Theo đó, đối với dịch vụ tạm nhập khẩu các sản phẩm do chính nhà sản xuất của Công ty TNHH Apple Việt Nam sản xuất ra để bảo hành sau đó tái xuất, Tổng cục Hải quan cho biết căn cứ theo khoản 2 Điều 15 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018; Điều 47 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công Thương thì công ty được tạm nhập, tái xuất hàng hóa do chính công ty sản xuất đã xuất khẩu để phục vụ mục đích bảo hành theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài và không phải xin giấy phép tạm nhập, tái xuất tại Bộ Công Thương. Đối với trường hợp tạm nhập khẩu các sản phẩm từ các nhà sản xuất khác để thực hiện hoạt động gia công, sửa chữa sau đó tái xuất, trường hợp Công ty TNHH Apple Việt Nam muốn thực hiện hoạt động gia công, sửa chữa hàng hóa là mặt hàng điện tử đã qua sử dụng thuộc danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu thì phải xin giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông và phải tái xuất toàn bộ sản phẩm ra nước ngoài sau quá trình gia công sửa chữa, không được phép tiêu thụ tại Việt Nam. Thủ tục hải quan để thực hiện hoạt động gia công cho thương nhân nước ngoài thực hiện theo quy định tại Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Hải quan, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP và Thông tư số 38/2015/TT- BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính. |