023, toàn thành phố giải ngân vốn đầu tư công được 5.172 tỷ đồng, đạt 11% kế hoạch, cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng từng nhấn mạnh, trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, thành phố tập trung vào 3 khâu đột phá. Đặc biệt, phải tiếp tục làm tốt hơn nữa việc huy động các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của thành phố, tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2023. Kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án chưa đủ thủ tục triển khai để bổ sung vốn: chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước, cho các dự án đã thực hiện nhanh tiến độ… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. |
Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP. Hà Nội cho biết, 3 tháng đầu năm 2023, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai nhiều dự án quan trọng, trong đó có nhiều công trình giao thông trọng điểm. Điển hình là Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2: Đến nay, dự án đã hoàn thành 43% khối lượng công việc, trong đó 90% số cột trụ đã hoàn thành và đường dẫn vượt bãi sông đang dần hoàn thiện. Đối với Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, thành phố khởi công ngày 3/12/2022, dự kiến hoàn thành năm 2027, với tổng mức đầu tư 8.113 tỷ đồng... Đặc biệt, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đến nay đang triển khai đúng tiến độ và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân Thủ đô. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích, trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo. Cũng theo Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP. Hà Nội, cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, thành phố đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. | Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được khẩn trương thi công để kịp tiến độ. Ảnh: NNK |
Điều chuyển vốn từ dự án chậm sang dự án có khả năng hấp thụ vốn tốt Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND TP. Hà Nội, tỷ lệ giải ngân chưa đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân cơ bản là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, chậm các thủ tục đầu tư dự án, khó khăn trong việc thực hiện các dự án ODA… Ngoài ra, một số dự án phải xin ý kiến thỏa thuận với các bộ, ngành về giấy phép thi công, điều chỉnh thiết kế… Thời gian tới, để khắc phục những hạn chế trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của TP. Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 kéo dài sang năm 2023; cũng như phấn đấu hoàn thành giải ngân hết Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, theo quy định của Luật Đầu tư công; đồng thời đảm bảo mục tiêu, chất lượng hiệu quả sử dụng vốn theo đúng quy định của pháp luật. Về tháo gỡ khó khăn về biến động giá, UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trưởng xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường; đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn, trường hợp cần thiết, công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn. Thành phố xác định đẩy nhanh công tác công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án để khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và có dự án mới đủ điều kiện bố trí vốn, khởi công công trình và đây tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 của thành phố. Thành phố cũng sẽ kịp thời điều chuyển vốn từ các dự án chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, các dự án chậm triển khai, giải ngân, không khắc phục được các vướng mắc sang các dự án có khả năng thực hiện, hấp thụ vốn tốt hơn… Ngoài ra, thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao; tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng đúng tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô…/. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ giải ngân của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các chủ đầu tư đến hết niên độ ngân sách năm 2023 không đạt tối thiểu 90% kể hoạch được giao là một trong các tiêu chí để xem xét, đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ và việc không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp là một trong những trường hợp để xem xét miễn nhiệm cán bộ, theo quy định tại Quyết định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Ban Chấp hành Trung ương. |
|