VHO - Với khẩu hiệu Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh,Địnhvịvànângtầmthươnghiệcúp c1 các đội HANIFF VII sẽ diễn ra từ ngày 7 - 11.11.2024 với chuỗi hoạt động phong phú và nhiều dấu ấn. Sức hút của “đại tiệc” phim năm nay là 117 tác phẩm đến từ 51 quốc gia, vùng lãnh thổ…
Ban tổ chức LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ VII khẳng định, thương hiệu của một sự kiện điện ảnh qua 6 kỳ tổ chức sẽ tiếp tục được định vị và nâng tầm. Trước thềm LHP, Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành (Trưởng BTC HANIFF VII) về vấn đề này.
P.V: HANIFF đã trở thành một điểm hẹn văn hóa được công chúng đón chờ, công tác chuẩn bị đối với sự kiện điện ảnh tầm vóc này đến thời điểm hiện nay ra sao, thưa ông?
- Cục trưởng Vi Kiến Thành: Mỗi kỳ HANIFF được tổ chức, công chúng yêu điện ảnh trong nước và quốc tế lại có cơ hội được thưởng thức “đại tiệc” điện ảnh khó quên giữa lòng Hà Nội. Điểm đặc biệt của LHP năm nay là gắn với kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (1954-2024). Qua đó, góp phần định vị thương hiệu điện ảnh song hành với phát triển công nghiệp văn hóa.
HANIFF VII là nơi tôn vinh, phát hiện những tài năng mới của “Nghệ thuật thứ 7”; là sân chơi kết nối, giao lưu để cùng phát triển, hợp tác giữa các nhà làm phim, nhà phát hành, các nghệ sĩ điện ảnh trong nước và quốc tế. LHP sẽ thết đãi công chúng một “đại tiệc” phim thịnh soạn, quy tụ 117 tác phẩm xuất sắc của Việt Nam và những nền điện ảnh danh tiếng. Đây là con số được chọn lựa từ trên 500 phim tham gia tuyển chọn vào các hạng mục dự thi.
Ngay từ rất sớm, công tác chuẩn bị đã được triển khai đồng bộ, khẩn trương, với các công việc như tuyển chọn phim, ban hành quyết định thành lập các BGK cho các hạng mục, kế hoạch tổ chức sự kiện bên lề… Đến nay, có thể nói HANIFF VII đã sẵn sàng diễn ra với chuỗi hoạt động đa dạng, hấp dẫn.
HANIFF VII sẽ có những dấu ấn đậm nét nào đối với công chúng, thưa ông?
- Hơn một trăm tác phẩm được tuyển chọn kỹ lưỡng chắc chắn sẽ là cơ hội để khán giả thăng hoa cùng điện ảnh. 42 bộ phim Việt Nam sẽ tham gia ở tất cả các hạng mục. Trong đó, Ngày xưa có một chuyện tình (tham dự Phim dài dự thi) là tác phẩm được chọn chiếu khai mạc; các phim: Cây ổi thiên đường, Đi về phía mặt trời, Giấc mơ làm du lịch của người bản địa Tây Nguyên, Linh ảnh, Nguồn cội, Người ơi - đừng khóc cuối đường, Nụ cười, Tẹo tham gia hạng mục Phim ngắn dự thi.
Chương trình phim Việt Nam đương đại gồm 33 tác phẩm (21 phim truyện; 6 phim tài liệu và 6 phim hoạt hình), khán giả sẽ có cơ hội thưởng thức những tác phẩm chưa từng ra rạp như Bà già đi bụi; Bên trong vỏ kén vàng; Vầng trăng thơ ấu… Nhiều bộ phim tạo nên “cơn sốt” phòng vé, doanh thu trăm tỉ hay giành được giải thưởng cao tại các sự kiện điện ảnh lớn như LHP Việt Nam lần thứ 23, Giải thưởng Cánh Diều 2024, LHP Quốc tế châu Á - Đà Nẵng cũng sẽ có mặt ở hạng mục này như: Đào, Phở và Piano; Gặp lại chị bầu; Nhà bà Nữ; Quỷ cẩu; Siêu lừa gặp siêu lầy…
Cùng với đó, giới mộ điệu sẽ được thưởng thức 75 tác phẩm đặc sắc của các nền điện ảnh danh tiếng trên thế giới, điểm nhấn là Chương trình phim tiêu điểm điện ảnh Đức.
Ngoài ra, HANIFF VII cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, ấn tượng như lễ khai mạc, bế mạc và trao giải; hai tọa đàm “Tiêu điểm điện ảnh Đức”, “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học”. Triển lãm “Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận - Trải nghiệm qua các thước phim điện ảnh”, sự kiện tiếp nối chuỗi hoạt động gắn kết, thúc đẩy du lịch, điện ảnh do Bộ VHTTDL tổ chức thời gian qua.
Thu hút và hấp dẫn không kém là Chợ dự án phim, chiếu phim ngoài trời, tham quan… cũng sẽ tạo thêm những sắc màu phong phú, mới lạ cho “bữa tiệc” nghệ thuật năm nay. Trong đó, Chợ dự án là nơi hội tụ nhiều nhà làm phim trẻ, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia nhằm xây dựng, triển khai các dự án chất lượng. Năm nay, dự kiến sẽ có 8 dự án tham gia, gồm 4 dự án của Việt Nam, 4 dự án quốc tế.
Nâng tầm thương hiệu HANIFF đúng với khẩu hiệu “Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh”, HANIFF VII sẽ có những điểm mới nào, thưa ông?
- Dấu ấn đậm nét bên cạnh “đại tiệc” phim là các sự kiện quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, mến khách, chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Lễ khai mạc sẽ diễn ra tối 7.11 tại Nhà hát HồGươm. Chương trình thảm đỏ quy tụ những gương mặt điện ảnh “đình đám”, các đoàn làm phim trong nước và quốc tế…
Cùng diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, hoạt động được mong chờ là Lễ bế mạc và trao giải tổ chức vào tối 11.11, vinh danh những nghệ sĩ, tác phẩm điện ảnh xuất sắc ở các hạng mục dự thi.
Như vậy, lần đầu tiên sau 6 kỳ diễn ra, hai hoạt động chính của HANIFF sẽ được tổ chức tại một không gian văn hóa mới mẻ, quy mô và hiện đại là Nhà hát Hồ Gươm. Năm nay, ngoài Trung tâm Chiếu phim quốc gia, phim sẽ được chiếu tại một số rạp của CGV, BHD… Một điểm mới nữa là việc tăng cường các sự kiện tương tác với công chúng, như hai đêm cineshow tổ chức tại Phố đi bộ sẽ tạo không gian mở, thu hút đông đảo khán giả tới xem phim, giao lưu, gặp gỡ các đoàn phim và nghệ sĩ điện ảnh.
Chương trình Phim Việt Nam chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô sẽ chiếu 4 bộ phim truyện: Truyện cổ tích cho tuổi 17, Em bé Hà Nội, Hà Nội mùa đông năm 46, Long thành cầm giả ca; 1 phim tài liệu: Hà Nội trong mắt ai và 4 phim hoạt hình: Nữ tướng Mê Linh, Sự tích đền Bạch Mã, Sự tích đền Voi Phục, Truyền thuyết gươm thần…
Những thông điệp được chuyển tải qua các tọa đàm tại LHP luôn thu hút sự quan tâm của giới nghề trong nước và quốc tế, tại HANIFF VII, hai tọa đàm sẽ mang đến những dấu ấn quan trọng nào, thưa ông?
- Trong khuôn khổ LHP năm nay sẽ diễn ra chương trình Tiêu điểm Điện ảnh một quốc gia: “Điện ảnh Đức”, hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức vào năm 2025. Cùng với đó, tọa đàm “Tiêu điểm điện ảnh Đức” sẽ chia sẻ những góc nhìn, bài học kinh nghiệm sản xuất phim, cách khai thác đề tài mang tính con người, xã hội và nhân văn, phân tích cách kể chuyện đa chiều sáng tạo, xu hướng làm phim của điện ảnh Đức hiện nay.
Tọa đàm thứ hai có chủ đề “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học” đề cập những vấn đề khi chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh; đổi mới tư duy của các nhà làm phim khi khai thác đề tài lịch sử; giải pháp nâng tầm và phát triển các dòng phim, kinh nghiệm quốc tế.
Với nhiều nội dung cuốn hút, LHP Quốc tế Hà Nội là cơ hội để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực điện ảnh. Sự kiện được kỳ vọng sẽ tiếp tục khẳng định, nâng tầm một thương hiệu - điểm đến không thể chối từ của các nhà làm phim và các nền điện ảnh danh tiếng.