Vị trí địa lý là một lợi thế
Huyện Hưng Hà với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua như: Quốc Lộ, 39A, đường cao tốc Thái Bình- Hà Nam, đường và cầu La Tiến, đường tỉnh ĐT452, ĐT453, đường từ cầu Me đi đền Tiên La; cầu Đồng Lạc qua sông Tiên Hưng; các đường huyện ĐH 71, ĐH 60, ĐH 64... nên huyện Hưng Hà xác định mục tiêu chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo định hướng phát triển mạnh công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Theo đó, UBND huyện Hưng Hà đã ban hành Đề án phát triển công nghiệp - thương mại và dịch vụ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung quy hoạch các khu vực chiến lược, quảng bá lợi thế về giao thông, tạo động lực kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn. Bên cạnh quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp (CCN), huyện Hưng Hà còn tập trung quy hoạch phát triển mở rộng các khu dân cư, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để tăng nguồn thu ngân sách, tạo cơ sở huy động, kêu gọi các dự án đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong giai đoạn 2020 - 2025, huyện Hưng Hà sẽ tập trung ban hành và triển khai các kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng huyện, các CCN; huy động các nguồn vốn đầu tư, xây dựng một số dự án trọng điểm nhất là nâng cấp hệ thống đường giao thông, các công trình kết cấu hạ tầng phát triển sản xuất, du lịch, thu hút đầu tư và phục vụ đời sống nhân dân… tiếp tục khuyến khích, ưu tiên các ngành nghề công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với định hướng phát triển của huyện và của tỉnh Thái Bình vào đầu tư tại địa bàn. Hưng Hà khuyến khích đầu tư vào các cụm công nghiệp Trước đây các CCN khó thu hút được các doanh nghiệp vì hạ tầng và cơ sở vật chất còn hạn chế, không đồng bộ. Vì vậy để thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, huyện Hưng Hà đặc biệt chú trọng đến công tác đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN trên địa bàn.
CCN Đồng Tu (thị trấn Hưng Hà) với diện tích gần 64 ha đến nay đã thu hút được 12 doanh nghiệp vào đầu tư đa ngành nghề. Công ty Cổ phần May Hưng Bình (CCN Đồng Tu) đang sản xuất các sản phẩm: quần, áo khoác, áo blazer, chân váy... xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc với sản lượng 1.800.000 sản phẩm/năm, doanh thu đạt 5,5 triệu USD/năm, tạo việc làm cho gần 450 lao động với mức lương từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Ông Bùi Văn Diện, Giám đốc Công ty cho biết: Khi đầu tư tại CCN Đồng Tu chia sẻ, chúng tôi thấy giao thông thuận lợi, nguồn lao động dồi dào, cơ chế phù hợp, thủ tục thuê đất, triển khai dự án nhanh gọn, thông thoáng nên rất thuận lợi cho Công ty phát triển. Trong quá trình thực hiện dự án Công ty luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ tích cực và tạo điều kiện thuận lợi từ các cấp chính quyền và ngành chức năng của huyện. Tại địa bàn nông thôn, các CCN đã tạo việc làm cho gần 5.000 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao đời sống người dân. Chị Tạ Thị Mỳ, tổ hoàn thiện Công ty May Hưng Bình cho biết: Từ khi huyện quy hoạch xây dựng CCN trên địa bàn, chúng tôi có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề phù hợp đáp ứng nhu cầu của bản thân mà không cần phải đi sang tỉnh khác tìm việc làm. Hiện nay công việc của chúng tôi rất ổn định, lương gần 8 triệu đồng/người/tháng, mọi chế độ của công nhân đều được bảo đảm. Là một trong những doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, từ khi đi vào sản xuất đến nay trung bình mỗi tháng Công ty TNHH Plummy Garment Việt Nam (CCN Hưng Nhân) sản xuất gần 100.000 sản phẩm áo, quần xuất đi các nước châu Âu, châu Mỹ..., tạo việc làm ổn định cho 1.200 lao động. Ông Nguyễn Quang Trung, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Công ty được xây dựng trên diện tích hơn 5 ha, gồm 5 nhà xưởng, 24 dây chuyền hoạt động hết công suất. Đặc biệt, với vị trí địa lý thuận lợi cộng thêm nguồn lao động dồi dào đã giúp Công ty có doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong quá trình xây dựng và phát triển, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính cũng như tạo mặt bằng để mở rộng sản xuất. Đến nay, huyện Hưng Hà có 6/11 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích 282,8 ha, thu hút 46 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư, trong đó 39 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1.990,44 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện gần 1.125,11 tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy các CCN đạt 52,17%. Ngoài ra, CCN Văn Lang đang hoàn thiện quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 với diện tích 70 ha; CCN Bắc Sơn diện tích khoảng 70 ha. Huyện Hưng Hà đề nghị bổ sung 3 CCN gồm Việt Bắc, Đông Đô, Đô Kỳ vào phương án phát triển CCN của tỉnh Thái Bình; nghiên cứu đề xuất khu công nghiệp logistics Thái Phương, Kim Trung, Minh Tân; hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và kinh doanh thương mại của Công ty TNHH Dịch vụ thương mại An Phú Hưng (xã Thống Nhất); dự án khu đô thị du lịch thương mại khoáng nóng Hưng Hà tại các xã Duyên Hải, Tân Tiến, Đoan Hùng với quy mô 78 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 700 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và CCN huyện Hưng Hà cho biết: Xác định thu hút đầu tư là khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội của huyện, chúng tôi đã tham mưu cho huyện tập trung đầu tư hạ tầng đồng bộ; cùng nhà đầu tư hạ tầng kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp, ưu tiên những doanh nghiệp có công nghệ cao vào đầu tư. Với các CCN mới xây dựng, hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện xây dựng hạ tầng đồng bộ theo đúng quy hoạch từ đường giao thông, vỉa hè, cấp thoát nước, viễn thông, khu sản xuất, khu thương mại dịch vụ, khu bến bãi, tường rào, khu xử lý môi trường... để tổ chức sản xuất quy mô lớn, đạt hiệu quả cao, không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. "Chúng tôi cam kết đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua việc quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư" - ông Tuấn khẳng định. Với những giải pháp đồng bộ, việc thu hút đầu tư vào các CCN ở Hưng Hà kỳ vọng sẽ khởi sắc trong thời gian tới, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. |