Sửa đổi phù hợp hơn với thực tiễn
Bình luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi lần này, ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam cho biết, Luật Thuế GTGT được thông qua năm 2008, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2009 và đã được sửa đổi, bổ sung một số lần vào năm 2013, 2014, 2016. Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, luật đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
"Tôi đặc biệt ấn tượng với một quy định rất mới, lần đầu tiên có trong một luật thuế. Đó là quy định về trách nhiệm của cơ quan thuế trong xử lý hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT. Tôi tin rằng nếu quy định này được thông qua sẽ giúp giảm bớt và tiến tới khắc phục tâm lý ”không làm thì không sai” hiện nay. Quy định giúp công chức thuế làm việc trên tinh thần hết mình, với nhiều sáng kiến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn." |
Tuy nhiên, với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và xu hướng phát triển thời gian tới, chính sách thuế GTGT đã phát sinh một số hạn chế, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của loại thuế này. Qua thực tiễn hỗ trợ các doanh nghiệp tuân thủ quy định thuế và hải quan, chuyên gia của Deloitte nhận thấy quy định hiện hành đang tồn tại một số vướng mắc phổ biến nên được tháo gỡ, đặc biệt là chính sách thuế GTGT đối với khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất và hoạt động xuất khẩu.
Theo ông Bùi Ngọc Tuấn, tại dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) lần này, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều nội dung sửa đổi phù hợp hơn với thực tiễn và giải quyết nhiều vướng mắc như: phạm vi đối tượng không chịu thuế, kê khai khấu trừ thuế. Đồng thời, dự thảo luật có nội dung đề xuất mang tính đột phá như bỏ áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với nhiều dịch vụ xuất khẩu.
Thêm ý kiến về vấn đề này, luật sư, TS. Phan Hoài Nam - thành viên Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) và Hiệp hội Thuế quốc tế Anh Quốc (CIOT) nhận định, việc cải cách chính sách thuế nói chung và chính sách thuế GTGT nói riêng sẽ góp phần thực hiện yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng mà thực tế phát triển kinh tế hội nhập đang và sẽ đặt ra. Luật thuế GTGT sửa đổi phù hợp với xu hướng cải cách thuế GTGT của các nước. Đồng thời, các quy định mới giúp chuẩn bị nền tảng chính sách vững chắc để đón nhận những “luồng gió mới” về đầu tư và phát triển kinh tế, sau một chu kỳ khó khăn đang trải qua.
TS. Phan Hoài Nam cho rằng, tại dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi lần này, các nội dung sửa đổi, bổ sung mang ý nghĩa góp phần khắc phục những hạn chế, tồn tại hiện nay bằng cách bám sát theo 5 nhóm chính sách gồm: hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT; hoàn thiện các quy định về giá tính thuế GTGT; hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế GTGT; hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào; hoàn thiện các quy định về hoàn thuế GTGT. Vì vậy, ông đánh giá cao thời điểm sửa luật cũng như các nội dung đổi mới trong dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi này.
Quy định trách nhiệm cơ quan thuế trong xử lý hoàn thuế
Chia sẻ với phóng viên về những nội dung ấn tượng trong các nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi lần này, TS. Phan Hoài Nam cho biết, ông cảm thấy phấn khích khi nghiên cứu các nội dung quy định rõ ràng hơn liên quan đến việc xác định dịch vụ xuất khẩu, quy định về hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư.
“Nhưng trên tất cả, tôi đặc biệt ấn tượng với một quy định rất mới, lần đầu tiên có trong một luật thuế. Đó là quy định về trách nhiệm của cơ quan thuế trong xử lý hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT” - TS. Nam cho biết. Cụ thể, dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi quy định: Khi thực hiện công vụ hoàn thuế hoặc kiểm tra, thanh tra hoàn thuế, công chức thuế được loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp người nộp thuế cung cấp thông tin, tài liệu, số liệu không trung thực, không chính xác mà tại thời điểm thực hiện hoàn thuế hoặc thời điểm kết thúc hoạt động kiểm tra, thanh tra hoàn thuế, công chức thuế không thể biết hoặc không thuộc trách nhiệm phải biết về tính trung thực, chính xác do người nộp thuế cung cấp và công chức thuế đã tuân thủ đúng các quy định pháp luật về thuế GTGT và pháp luật quản lý thuế, đã tuân thủ đúng quy định, quy trình về quản lý rủi ro hoàn thuế GTGT.
”Quy định này thực sự có ý nghĩa đặc biệt. Tôi tin rằng nếu quy định này được thông qua sẽ giúp giảm bớt và tiến tới khắc phục tâm lý ”không làm thì không sai” hiện nay. Quy định giúp công chức thuế làm việc trên tinh thần hết mình, với nhiều sáng kiến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn cũng như giúp cải cách thủ tục hành chính thuế mạnh hơn nữa” - TS. Phan Hoài Nam nhấn mạnh.
Ngoài ra, khi bình luận về dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cũng đánh giá cao những đề xuất của Bộ Tài chính, bởi ngoài việc sửa đổi về mức thuế, tại dự thảo luật này sẽ sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế cũng như cơ quan quản lý. Điều này không chỉ là một bước quan trọng để hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Bộ Tài chính cho biết, quan điểm xây dựng Luật Thuế GTGT sửa đổi là kế thừa và phát huy những quy định đã mang lại tác động tích cực đến kinh tế - xã hội của Luật thuế GTGT hiện hành. Những nội dung cần sửa đổi, bổ sung phải có quy định rõ ràng, minh bạch, có đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế...
Lưu ý một số bài học kinh nghiệm trong xây dựng và ban hành chính sách Từ thực tiễn triển khai Luật thuế GTGT thời gian qua, dưới góc độ của một chuyên gia tư vấn thuế, TS. Phan Hoài Nam đã đưa ra khuyến nghị chính sách về những bài học kinh nghiệm cần rút ra trong việc xây dựng và ban hành các chính sách về Luật thuế GTGT trong thời gian tới. Theo ông, có một số bài học kinh nghiệm quan trọng mà các cơ quan chức năng cần lưu ý. Trước hết là tính minh bạch và đơn giản hóa. Luật thuế cần được xây dựng một cách rõ ràng và đơn giản để giảm thiểu việc diễn giải sai lệch dẫn tới tranh cãi. Sự rõ ràng và minh bạch trong quy định thuế cũng làm tăng niềm tin của người nộp thuế và nâng cao việc tuân thủ của người nộp thuế. Tiếp đó là lưu ý về vấn đề đối xử công bằng. Cụ thể, cần phải đảm bảo rằng các chính sách thuế được thiết kế để áp dụng công bằng cho tất cả các đối tượng, không tạo ra sự không công bằng cho bất kỳ nhóm nào. Một lưu ý khác là các quy định phải mang tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp. Luật thuế cần phải hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh bằng cách giảm bớt gánh nặng thuế và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, lắng nghe và trao đổi cũng rất quan trọng. Theo đó, cần có sự trao đổi qua lại và hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan thuế, doanh nghiệp, cộng đồng để đảm bảo rằng chính sách thuế được triển khai một cách hợp lý và có hiệu quả cao nhất. “Những bài học này cần được áp dụng một cách cẩn thận trong quá trình xây dựng và ban hành các chính sách thuế trong thời gian tới, nhằm tạo ra một hệ thống thuế công bằng, minh bạch và hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế bền vững” - TS. Phan Hoài Nam chia sẻ. |