游客发表
发帖时间:2025-01-11 05:09:08
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sáng 3/3. Ảnh: VGP |
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của DNNN khoảng 1,65 triệu tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch năm 2023. Trong đó doanh thu của riêng 19 Tập đoàn, Tổng công ty và Tập đoàn Viettel đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu của toàn bộ DNNN. Lợi nhuận trước thuế của DNNN khoảng 125,8 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp ngân sách nhà nước ước thực hiện khoảng 166 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm. Năm 2023, các DNNN đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm theo kế hoạch được duyệt. Riêng 19 Tập đoàn, Tổng công ty có tổng vốn đầu tư giải ngân ước đạt 161 nghìn tỷ đồng so với 208,328 nghìn tỷ đồng được giao, đạt gần 80% kế hoạch năm. |
Tại hội nghị, đại diện các DNNN tham dự đã báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp và những đề xuất, kiến nghị để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ được giao.
Theo ông Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel), năm 2024, tập đoàn xác định rất nhiều thuận lợi phía trước. Cơ hội mở ra, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Những chuyến công tác đối ngoại của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những đoàn đến Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài lớn cho thấy nhiều cơ hội đang ở phía trước. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội cũng có không ít những thách thức phải vượt qua.
Để có tăng trưởng, tập đoàn xác định phải có đầu tư. Do vậy, năm 2024 Viettel sẽ mạnh dạn đầu tư rất nhiều trong lĩnh vực hạ tầng, như hạ tầng giao thông, hạ tầng số… Năm 2024 sẽ là năm chuyển đổi lớn khi mà tháng 9 này sẽ tắt sóng 2G, chỉ có sóng 4G và 5G. Cũng năm nay, Viettel sẽ triển khai 5G phủ sóng trên phạm vi toàn quốc, lãnh đạo tập đoàn cho hay.
Về lĩnh vực năng lượng, dưới góc nhìn của DNNN trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hạ nguồn lớn nhất, ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), kiến nghị một số giải pháp để thị trường xăng dầu phát triển lành mạnh, hiệu quả. Đó là, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng và ban hành mới nghị định về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định số 83, 95, 80 của Chính phủ, theo hướng nâng cao chất lượng của các đầu mối kinh doanh xăng dầu, qua việc nâng điều kiện làm thương nhân phân phối về kho cảng, doanh nghiệp.
Đồng thời, Chính phủ quyết liệt áp dụng hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng, theo Nghị định 123 của Chính phủ trong hoạt động bán lẻ xăng dầu; tiếp tục đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số trong kinh doanh xăng dầu; thực hiện kết nối trực tiếp dữ liệu từ các kho xăng dầu, cột bơm xăng dầu đến cơ quan hải quan, thuế; xác định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về quản lý điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Báo cáo về tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, doanh nghiệp quyết tâm thực hiện theo đúng chỉ đạo Chính phủ. Theo đó, dự án trọng điểm Tân Sơn Nhất sẽ về đích trước 2 tháng để kịp kỷ niệm nhân dịp Ngày Giải phóng miền Nam (30/4), hay dự án sân bay Long Thành, tổng công ty cũng sẽ phấn đấu về đích tối thiểu trước 2 tháng.
Để sớm đạt được các mục tiêu đã đề ra, ACV kiến nghị sớm phê duyệt tăng vốn bằng nguồn lợi nhuận để lại của tổng công ty, tiến tới tăng vốn bằng khu bay để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước (NSNN) vào đầu tư nâng cấp sửa chữa các khu bay. ACV cũng kiến nghị thông qua cơ chế chung về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh quy hoạch chi tiết các cảng hàng không; đồng thời, sớm phê duyệt triển khai đề án xã hội hóa.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu tham dự hội nghị. |
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch Tổng công ty Lương thực miền Bắc Bùi Thị Thanh Tâm cho hay, trước đây tình trạng được mùa mất giá xảy ra không ít. Nhưng thời điểm hiện nay, lúa gạo không những được mùa mà lại cả được giá. Đây là thành công rất lớn, là kết quả quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chỉ đạo sát sao của Chính phủ.
Báo cáo với Thủ tướng “người nông dân hoàn toàn có lãi và rất là phấn khởi”, bà Bùi Thị Thanh Tâm cũng kiến nghị Chính phủ cho tiến hành sớm chương trình thu mua dự trữ; đề nghị các ngân hàng tiếp tục quan tâm, giảm lãi suất, đồng thời nới lỏng các điều kiện cho vay…
Liên quan đến việc tạo điều kiện cho các DNNN phát huy tối đa tiềm năng, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM), bày tỏ mong muốn Chính phủ quan tâm, điều chỉnh sớm các chính sách, quy chế theo hướng đánh giá dựa trên các kết quả cuối cùng, thay vì đánh giá trên từng vụ việc, quá trình. Như vậy sẽ khiến cho các doanh nghiệp mạnh dạn hơn, năng động hơn, có thể đầu tư hiệu quả, kinh doanh tốt hơn.
TP.HCM cũng đề nghị có quy chế rõ ràng đối với doanh nghiệp liên doanh, các dự án đầu tư nước ngoài, trong đó có quy định về chuyển giao lại toàn bộ tài sản cho phía Việt Nam. Đơn cử như khách sạn Lộc Phúc của TP.HCM, trước đây kinh doanh rất có lãi nhưng sau thời hạn kinh doanh, hiện vẫn để trống, gây lãng phí lớn. “Mong muốn lớn nhất của lãnh đạo TP.HCM là thành phố có được quyền chủ động để có thể chỉ đạo các DNNN trên địa bàn thành phố, để tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế” - ông Dương Anh Đức cho hay.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ luôn bên cạnh các DNNN, doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Ghi nhận sự đóng góp quan trọng, tích cực của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng với sự phát triển của đất nước, người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị cần rút kinh nghiệm đối với những vấn đề chưa được, chỉ ra nguyên nhân, xử lý nghiêm những người làm sai, vi phạm nhưng không vì thế mà chùn bước.
Theo Thủ tướng, các DNNN phải tự tin đi lên, thắng không kiêu, bại không nản, tạo động lực mới, khí thế mới để có thắng lợi mới, quan trọng là phát hiện kịp thời các khó khăn, vướng mắc, phản ứng chính sách kịp thời.
Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN trong nền kinh tế. DNNN cần là lực lượng tiên phong, dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Với các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải tích cực, chủ động, trách nhiệm trong giúp đỡ doanh nghiệp, tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, "không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm", phối hợp hiệu quả với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, phát huy mặt mạnh, hạn chế điểm yếu để vươn lên, tăng tốc phát triển.
Doanh nghiệp nhà nước là người tiên phong điều tiết bất cập của thị trườngPhát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá rất cao vai trò của DNNN, không chỉ ở góc độ hiệu quả kinh tế, xã hội mà còn ở khía cạnh là “những người lính tiên phong” điều tiết những bất cập, những mặt trái của thị trường. Trong đóng góp cho ngân sách, năm 2023 các DNNN nộp 261 ngàn tỷ đồng tiền thuế, chiếm 17% thuế nội địa. Những năm qua DNNN phát triển bền vững hơn trong các lĩnh vực kinh doanh, nợ thuế cũng ít hơn.
Để hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của DNNN, Bộ trưởng đề nghị các DNNN tích cực đóng góp ý kiến để xây dựng Luật thay thế Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Hiện dự luật đang được lấy ý kiến nhiều vòng, song một số DNNN chưa có sự quan tâm, đóng góp ý kiến nhiều. Theo Bộ trưởng, có rất nhiều nội dung cần có sự đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề tự chủ trong sản xuất, kinh doanh; quản lý đầu vào hay đầu ra; quyền tự quyết về nhân sự, tiền lương; lợi nhuận để lại; cơ chế tăng vốn, đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp… Ngoài ra còn phải bàn tính kỹ về cơ chế cho kinh tế xanh, tuần hoàn, kinh tế số… |
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接