Chỉ trong vòng nửa năm nay,ổchứcthựcthiphápluậtChấmdứtmãingânngađiệpkhúcbuồbilbao vs osasuna Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hai hội nghị toàn quốc triển khai luật và nghị quyết của Quốc hội. Hội nghị lần thứ nhất (diễn ra vào đầu tháng 9/2023) triển khai luật và nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ năm. Còn Hội nghị lần thứ hai (diễn ra tuần qua) triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ năm.
Câu hỏi “Vì sao phải tổ chức những hội nghị chưa từng có tiền lệ này?” đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm rõ. Đó là nhằm thực hiện cho được chủ trương rất quan trọng của Đảng, Nhà nước: gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, đảm bảo hệ thống pháp luật được thực hiện một cách công bằng, nghiêm minh.
Chỉ tính riêng Kỳ họp thứ sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội đã thông qua 9 luật, 11 nghị quyết, trong đó có Luật Đất đai 2024, đạo luật có tầm quan trọng chỉ sau Hiến pháp, với nhiều chính sách mới, quan trọng. Nhưng để chính sách đi vào cuộc sống, thì có tới gần 400 nội dung cần văn bản dưới luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Các văn bản này không chỉ phải bảo đảm có hiệu lực thi hành đồng thời với thời điểm luật có hiệu lực thi hành, mà còn phải bảo đảm tính khả thi, nhất quán, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan, không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện.
Thực tế, để đáp ứng yêu cầu đầu tiên đã rất khó. Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục. Vẫn còn 11/50 văn bản thuộc trách nhiệm quy định chi tiết của Chính phủ, các bộ chưa được ban hành (chiếm tỷ lệ 22%), trong đó một số văn bản đã chậm từ 8 tháng đến 1,5 năm so với thời điểm luật, nghị quyết có hiệu lực. Đáng chú ý là, trong số 39 văn bản quy định chi tiết đã ban hành, chỉ có 9 văn bản (chiếm 23%) được ban hành đúng thời hạn.
Như thế, không sốt ruột sao được. Lần này, các cơ quan của Quốc hội đã thống kê cụ thể gần 400 nội dung gắn với trách nhiệm của từng cơ quan và thời hạn phải ban hành nghị định, thông tư để đưa chính sách vào cuộc sống.
Đánh giá đây là một kỳ công, Chủ tịch Quốc hội gọi đó là cẩm nang cho quá trình thực thi chính sách. “Một số lãnh đạo bộ, ngành nói rằng, nếu không đọc danh mục này, thì chính các cơ quan tham mưu của các bộ cũng chưa chắc đã liệt kê hết công việc cần làm”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Khối lượng công việc đồ sộ trong khi cả nhân lực và kinh phí đều hạn chế, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành đều thể hiện sự vào cuộc rất sớm trong quá trình chuẩn bị đưa chính sách vào cuộc sống. Các cơ quan của Quốc hội cũng đã lên kế hoạch giám sát chặt chẽ, cụ thể để bảo đảm các nghị định, thông tư phải quy định chi tiết, đầy đủ, thống nhất với nội dung chính sách đã được quy định tại luật.
Đó là những việc cần phải làm, nhưng hiệu quả đến đâu lại phụ thuộc không nhỏ vào cách làm. Bởi có những quy định tại luật đã ban hành khiến các bộ, địa phương còn hiểu rất khác nhau, tranh luận gay gắt suốt mấy kỳ họp của Quốc hội, thì việc để đa số người dân hiểu đúng và thống nhất những chính sách mới là không dễ. Trong khi đó, việc phố biến, tuyên truyền pháp luật theo lối cũ đã ít nhiều bộc lộ sự nhàm chán, kém hiệu quả.
Vì thế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu một hiện tượng rất mới: đó là có những TikToker, Blogger phân tích một khoản của Luật Đất đai mà một buổi lên sóng thu hút hàng trăm ngàn lượt người xem.
Rõ ràng, phổ biến, tuyên truyền chính sách rất cần những cách làm mới, hiệu quả hơn.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bên cạnh 6 kỳ họp thường kỳ, Quốc hội khóa XV đã có tới 5 kỳ họp bất thường để ban hành những quyết sách linh hoạt, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống với những diễn biến chưa từng có tiền lệ.
Song, chính sách có kịp thời đến đâu, mà văn bản quy định chi tiết lại ban hành chậm thì ý nghĩa, hiệu lực, hiệu quả của các giải pháp đã được Quốc hội quyết định cũng sẽ giảm đáng kể. Bởi thế, không có lý do nào để điệp khúc buồn “tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”, hay “luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư” cứ mãi ngân nga từ năm này qua năm khác, từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác.
Muốn vậy, vẫn cần sự “ra tay” quyết liệt hơn của các cơ quan dân cử, cả trong giám sát ban hành các văn bản dưới luật, cũng như đánh giá đầy đủ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quá trình này.