Nhà báo Phạm Doãn Quân (thứ hai từ phải qua) trong Lễ ra mắt Ban Chấp hành Liên chi hội Nhà báo ngành Tài chính nhiệm kỳ 2011 - 2015. Anh ra đi sớm quá,ĩnhbiệtNhàbáoPhạmDoãnQuânhận định inter vs đột ngột quá dẫu biết trước đó anh thường ốm đau, nhiều tháng trời phải nghỉ việc để tập trung chữa trị. Anh ra đi đột ngột quá khi căn bệnh nan y mà anh trót đón nhận từ nhiều năm qua vẫn có những hy vọng cứu chữa dẫu biết phía trước là con đường dài hun hút, đòi hỏi một nghị lực lớn vượt qua sức mình. Và, anh ra đi đột ngột quá khi ước vọng của anh về sự đóng góp công tác thông tin báo chí trong và ngoài ngành còn ngổn ngang, chưa có điểm dừng cùng những mong mỏi góp phần kiến tạo một nền báo chí, trước tiên là báo chí trong Ngành mà anh là Chủ tịch Liên chi hội theo hướng hiện đại và tinh thông. Nghe tin anh mất tôi không tin ở chính mình, trong tôi hiển hiện cơ man kỷ niệm cùng anh, được cất giữ lộn xộn trong trí nhớ, đó là những kỷ niệm đẹp, có cả những muối mặn gừng cay vốn có của một đời làm báo. Năm 1993 khi Bộ Tài chính thành lập Thời báo Tài chính Việt Nam với mong đợi hội tụ những cây bút sắc bén, có nghề, anh được Lãnh đạo Bộ chọn làm Phó trưởng Ban biên tập, rồi Trưởng Ban cho tờ báo. Hồi đó Thời báo Tài chính Việt Nam có ấn phẩm mang tên “Con thoi thị trường” phát hành hằng ngày xôm tụ lắm. Số phát hành lớn. Thời gian đầu cùng nhiều anh em khác đầu quân về đây sau những năm công tác tại báo Bình Định, sau khi tốt nghiệp văn bằng hai Đại học Báo chí, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền, anh đảm trách nhiều thể loại, chuyên mục đặc sắc, nhất là phóng sự, “Chổm”, “Muôn mặt đồng tiền”, hay “1001 cách trốn thuế”. Với lối viết dí dỏm, sâu lắng, chuyên mục “Chổm” hay những chuyên mục khác mà anh là đồng tác giả, là cây bút chính đã thu hút đông đảo bạn đọc cả nước đón đọc. Đã có những sinh viên báo chí, truyền thông từ các trường đại học chọn chuyên mục mang tính châm biếm, đả kích những thói hư tật xấu của xã hội này làm đề tài nghiên cứu hay luận văn tốt nghiệp. Anh đọc nhiều, biết nhiều đông tây kim cổ, cho nên chẳng có gì lạ khi các bài viết của anh thường có cấu trúc trong không gian ngôn ngữ khác lạ, giàu hình ảnh. Ví dụ phóng sự: “Lào Cai ba sợi tóc vàng”, “ Đường 5 tháng 7”, “Bên dòng Tam Bạc” hay “Xổ số kiến thiết và những cơn gió nóng”, hoặc “Một ngày đi với thuế”… Lối viết và ngôn ngữ báo chí của anh ảnh hưởng nhiều đến các thế hệ cầm bút trẻ hay mới vào nghề của tòa soạn. Anh Phạm Doãn Quân (bên phải) trong chuyến công tác cùng đông nghiệp. Anh có vốn sống, vốn văn hóa lớn bởi từ nhỏ, như anh kể được sống trong khu tập thể dành cho giới văn nghệ, trí thức quân đội trên đường Lý Nam Đế, Hà Nội như nhà thơ Thanh Tịnh, nhà văn Nguyên Ngọc, Lê Lựu hay nhà báo kỳ cựu Phú Bằng… Nhiều lắm. Anh nói thế chứ thực ra anh rất ham đọc, học, hiểu biết. Sau này do yêu cầu công việc anh không có thời gian viết nhanh và nhiều - một thế mạnh nghề nghiệp vốn có của anh mà chuyển sang làm công tác quản lý. Từ khi làm Trưởng Ban Biên tập, Trưởng Phòng phóng viên, đến khi làm Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, Phó Tổng biên tập Tạp chí Tài chính anh viết ít đi thấy rõ. Có lẽ bài viết - dưới dạng phóng sự rất chi cảm xúc, giàu hình ảnh với ngôn ngữ thời sự nhưng mượt mà là bài “Hạt gạo”, “Chuyện về con trai cụ Trịnh Văn Bô” đăng trên Tạp chí thuế số năm 2015 và 2016 là những bài viết cuối cùng của anh. Ở chiều hướng khác, trong công tác quản lý nghiệp vụ báo chí, văn bản mang tên Thông tri số 11 TT/LCHNBTC ban hành ngày 5/4/2017 về việc triệu tập đại biểu dự Đại hội Liên chi hội Nhà báo ngành Tài chính nhiệm kỳ 2017 - 2022 do anh ký có lẽ cũng là văn bản cuối cùng của cuộc đời. Nghe tin anh mất tôi tìm lại văn bản này thấy chữ ký của anh không chắc và rõ như mọi ngày. Trước ngày anh mất, anh em thuộc Ban Chấp hành Liên chi hội kể, mặc dù sức khỏe của anh yếu đi nhiều, nhiều lắm, nhưng anh vẫn nhắc nhở, thúc giục sớm tổ chức Đại hội Liên chi hội kẻo muộn, hình như muốn bàn giao tất cả công việc, càng sớm càng tốt, trước khi có thể ra đi. Hình như con người sống và chết có số. Biết bệnh tình của anh nhạy cảm với thời tiết khu vực phía Bắc, nóng lạnh thất thường, trước khi anh mất không lâu chúng tôi trò chuyện và khuyên anh nên chuyển công tác vào phía Nam xem sao, song anh khuyên không quá lo, bởi “cuộc đời là vô thường, là vô ngã, sắc bất dị không, không bất dị sắc, như Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh có nói”. Tương tự, trong những năm làm Trưởng ban Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí ngoài ngành muốn anh tham gia công tác quản lý ở vị trí cao hơn nhưng không hiểu sao anh không nhận lời, không muốn ra đi, có lẽ anh muốn gắn bó với ngành Tài chính lâu hơn mà anh trót duyên nợ. Có lẽ không phải do xuất thân từ sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Sử mà anh hay nghiên cứu, trò chuyện về lịch sử, triết học, nhất là triết học phương Đông, mà từ trong anh vốn là một nhà giáo rồi chuyển sang nghề báo từ những năm 80, anh muốn và xác lập riêng cho mình cuộc sống là hài hòa, chia sẻ, giàu lòng vị tha như tư tưởng của văn hóa, triết lý sống của Nhà Phật. Tôi tin với triết lý sống và làm việc như vậy, được nhiều đồng nghiệp trong và ngoài ngành kính trọng, từ bên kia của cuộc đời anh được tịnh độ, an nghỉ ở cõi vĩnh hằng. Viết đến đây, bất chợt tôi nhớ đến mấy câu thơ của một nhà thơ, xin mượn làm lời cuối cùng tiễn biệt nhà báo Phạm Doãn Quân, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo ngành Tài chính, Phó Tổng biên tập Tạp chí Tài chính: “Anh đi trước hẹn gặp nhau ở đó Có bao năm ba vạn sáu nghìn ngày Kẻ trước người sau xếp hàng xuống mộ Biết đâu, đó là cuộc rong chơi…” Vĩnh biệt nhà báo Phạm Doãn Quân. Cầu chúc anh yên nghỉ, rong chơi ở cõi vĩnh hằng./. Đông Đà |