7 đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 5% Theo ông Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 1,81%, đặc biệt tăng trưởng GDP quý II chỉ đạt 0,36%, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp ưu tiên, quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 khác so với các năm trước, ở chỗ Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2020 một lần toàn bộ kế hoạch vốn trước ngày 30/11/2019. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2020, danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới. Tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2020 là 470.600 tỷ đồng. Tuy vậy, hiện nay mới có 35 bộ, cơ quan trung ương và 22 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch vốn cho các dự án; 6 bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương giao chi tiết trên 90% cho các dự án; còn lại 12 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương giao chi tiết dưới 90% cho các dự án. Về tình hình giải ngân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ước giải ngân 6 tháng đầu năm là 159.397,188 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch. “Tỷ lệ này vẫn thấp so với yêu cầu, trong đó có 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%”, Bộ trưởng cho biết. Xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án nếu giải ngân chậm Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thúc đẩy và giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là mục tiêu lớn, quan trọng, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2020. Do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị người đứng đầu bộ, ngành, địa phương cần xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020. Trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, hoàn thành việc giao kế hoạch vốn chi tiết cho các chương trình, dự án để giải ngân trước ngày 31/7/2020. Trường hợp giải ngân không đạt tiến độ, xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phối hợp kịp thời với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các bộ chuyên ngành liên quan tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án như giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân...
|