Chợ miền núi không chỉ là nơi kinh doanh mà còn phải mang đậm văn hoá vùng miền! Phát triển chợ vùng miền núi,áogỡkhókhănchoxâydựngvàpháttriểnchợkeo. nha. cai dân tộc: Lan tỏa văn hóa vùng miền Sắp diễn ra Hội nghị phổ biến Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ |
Phát triển chợ còn gặp nhiều khó khăn
Chợ có vai trò quan trọng về mặt kinh tế - xã hội, là nơi lưu thông hàng hóa, phục vụ đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Theo Bộ Công Thương, tính tới cuối năm 2023, cả nước có 8.318 chợ, trong đó khoảng 83% là chợ hạng 3 cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Chợ nông thôn chiếm khoảng 73%.
Chợ đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của người dân (Ảnh: Lê Chân) |
Chợ đóng vai trò rất quan trọng vì hiện nay hàng hoá tươi sống lưu thông qua chợ chiếm đến 80%. Vì vai trò quan trọng này mà thời gian qua, Chính phủ và Bộ Công Thương đã xác định chợ rất quan trọng và đã có nhiều đề án, quyết định để phát triển hệ thống chợ trên toàn quốc. Tuy nhiên, sau nhiều năm, việc phát triển chợ hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Đơn cử, tại Hà Nội, thành phố đang có 453 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 58 chợ hạng 2, 348 chợ hạng 3, 8 chợ phải cải tạo hệ thống phòng cháy, chữa cháy và bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng, 24 chợ đề nghị không phân hạng do chờ giải tỏa. Thành phố cũng có chợ đầu mối Minh Khai, chợ đầu mối phía Nam và 5 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối. Chợ đóng vai trò quan trọng trong đời sống người dân. Hoạt động của các chợ trên địa bàn đã mang lại công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều lao động. Một số chợ kinh doanh tốt khi số người buôn bán trong chợ tăng nhiều so với trước.
Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn chưa được quan tâm đầy đủ nên việc đầu tư, cải tạo, sửa chữa theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025 và hằng năm chưa đạt tiến độ đề ra. Các hạng mục như hệ thống điện, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, kết cấu công trình... ở nhiều chợ đang xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Một số địa bàn của các địa phương chưa có chợ hoặc số lượng chợ chưa đủ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, dẫn đến tình trạng phát sinh chợ cóc, chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông...
Hoặc tại TP. Hồ Chí Minh, thống kê cho thấy, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 233 chợ, gồm: 17 chợ hạng 1; 54 chợ hạng 2; 162 chợ hạng 3 và chợ tạm. Trong thời gian qua, nhiều chợ đã được các địa phương thực hiện nâng cấp, sửa chữa như chợ Bình Tây, Bến Thành, An Đông... nhằm cải thiện chất lượng và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Tuy nhiên, xu hướng thị trường tiêu dùng ngày càng ưu tiên yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc sản xuất rõ ràng, chưa kể có nhiều chương trình khuyến mãi được các siêu thị, trung tâm thương mại, mua sắm qua các trang thương mại điện tử... khiến đa số khách hàng đang dần dần thay đổi thói quen tiêu dùng, mua sắm. Trong khi đó, nhiều bất cập tồn tại trong kinh doanh và công tác quản lý chợ cũng là nguyên nhân làm giảm thu hút khách hàng đến với chợ như chính sách đầu tư, quy hoạch phát triển thương mại của địa phương; mô hình quản lý, nhận thức của ban quản lý chợ, tiểu thương… chưa bắt nhịp kịp thị hiếu người tiêu dùng hiện đại.
Ở một địa phương miền núi, Bắc Kạn là một trong những địa phương quan tâm rất lớn đến phát triển hạ tầng chợ miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Thời gian qua, nhờ nguồn vốn của ngân sách, Bắc Kạn đã xây dựng được một số mô hình chợ an toàn thực phẩm như chợ Bắc Kạn (thành phố Bắc Kạn), chợ Bằng Lũng (thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn)… đồng thời nỗ lực nhân rộng ra một số khu chợ khác trên địa bàn tỉnh.
Ông Đinh Lâm Sáng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn cho biết, Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm lọt ở giữa các tỉnh khác, không có đường hàng không, đường thủy, đường sắt. Chính vì vậy, thời gian vừa qua, giao thương có những khó khăn nhất định.
Bên cạnh đó, dân số Bắc Kạn phân tán, địa hình đi lại khó khăn. Chính vì vậy, việc sinh hoạt chợ ở trên miền núi khác hẳn với một số các tỉnh khác ở vùng trung du. Thời gian qua, Sở Công Thương Bắc Kạn gặp khá nhiều khó khăn trong việc xây dựng và nhân rộng mô hình chợ gắn với an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Một trong những lý do khiến cho việc phát triển chợ ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn chính là ngân sách dành cho xây dựng chợ còn hạn chế. Các địa phương rất khó thu hút đầu tư phát triển hạ tầng chợ, đặc biệt là ở khu vực đặc thù như nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa.
Tạo cơ chế thuận lợi cho phát triển chợ
Trong bối cảnh phát triển chợ còn nhiều khó khăn, mới đây, Bộ Công Thương đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ.
Theo Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương, Nghị định gồm 05 Chương 38 Điều và 02 Phụ lục, trong đó có một số điểm mới được quy định như sau: Về đầu tư xây dựng chợ, cho phép địa phương chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn, phù hợp với tình hình thực tiễn, tính cấp thiết, các quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan thay vì quy định phân cấp hỗ trợ đầu tư (trung ương, địa phương) đến một số hạng chợ, loại chợ cụ thể như trước đây. Quy định này sẽ tạo thuận lợi cho việc huy động, tận dụng mọi nguồn lực phát triển cơ sở vật chất – kỹ thuật chợ tương xứng với vị trí và vai trò của chợ, trong đó có nguồn ngân sách địa phương.
Nghị định cũng đã bổ sung nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng chợ, đặc biệt liên quan đến việc: bảo trì trong chu kỳ dự án đầu tư xây dựng chợ; việc công khai thông tin niêm yết và lấy ý kiến của các bên liên quan khi di dời, xây dựng lại; xây dựng phương án, chính sách hỗ trợ di chuyển; duy trì chợ tạm...
Nghị định làm rõ chợ được quản lý bởi doanh nghiệp/hợp tác xã đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ hoặc đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ đối với tài sản do nhà nước đầu tư…thay vì ban quản lý như trước đây.
Nghị định còn cắt giảm thủ tục hành chính đối với quy định liên quan đến: Nội quy chợ (các Nghị định về chợ trước đây quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt nội quy của các chợ hạng 1); quản lý điểm kinh doanh tại chợ (các Nghị định về chợ trước đây quy định phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt).
Bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư để triển khai Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Nghị định đã dành 01 Chương (Chương IV. Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư, quản lý với 23 điều khoản) do Bộ Tài chính (Cục Quản lý công sản) phối hợp xây dựng; Việc bổ sung nội dung này sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhiều địa phương trong quá trình triển khai công tác phát triển chợ là tài sản công do nhà nước đầu tư, tạo cơ sở cho việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Nghị định cũng đã bổ sung quy trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo kiến nghị của các địa phương.
Do đó, Nghị định này được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các địa phương đẩy mạnh phát triển hạ tầng chợ phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội.
Hội nghị phổ biến Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 5/6/2024 của Chính phủ về phát triển quản lý chợ sẽ được Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 26/7/2024, tại Hà Nội. Hội nghị được diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, sẽ phổ biến những nội dung cơ bản, những điểm mới nổi bật của Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 5/6/2024. Bên cạnh đó, trao đổi, giải đáp các ý kiến, vướng mắc của địa phương đối với việc triển khai Nghị định số 60/2024/NĐ-CP. |