Chiều ngày 4/3/2022,́tkýcóthểlàmnêntácphẩmlớtin bong đa anh tại Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức Lễ phát động cuộc thi bút ký với chủ đề “Di sản, văn hóa và con người Thừa Thiên Huế”. Theo thể lệ công bố, cuộc thi đã kết thúc nhận bài vào giữa tháng 10/2022. Những đánh giá chính thức về cuộc thi sẽ được Ban Tổ chức công bố trong lễ tổng kết sắp tới. Tôi chỉ là một bạn đọc, nhưng thể loại bút ký là những tác phẩm đầu tay và cả về sau này nữa đã tiếp nhựa sống và niềm đam mê trên con đường viết văn hơn 60 năm của mình. Nay có điều kiện đọc nhiều tác phẩm dự thi đăng trên “Tạp chí Sông Hương”, xin có mấy ý kiến nhỏ.
Bìa “Tạp chí Sông Hương”
Không đợi ngày tổng kết, chỉ qua những bài đăng trên “Tạp chí Sông Hương” vừa qua, rất mừng là cuộc thi không chỉ tập trung vào chủ đề “phản ánh công tác gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống trong xây dựng, bảo vệ đất nước và trong thời kỳ hội nhập…” như tỉnh đã nhấn mạnh khi phát động, mà đã đáp ứng yêu cầu của các thế hệ cầm bút ở trong và ngoài tỉnh được góp sức tuyên truyền, quảng bá về vùng đất, con người Thừa Thiên Huế với những nét riêng biệt, đặc sắc một cách trung thực, đúng như nó vốn có, nhưng thời gian qua, vì nhiều lý do, chưa được giới truyền thông chú ý đúng mức.
Bằng chứng là mặc dù cuộc thi diễn ra trong thời gian không dài, việc cổ động cho cuộc thi chưa thật tốt, nhưng các cây bút từng trải ở Huế, như: Phạm Xuân Phụng, Nguyễn Thế, Hoàng Phước… đã sớm gửi bài dự thi, giúp bạn đọc hiểu thêm “những trầm tích ở Phú Vang” như Tháp Chăm Mỹ Khánh, đình làng Tây Hồ… (ký dự thi của Phạm Xuân Phụng), di sản tuồng cổ ở Huế (ký dự thi của Nguyễn Thế)... Tuy vậy, dấu hiệu đáng mừng hơn là cuộc thi đã cuốn hút được một số cây bút nữ - nếu tôi không nhầm thì hầu hết chưa thành danh. Trong khi các cây bút kỳ cựu có thế mạnh về tư liệu, nhưng đồng thời để chất báo chí lấn át tính văn chương thì tác phẩm dự thi của các tác giả nữ đều có chất văn. Chợt nghĩ, liệu có phải vẻ đẹp Huế giàu nữ tính như có nhà nghiên cứu đã nhận định nên các cây bút nữ được “thuận tay” hơn? Những trang viết về làng Mỹ Hòa (Điền Lộc) trong bút ký “Sóng Mỹ Hòa đủ để bạc đầu” của Trần Thị Băng Khuê, hay cuộc sống mới ở A Lưới trong bút ký “Lên ngàn tìm tiếng ríu ran” của Hải Hạc Phan không thiếu những đoạn văn giàu kỷ niệm, màu sắc, âm thanh có sức lôi cuốn bạn đọc. Tác giả Lệ Hằng trong bút ký “Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng”, đã rất khéo léo xâu chuỗi - liên tưởng đến rất nhiều kỷ niệm, cả phong tục và nghi lễ thờ cúng của một vùng quê còn lưu giữ được những nét đẹp truyền thống, gợi nhắc lớp trẻ hôm nay về lòng hiếu thảo, không quên cội nguồn.
Như đã viết ở trên, thời gian cuộc thi không dài và chưa thật chú trọng việc cổ động, quảng bá cho cuộc thi. Nếu tôi không nhầm, các cơ quan truyền thông trong tỉnh cũng không - hoặc ít nhắc lại thể lệ cuộc thi. Trong cuộc sống bộn bề hiện nay, một hoạt động như cuộc thi bút ký cần phải luôn “hâm nóng” mới gợi được sự chú ý. Với một đề tài phong phú, vừa rộng vừa sâu, tôi nghĩ nên kéo dài cuộc thi ít nhất 6 tháng nữa. Như thế, việc “khóa sổ” nhận bài vào giữa tháng 10 vừa rồi xem như là để “sơ kết”. Tôi tin rằng với một cuộc “sơ kết” có trao tặng thưởng, được giới truyền thông quảng bá rộng rãi bằng các hình thức sinh động - ví như gửi đăng (hoặc trích đăng) các bài bút ký hay qua sơ kết kèm thể lệ kéo dài cuộc thi, trên các tờ báo ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thì nhất định sẽ có thêm nhiều cây bút tuy ở xa Huế nhưng từng gắn bó, hiểu sâu sắc những giá trị văn hóa của Huế tham gia cuộc thi.
Những người con xa Huế như Lệ Hằng hay Nguyễn Hữu Tấn (ở Nhật) qua bút ký “Mắt xưa còn xanh màu biếc” chứng tỏ khoảng cách về không gian lại là điều kiện để nỗi nhớ nhung hóa thành những trang văn xúc động lòng người. Cả với không ít tác giả trong tỉnh, cũng cần có thời gian để họ có điều kiện nhập cuộc. Nhà thơ Phạm Nguyên Tường, võ sư - thầy giáo Nguyễn Văn Dũng, nhà báo Minh Tự từng viết những tập bút ký có tiếng vang chưa thấy tham gia. Còn có thể trông đợi ở các cây bút viết tạp văn, như: Phi Tân, Nguyễn Khoa Diệu Hà… và cả với nhiều nhà thơ nữa… vì với quan niệm “mở” về thể loại, bút ký có thể bao gồm cả tùy bút, ghi chép, ký sự… nên nhiều cây bút đều có khả năng tham gia.
Chúng ta có thể tin rằng, với sự hưởng ứng đông đảo và rộng rãi hơn, cuộc thi sẽ thu được kết quả tốt đẹp hơn, có nhiều tác phẩm hay hơn, phát hiện thêm các cây bút có thể tiếp bước “cây bút ký” lừng danh Hoàng Phủ Ngọc Tường - người từng có những tác phẩm có sức cuốn hút hàng triệu độc giả nhiều thế hệ khắp cả nước… Tôi nhắc hai nhà văn Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường để thấy bút ký vẫn có thể làm nên tác phẩm lớn và vì thế cuộc thi nên được nối dài và tổ chức tốt hơn nữa. Huế, với những giá trị văn hóa - lịch sử như một kho báu vô tận xứng đáng để kỳ vọng như thế…
Bài, ảnh:NGUYỄN KHẮC PHÊ