Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc. Ảnh: VGP/ Lê Sơn. |
Ông Thang Văn Phúc nêu rõ: Những cơ sở chính trị pháp lý của tiến trình cải cách Chính phủ đó là Hiến pháp năm 1992 đã xác định trọng tâm cải cách bộ máy nhà nước theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một bước cải cách mang tính cách mạng trong xác lập thể chế quản lý nhà nước mới. Các Nghị quyết chuyên đề về cải cách hành chính nhà nước mà trọng tâm là Hội nghị TW 7 khóa VIII, Nghị quyết các Đại hội của Đảng các Khóa IX, X, XI và XII đã nhất quán theo hướng này.
Theo đó, Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001 – 2010 và 2011 – 2020 đã thể hiện tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng một nền hành chính phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển theo hướng xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, từng bước hiện đại phù hợp với tiến trình cải cách mở cửa, hội nhập toàn diện với thế giới.
Chúng ta đã tập trung cải cách chuyển đổi chức năng của Chính phủ từ quản lý tập trung, từ vi mô sang quản lý vĩ mô bằng chính sách, pháp luật, lấy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả làm thước đo. Trong đó tập trung vào cải cách thể chế kinh tế phù hợp với chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế tổ chức bộ máy của Chính phủ, của nền hành chính công mới: “Nhà nước, Chính phủ làm đúng việc của mình là xây dựng pháp luật, ban hành chính sách, giám sát thực hiện, còn việc thực hiện được chuyển cho chính quyền địa phương, cho dân, cho xã hội và cho doanh nghiệp theo nguyên tắc “người dân được làm tất cả trừ một số việc pháp luật cấm, còn nhà nước chỉ làm những việc được pháp luật quy định”.
Việc thực hiện nguyên tắc tổ chức Bộ đa ngành, đa lĩnh vực của chúng ta đã đạt được kết quả quan trọng.
Theo đó, chủ trương cải cách tổ chức bộ máy của Chính phủ, của nền hành chính theo hướng tổ chức Bộ đa ngành, đa lĩnh vực được đề ra trong các Nghị quyết Đại hội Đảng từ Đại hội IX đến nay. Chính chủ trương này là yếu tố quan trọng trong quyết định các cơ cấu của bộ, ngành, làm giảm mạnh số Bộ, cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, tinh giản bộ máy Chính phủ từ đầu những năm 2000.
Có nghĩa là chúng ta cần tư duy mới trong việc thực hiện chủ trương tổ chức Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, thưa ông?
Yêu cầu cải cách tách chức năng quản lý nhà nước cuả bộ ngành với chủ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước, tách chức năng quản lý nhà nước với thực hiện dịch vụ sự nghiệp công, thực hiện xã hội hóa, chuyển giao một số dịch vụ sự nghiệp công cho xã hội và cho doanh nghiệp.
Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, Chính phủ điện tử, từng bước hiện đại hóa nền hành chính là một nhiệm vụ quan trọng của chương trình tổng thể cải cách hành chính đã được xác định từ chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001 – 2010, làm cho bộ máy hành chính công từng bước khắc phục được nhiều cấp hành chính cùng tham gia trực tiếp giải quyết công việc của dân, doanh nghiệp, làm cho người dân, doanh nghiệp có điều kiện quan hệ trực tiếp với các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xử lý công việc, khắc phục các khâu trung gian, cùng với mô hình một cửa, tại chỗ của Trung tâm hành chính công từ xã đến cấp huyện, cấp tỉnh được xác lập đem lại hiệu quả thiết thực trong quan hệ nhà nước với dân
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trung ương – địa phương, đề cao trách nhiệm tự chủ về những công việc được phân cấp, phân quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của TW và cấp trên, làm giảm nhẹ bộ máy từ Chính phủ, Bộ, ngành.
Tổ chức vận hành của nhà nước pháp quyền cũng là yếu tố quyết định việc điều chỉnh chức năng và cơ cấu lại Chính phủ, Bộ, ngành theo hướng tinh gọn, giảm bớt số lượng và cơ cấu bên trong của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Một chủ trương nhất quán được xác định trong các văn kiện của Đảng từ Đại hội IX, X, XI, XII là nguyên tắc tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Đây là cơ sở cho phép cơ cấu Chính phủ tinh gọn hơn, giảm số lượng Bộ, cơ quan ngang Bộ từ 38 (trước năm 1986) xuống còn 22 (sau năm 2006), kể cả thành viên Chính phủ cũng giảm đáng kể (từ 10 Phó Thủ tướng + 32 Bộ trưởng trước năm 1986 xuống 4 đến 5 Phó Thủ tướng + 22 Bộ trưởng sau năm 2006).
Rõ ràng từ đầu những năm 2000 đến nay, tổ chức bộ máy Chính phủ đã thực hiện một bước quan trọng trong tinh giản bộ máy Chính phủ tương đối hợp lý, giảm từ số lượng thành viên Chính phủ (còn 4 đến 5 Phó Thủ tướng và 22 Bộ trưởng) với chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tới các Bộ, cơ quan ngang Bộ, khắc phục từng bước sự chồng chéo và khoảng trống trong quản lý của các ngành, lĩnh vực, giảm bớt được các cơ cấu phụ như các ủy ban, ban phối hợp liên ngành, đề cao trách nhiệm của các Bộ, ngành trên nguyên tắc quản lý thống nhất của Bộ, ngành về lĩnh vực được phân công.
Theo ông, đâu là vấn đề mấu chốt để tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy Chính phủ khóa XV (2021 – 2026)?
Tiến hành xác định rõ việc phân công quyền lực của các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền bảo đảm tính độc lập tương đối của cơ cấu này, tạo điều kiện để thực hiện quyền giám sát lẫn nhau giữa 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Tuy nhiên, tôi xin tập trung vào Chính phủ với vai trò, chức năng hành pháp và cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.
Các cơ quan Chính phủ đề cao trách nhiệm công vụ, thực hiện chức năng kiến tạo, bà đỡ cho mọi sự phát triển, hành động kịp thời của Chính phủ ứng phó với tất cả sự thay đổi, quyết định thể chế, chính sách, nhanh chóng xử lý những điểm nghẽn và sự chậm trễ trong giải quyết các công việc của dân, doanh nghiệp, kết nối và huy động có hiệu quả các nguồn lực phát triển ở trong nước và quốc tế. Đề cao tính minh bạch và trách nhiệm của bộ máy hành chính các cấp, chịu sự giám sát, tham gia của người dân và xã hội.
Chính phủ có vai trò thực hiện mục tiêu hiện đại hóa đất nước, trong lĩnh vực thể chế phải tập trung giải quyết tốt 3 trụ cột của phát triển là xây dựng bộ máy hành chính đồng bộ, từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, có thứ bậc chặt chẽ, thực hiện kỷ cương pháp luật có sự phân công, phân cấp và phân quyền hợp lý.
Áp dụng nguyên tắc thị trường trong các quyết sách kinh tế, khuyến khích phát triển bình đẳng mọi thành phần kinh tế còn tồn tại lâu dài trong thời kỳ quá độ. Triệt để tuân thủ các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường.
Xác lập thể chế trách nhiệm giải trình của nhà nước, của Chính phủ theo hướng công khai, minh bạch, thu hút có hiệu quả sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách pháp luật.
Xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ tinh giản hơn nữa, thực hiện tốt các chức năng cơ bản đã được Hiến pháp 2013 quy định. Đó là, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, xác định các nhiệm vụ chính của Chính phủ, và chỉ có Chính phủ mới đủ cơ sở pháp lý thực hiện (Chính phủ ban hành chiến lược, chính sách, xây dựng trình các dự án luật, pháp lệnh, các quyết sách quan trọng của quốc gia ở tầm vĩ mô).
Chuyển giao triệt để những vấn đề thực hiện chính sách, pháp luật cho các cấp chính quyền, cho xã hội và doanh nghiệp trên cơ sở phân cấp, phân quyền phù hợp và giữ quyền kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách pháp luật trong một nhà nước đơn nhất.
Phân công thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong Chính phủ, bảo đảm thống nhất, thông suốt, khắc phục chồng chéo, bỏ trống nhiệm vụ quản lý nhà nước và xử lý những vấn đề mới phát sinh trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế toàn diện.
Tiếp tục cơ cấu lại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, xác lập nhất quán mô hình tổ chức Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, có cơ cấu bên trong thống nhất, có cấu trúc khoa học, hợp lý, khắc phục những nhận thức còn lệch lạc, chưa đúng về mô hình tổ chức Bộ đa ngành, đa lĩnh vực (như tính cơ học, bộ nhỏ trong bộ, lẫn lộn tham mưu với thực hiện…).
Chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức Bộ đa ngành, đa lĩnh vực như thế nào, thưa ông?
Trong các quốc gia phát triển trên thế giới, nhất là nhóm nước G7 đều có cơ cấu Chính phủ với số lượng các Bộ rất ít (từ 12 – 16 Bộ), thậm chí số lượng còn ít hơn như Thụy Sĩ, Chính phủ chỉ có 7 Bộ. Đây là một bài học kinh nghiệm trong tiến trình cải cách cơ bản bộ máy nhà nước và Chính phủ Việt Nam. Lý luận cơ bản của họ là nhà nước làm đúng việc của mình, còn lại là của chính quyền địa phương, là của dân, của xã hội thực hiện theo hướng cải cách “nhà nước nhỏ, xã hội lớn”.
Ở nước ta, cùng với quá trình đổi mới, cải cách cơ cấu lại bộ máy nhà nước và Chính phủ cho phù hợp với vai trò, chức năng mới cũng nên tham khảo của các quốc gia phát triển.
Trong tiến trình đổi mới cải cách các cơ quan khoa học quản lý, các nhà nghiên cứu đã đi sâu nghiên cứu lý luận để làm rõ bản chất quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện nay, nhiều nghiên cứu đã đưa ra các tiêu chí để nhận thức khi tổ chức Bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Đó là, Bộ được giao quản lý nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội nhưng phải có cùng tính chất hoặc có mối quan hệ gần gũi, gắn với nhau. Thực tiễn hoạt động giữa các Bộ có chức năng, nhiệm vụ giao nhau, chồng chéo, gây khó khăn khi thực hiện chính sách, pháp luật. Việc nghiên cứu chia tách, hay sáp nhập các bộ không được áp đặt, cơ học hay gượng ép. Nếu Bộ được lập mới do sáp nhập phải đạt mục tiêu tổ chức lại, tinh giản đầu mối, quản lý thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Do đó, việc tổ chức thu gọn đầu mối của Chính phủ thực sự là một công việc phải từ yêu cầu Chính phủ tinh gọn, nhưng hiệu lực, hiệu quả cao hơn. Như vậy cần kiên trì, nhất quán và một ý chí chính trị rất cao trong quá trình triển khai thực hiện.
Trân trọng cảm ơn ông!