Nhiều mặt hàng ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu dương Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu hàng hóa năm 2023 của Việt Nam sang Canada đạt trên 5,6 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, theo số liệu sở tại vừa công bố ngày 8/2/2024, tính cả năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 9,82 tỷ USD vào địa bàn (giảm nhẹ 0,4% so với năm 2022). Sự khác biệt rõ rệt này là do Canada tính cả luồng trung chuyển nhập khẩu qua Hoa Kỳ vào Canada.
Mặc dù theo số liệu tại địa bàn (nguồn của Cơ quan thống kê Canada), xuất khẩu của Việt Nam có giảm nhẹ so với năm 2022. Tuy nhiên, cần lưu ý là nếu tính theo đồng nội tệ (CAD), giá trị xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam sang địa bàn vẫn đạt tới 13,26 tỷ CAD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng ghi nhận theo 2 ngoại tệ cho thấy đồng đôla Canada có sự mất giá so với đồng đôla Mỹ; cũng như cho thấy nhu cầu của Canada đối với các mặt hàng từ Việt Nam vẫn khá ổn định. Trong bối cảnh nền kinh tế Canada suy thoái, xuất khẩu của Việt Nam vào Canada trong năm 2023 giảm nhẹ 0,4% cũng nằm trong xu thế giảm nhập khẩu chung của Canada (giảm 2,3%). Canada cũng giảm nhập khẩu từ hầu hết các quốc gia xuất khẩu chủ yếu trong ASEAN như: Indonesia (-6,7%), Malaysia (-19,2%), Thái Lan (-9,9%). Trong các nước ASEAN, Việt Nam tiếp tục là đối tác nhập khẩu quan trọng nhất của Canada, chiếm 44% tổng kim ngạch Canada nhập khẩu từ khu vực. Trong Top 10 đối tác thương mại hàng đầu của Canada, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí đối tác nhập khẩu lớn thứ 7 của Canada. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, theo số liệu của Cơ quan thống kê Canada, Top 2 nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn giữ được mức tăng trưởng dương: điện tử, điện thoại di động tăng 11,6%; lò phản ứng nồi hơi tăng 63,9%). Một số mặt hàng khác vẫn ghi nhận tăng trưởng tốt như: túi xách (3,9%), ô tô phụ tùng (59%), tàu thuỷ (218%), đồng và sản phẩm từ đồng (16,9%). Tuy nhiên, nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác của Việt Nam ghi nhận mức suy giảm như: quần áo dệt kim giảm 4,4%, quần áo không dệt kim giảm 19%, da giày giảm 13,4%; đồ gỗ nội thất giảm 18,7%, đồ chơi giảm 14,3%; sản phẩm nhựa giảm 8,8%; cao su và các sản phẩm từ cao su giảm 2,7%; các sản phẩm từ sắt thép giảm 29%; các loại hạt và quả hạch giảm 3,5%; các sản phẩm thuỷ sản chế biến giảm 28,2% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm có mức sụt giảm rất mạnh so với năm 2022, như: thuỷ sản giảm 41,4%; các sản phẩm từ nhôm giảm 45,8%; sắt thép giảm 76,8%. Về nhập khẩu, theo số liệu của Việt Nam ghi nhận, trong năm 2023 Canada đã xuất khẩu được 620 triệu USD vào Việt Nam (giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2022). Ngược lại, số liệu của địa bàn cho thấy, trong năm 2023, Canada chỉ xuất khẩu được 550 triệu USD, ghi nhận xu hướng giảm 17/5% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù, có sự khác biệt với số liệu giữa hai nước, xu hướng thặng dư lớn của Việt Nam với Canada sẽ vẫn được duy trì (theo số liệu địa bàn, tính cả năm 2023, Việt Nam đã ghi nhận thặng dư lên tới 9,25 tỷ USD); và là nước Canada có mức thâm hụt lớn thứ 4 (Canada thâm hụt nhiều nhất lần lượt với Trung Quốc, Mexico, Đức và Việt Nam). Dự báo thị trường sẽ ngày càng khó TS. Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada- thông tin, tỉnh bang Quebec vừa công bố dự thảo Quy định về ngôn ngữ và thương mại của doanh nghiệp vào ngày 10/1/2024. Đây là bước đi tiếp theo triển khai cụ thể Luật 96 về việc sử dụng tiếng Pháp đã được Quốc hội Quebec thông qua tháng 6/2022. Nhìn chung, quy định này sẽ áp đặt khắt khe việc sử dụng mặc định bằng tiếng Pháp đối với mọi biển hiệu cửa hàng, nhãn hiệu sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, và tất cả các chữ xuất hiện trên bề mặt sản phẩm/bao bì và các tài liệu đi kèm. Quy định này sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp thuộc các tỉnh bang nói tiếng Anh kinh doanh và bán hàng vào Quebec. Nếu như trước đây, các sản phẩm của Việt Nam khi nhập khẩu vào Canada/vào Quebec chỉ cần một tem phụ song ngữ dán lên bề mặt sản phẩm là có thể đưa vào lưu thông trên toàn thị trường Canada, thuận tiện cho nhà sản xuất và nhập khẩu. Tuy nhiên, với dự thảo quy định mới này, không những các thông tin về thành phần, hướng dẫn sử dụng phải có bằng tiếng Pháp mà ngay cả “nhãn hiệu/trademark”; thậm chí đối với các mặt hàng điện máy cũng phải có các nút bấm sử dụng bằng tiếng Pháp với kích cỡ phù hợp. Ngoài ra, dự thảo còn đưa ra khái niệm “tiện ích mở rộng”, được hiểu là các thông tin liên quan đến sản phẩm cung cấp thông qua các phần mềm/trang web cũng phải tích hợp tiếng Pháp để người mua có quyền truy cập vào cùng một thông tin liên quan. Dự thảo đề ra hiệu lực từ 1/6/2025 với một số ngoại lệ cho đến 6/2027. Ngay sau khi dự thảo được công bố, không chỉ các Hiệp hội trong Canada có ý kiến phản đối mà cả chính phủ Hoa Kỳ cũng đã chính thức bày tỏ sự quan ngại. Dự thảo sẽ được mở để lấy ý kiến trong vòng 45 ngày (kể từ 10/1/2024 đến hết 25/2/2024). Do việc tổ chức lấy ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội xuất khẩu Việt Nam sẽ khó khả thi trong thời điểm này. Vì vậy, Thương vụ đã báo cáo lãnh đạo Cơ quan đại diện và đề xuất về việc phối hợp với các nước ASEAN để cùng nêu quan ngại chung của ASEAN với Chính phủ Quebec.
|