Con số chưa phản ánh thực chất Có thể nhận thấy điểm đáng mừng của việc xây dựng pháp luật kinh doanh năm 2018 là các DN đều đồng lòng ủng hộ những cải cách, thay đổi. Bà Phạm Thị Ngọc, đại diện Hiệp hội sữa Việt Nam cho biết, DN đã được hưởng lợi rất nhiều khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm được ban hành, nhờ đó, 95% thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các sản phẩm nhập khẩu được giảm nhẹ và gần như được phá bỏ, giúp DN tránh được thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí giúp DN tăng thêm lợi nhuận. Nhưng bên cạnh những mảng sáng, bức tranh pháp luật kinh doanh năm 2018 trong từng ngành, từng lĩnh vực vẫn còn không ít mảng tối. Theo phản ánh của các DN, có những trường hợp các quan điểm, định hướng thể hiện trong tờ trình thì tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, nhưng quy định cụ thể được đề xuất thì đi ngược lại; một số quy định được coi là cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng chỉ mang tính hình thức, hoặc chỉ sửa đổi nhỏ trong khi chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi; một vài phương án bãi bỏ kiểm tra chuyên ngành lại tập trung vào những mặt hàng không có hoặc rất ít được kinh doanh, giữ lại những mặt hàng có khối lượng lớn… Ví dụ tiêu biểu được chỉ ra là trong các phương án, các điều kiện liên quan đến nhân thân (của một số vị trí quản lý, điều hành chuyên môn của DN) như “có năng lực hành vi dân sự” đều được kiến nghị bãi bỏ và được đếm vào số lượng cắt giảm. Nhưng trên thực tế, điều này chỉ có nghĩa là cá nhân đủ 18 tuổi, bình thường về nhận thức – điều đương nhiên mà những người ở vị trí đó phải đáp ứng. Vậy các DN cho rằng, việc bãi bỏ các điều kiện này không tạo thêm bất kỳ thuận lợi nào cho DN. Chính vì thế, trong Báo cáo dòng chảy pháp luật 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới phát hành đã bình luận: “Đôi khi con số không phản ánh được thực chất của vấn đề”. Pháp luật cần nhanh chóng thích ứng trước sự thay đổi Chia sẻ những mong mỏi trong việc xây dựng chính sách, pháp luật kinh doanh năm 2019 và những năm tiếp theo, các DN đều hy vọng hệ thống pháp luật cũng như thủ tục hành chính được cải thiện tích cực, hiệu quả và thực chất hơn. Ông Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, các DN mong muốn chính sách tăng thêm quyền chủ động cho DN trong hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh. Bởi hiện nay, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính “vây hãm” khiến DN chưa thể tự chủ, vẫn phải làm nhiều thủ tục, hồ sơ, giấy phép, làm mất thời gian và nguồn lực của DN. Ngoài ra, các DN còn mong muốn các nghị định, thông tư hướng dẫn việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cần được ban hành nhanh chóng. Ông Phạm Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chia sẻ, khi Luật An ninh mạng được xây dựng và lấy ý kiến, cộng đồng DN đều tỏ ra khá lo lắng, nhưng qua những buổi tham vấn, lấy ý kiến DN về Nghị định hướng dẫn, cộng đồng DN đã được giải tỏa nỗi lo và mong chờ các quy định có hiệu lực để giúp các hoạt động thương mại, kinh doanh trên Internet được thuận lợi, đi vào khuôn khổ. Tuy nhiên, Luật An ninh mạng đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 nhưng đến nay vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn. Đặc biệt, một mong muốn được nhiều DN quan tâm là sự thay đổi và thích ứng nhanh chóng của pháp luật, chính sách với sự thay đổi như vũ bão trong thời đại kỹ thuật số khiến nhiều mô hình kinh doanh mới ra đời. Bởi hiện nay, dường như bản thân các cơ quan quản lý cũng đang lúng túng, chưa xác định được đâu là cơ chế thích hợp, hoặc lựa chọn giữ im lặng, chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào. Do đó, các DN đều không muốn bị rơi vào trường hợp cạnh tranh thậm chí là kiện tụng như của các hãng taxi công nghệ và taxi truyền thống. Vì vậy, cơ quan nhà nước cần liên tục cập xu hướng, các quy định pháp luật cũng phải “mở” hơn, giúp DN khởi nghiệp, kinh doanh công nghệ. Ngoài ra, khuyến nghị để hoạt động xây dựng chính sách những năm tới đạt kết quả như kỳ vọng, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI, hoạt động rà soát các điều kiện kinh doanh nên được tiến hành thường xuyên và trong quá trình đó cần tham vấn rộng rãi các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là DN. Đồng thời, hoạt động rà soát điều kiện kinh doanh cần mở rộng phạm vi, không chỉ giới hạn ở cấp Nghị định mà nên mở rộng ra cả cấp Luật và kiến nghị sửa Luật. Có thể thấy, việc xây dựng pháp luật trong hoạt động kinh doanh là một quá trình dài cần sự đầu tư bài bản, đầu tư cho xây dựng chính sách phải như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng - như một chuyên gia đã nhận định. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, tư duy của cả người làm chính sách và DN phải thay đổi theo hướng tuân thủ, cùng đồng hành cho sự phát triển chung của cả nền kinh tế. |