Ông đánh giá như thế nào về thực trạng lao động ở Việt Nam và nguyên nhân vì sao năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn thế giới? Theo nghiên cứu của chúng tôi, dù được đo lường bằng nhiều phương pháp khác nhau đều cho ra một kết quả chung là tuy ở các ngành khác nhau nhưng năng suất lao động của Việt Nam đều ở mức rất thấp trong khu vực ASEAN và cách rất xa so với các nước phát triển khác trong châu Á như Singapore hay Trung Quốc. Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/14 so với Singapore, 1/6 so với Malaysia và 1/3 so với Thái Lan. Điều này từ bắt nguồn từ môi trường làm việc, điều kiện làm việc và mật độ sử dụng công nghệ và vốn của Việt Nam còn thấp, tay nghề và kĩ năng của lao động Việt Nam thấp. Điều đó cũng giải thích vì sao thu nhập của chúng ta cũng thấp nhất trong khu vực ASEAN nói riêng và châu Á nói chung. Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức từ thị trường lao động và yêu cầu về nâng cao kỹ năng, cũng như năng suất lao động. Nhận định của ông như thế nào về việc này? Hiện nay, động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động. Nếu không có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao năng suất lao động trong tương lai gần, trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy lực lượng lao động rẻ không có kĩ năng của chúng ta vẫn rất lớn và lực lượng này đang nằm kẹt trong khu vực nông thôn, trong những khu vực nông nghiệp và không thể dịch chuyển sang các khu vực có năng suất cao hơn. Đây là một vấn đề nhức nhối của nền kinh tế Việt Nam. Bởi nếu theo nguyên lý chúng ta có thể chuyển từ khu vực có lao động nhàn rỗi, năng suất thấp chuyển sang khu vực có năng suất cao hơn, nhưng vấn đề là khu vực có năng suất cao này phải có nhu cầu lao động song nhu cầu đó lại không nhiều bởi hạn chế về thị trường. Thị trường được mở rộng thì mới có nhu cầu về lao động. Chính vì vậy, lực lượng lao động dư thừa của chúng ta không thể dịch chuyển được sang khu vực có năng suất cao nên chỉ có thể dịch chuyển ra nước ngoài dưới dạng lao động xuất khẩu. Để nắm bắt được cơ hội này, đòi hỏi Việt Nam phải cố gắng rất nhiều ở việc cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động trong nước. Ông đánh giá như thế nào về sự chênh lệch giữa năng suất lao động khu vực nhà nước và khu vực tư nhân? Mọi con số đều đang cho thấy năng suất lao động trong khu vực quốc doanh đều cao và trong tương lai lao động thuộc khu vực này sẽ là cao nhất và cách rất xa khu vực tư nhân. Tuy nhiên điều này không có nghĩa rằng lao động trong khu vực nhà nước hiệu quả hơn, ưu việt hơn mà do khu vực nhà nước là khu vực được hưởng ưu đãi rất lớn, đặc biệt là trang bị về vốn, công nghệ và độc quyền về thị trường vì thế làm cho đầu ra của họ có giá trị tốt hơn trong khi sử dụng lực lượng lao động nhỏ. Lực lượng lao động này lại đang ngày càng rút ra khỏi khu vực nhà nước do tinh giảm biên chế và tái cơ cấu. Trong khi đó khu vực tư nhân lại hấp thu toàn bộ lao động của nền kinh tế, nhưng lại không có cơ sở hạ tầng để phát triển sản xuất kinh doanh, không có vốn nhiều, không có thị trường, không có kinh nghiệm, không có kĩ thuật và các yếu tố thuận lợi trong kinh doanh. Tất cả các yếu tố này đổ dồn lên lượng lao động khổng lồ ở khu vực tư nhân, điều đó làm cho năng suất bình quân của lao động thuộc khu vực tư nhân cực kỳ thấp. Đây chính là lĩnh vực mà chúng ta muốn cải cách năng suất lao động thì chỉ có thể tập trung vào khu vực này mà thôi. Cải cách năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp tư nhân là rất quan trọng, vậy theo ông, giải pháp nào là phù hợp? Đây là một khu vực rộng trải dài ở tất cả mọi nơi mọi chỗ, bao gồm cả khu vực phi chính thức, khu vực hộ gia đình… Giải pháp duy nhất ở trên diện rộng theo tôi chính là tạo một môi trường kinh doanh để làm sao doanh nghiệp có thể kinh doanh được với chi phí nhỏ, rào cản ở thị trường ít, tăng sức cạnh tranh thì dần dần các doanh nghiệp tư nhân sẽ cải thiện được khả năng tổ chức của họ, từ đó trong quá trình cạnh tranh sẽ nâng cao được năng suất của lao động. Việc Việt Nam gia nhập CPTPP vừa là cơ hội vừa là thách thức cho các doanh nghiệp. Để tận dụng được hết các lợi thế trong CPTPP, bản thân các doanh nghiệp cũng phải trang bị cho mình kiến thức về tăng năng suất, phải có những phương pháp để ứng dụng được trong quá trình tổ chức sản xuất. Đồng thời, Chính phủ cần xây dựng phong trào năng suất quốc gia để người lao động, nhà nước và đặc biệt là doanh nghiệp phải có ý thức rất rõ về việc nâng cao năng suất và ứng dụng các phương pháp để cải thiện năng suất cho bản thân mình và doanh nghiệp. Công nghệ là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động. Trong thời gian tới Việt Nam cần ứng dụng công nghệ như thế nào để đạt hiệu quả trong việc nâng cao năng suất lao động, thưa ông? Theo tôi chúng ta cần xác định rõ, công nghệ ở đây là cách tổ chức sản xuất để chúng ta tổ chức yếu tố đầu vào từ lao động, đất đai nhà xưởng để có được một năng suất lao động tốt nhất chứ không có nghĩa là phải có một hệ thống công nghệ nhập khẩu, máy móc kỹ thuật tân tiến mà chỉ đơn giản là cách người lao động làm việc gọn gàng, đáp ứng được tiêu chuẩn và dần nâng cao các tiêu chuẩn này để đạt yêu cầu theo các Hiệp định mà Việt Nam đã ký. Xin cảm ơn ông! |