Phóng viên TBCVN đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín,ốngnhấtcácquyđịnhhóađơnvàchứngtừtrongquảnlýthuếbomg xung quanh dự thảo nghị định quy định về hóa đơn, chứng từ, quy định cụ thể chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế sửa đổi. Tại cuộc trao đổi, ông Được cho biết, các quy định tại dự thảo lần này đã bao quát tất cả các đối tượng, cũng như đảm bảo sự thống nhất trong các quy định về hóa đơn, chứng từ.
* PV:Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo nghị định quy định về hóa đơn, chứng từ, hướng dẫn Luật Quản lý thuế sửa đổi. Theo ông, nội dung đáng chú ý nhất của dự thảo này là gì?
- Ông Nguyễn Văn Được: Những nội dung đáng chú ý nhất của dự thảo nghị định hóa đơn, chứng từ lần này là đã bao quát và mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng so với các quy định trước đây. Không chỉ cá nhân, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, mà bao gồm cả các cơ quan nhà nước và các cơ quan có liên quan trong việc quản lý, sử dụng, tra cứu và trao đổi thông tin về hóa đơn, chứng từ với mục tiêu hiện đại, khoa học, thuận tiện, hiệu quả và minh bạch, phù hợp với xu hướng số hóa trong quản lý kinh tế, cũng như quản lý sử dụng hóa đơn, chứng từ…
Đồng thời, dự thảo cũng đã bao quát tập hợp lại những quy định của hóa đơn, chứng từ bằng giấy và hóa đơn, chứng từ điện tử trước đây tại nhiều văn bản khác nhau, trên cơ sở kế thừa những quy định cũ và bổ sung những quy định mới cho phù hợp với tình hình thực tế như: Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử theo quy định của pháp luật kế toán và pháp luật khác có liên quan; hay các quy định về quyền, trách nhiệm của người mua, người bán về hóa đơn chứng từ; quyền, trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi kiểm tra, tra cứu và trao đổi thông tin về hóa đơn, chứng từ; cũng như các quy định đối với đơn vị cung cấp dịch vụ in ấn chứng từ, hóa đơn và tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn, chứng từ điện tử.
Ông Nguyễn Văn Được |
Tôi cho rằng, dự thảo nghị định này đã xây dựng một cách tổng thể và chi tiết về hóa đơn, chứng từ, qua đó giúp cho cơ quan thuế và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp có điều kiện và cơ sở thực thi một cách hiệu quả những quy định này. Bởi vì, nghị định không chỉ quy định chi tiết, cụ thể tại một văn bản để thuận tiện và dễ dàng tra cứu, vận dụng khi cần, mà nó còn hạn chế được những bất cập khác nhau về một nội dung tại các văn bản riêng lẻ trước đây.
Một nội dung đáng chú ý khác, đó là nghị định đã giải quyết được vấn đề tồn tại thực tế xã hội về chứng từ, hóa đơn giấy vốn đã là thói quen và ăn sâu vào văn hóa của doanh nghiệp từ trước đến nay là vẫn cho phép và quy định về hóa đơn, chứng từ giấy trong giai đoạn quá độ chuyển giao sang hóa đơn chứng từ điện tử; đồng thời định hướng, kế thừa để hình thành và xây dựng về cơ sở hạ tầng cũng như văn hóa, thói quen về hóa đơn, chứng từ điện tử theo hướng hiện đại và khoa học.
* PV: Dự thảo đã dành một mục riêng về hóa đơn điện tử. Đây là một nội dung mới so với quy định trước đây. Theo ông, để người nộp thuế hiểu và có cách áp dụng thống nhất, tránh những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, nghị định cần quy định cụ thể như thế nào?
- Ông Nguyễn Văn Được: Như tôi đã phân tích, nghị định này được xây dựng trên cơ sở tổng quát các quy định về cả hóa đơn, chứng từ giấy và điện tử đã có vào một văn bản, điều này giúp cho doanh nghiệp dễ thực hiện. Tuy nhiên, việc quy định thành mục riêng đối với hóa đơn điện tử tại nghị định này là cần thiết, nhưng chưa đủ. Tôi cho rằng dự thảo cần chỉ rõ cho doanh nghiệp hiểu được phạm vi, đối tượng điều chỉnh của pháp luật hướng tới là gì để doanh nghiệp biết và thực hiện, tránh những hiểu nhầm không đáng có và hạn chế những lúng túng khi thực hiện như thực tế đã xảy ra khi Nghị định 119 và Thông tư số 68 về hóa đơn điện tử có hiệu lực. Hay nói cách khác, ngoài việc quy định thành mục riêng, cần xây dựng chi tiết và rõ ràng. Cùng với việc lấy ý kiến, công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp khi nghị định được ban hành là điều rất quan trọng và cần thiết.
* PV: Giống như hóa đơn điện tử, nghị định cũng có một mục riêng về chứng từ điện tử. Qua nghiên cứu cho thấy, dự thảo đã quy định rất chi tiết, cụ thể về các loại chứng từ, thời điểm lập chứng từ, nội dung chứng từ... Với những quy định như dự thảo, theo ông đã đảm bảo chặt chẽ chưa?
- Ông Nguyễn Văn Được: Những quy định về chứng từ và chứng từ điện tử được xây dựng trên sự kế thừa và tiếp cận của chứng từ kế toán theo Luật Kế toán đã có từ lâu, bên cạnh những quy định mới trên cơ sở nền tảng công nghệ và quy định về giao dịch điện tử. Cách xây dựng và tiếp cận giống như đối với hóa đơn nêu trên và những quy định đã có. Do đó có thể khẳng định rằng, nghị định đã phần nào đảm bảo được tính chặt chẽ bên cạnh sự đồng bộ với các quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn.
* PV: Là một chuyên gia trong lĩnh vực thuế, làm công tác tư vấn thuế cho doanh nghiệp, theo ông người nộp thuế cần lưu ý những gì khi nghị định này có hiệu lực thi hành?
- Ông Nguyễn Văn Được: Theo tôi, các doanh nghiệp nên sớm nghiên cứu nghị định này và góp ý về những khó khăn, hay bất cập đang gặp phải để cơ quan soạn thảo sớm tiếp thu, hiệu chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng bất cập khi nghị định đã có hiệu lực thi hành, gây khó khăn đến doanh nghiệp. Mặt khác, doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận sớm với hóa đơn, chứng từ điện tử khi có điều kiện và thực hiện các nghĩa vụ cần thiết khi không còn nhu cầu sử dụng hóa đơn, chứng từ giấy... Doanh nghiệp chuyển dần dùng hóa đơn, chứng từ giấy sang hóa đơn, chứng từ điện tử cho phù hợp với lộ trình đề ra và có thể thực hiện hóa đơn, chứng từ điện tử càng sớm càng tốt, bởi những ưu điểm và lợi ích vô cùng to lớn mà nó mang lại.
Bên cạnh đó, khi sử dụng hóa đơn điện tử thông qua đơn vị cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử, các doanh nghiệp cần lưu ý về quyền và trách nhiệm của các bên, đặc biệt là trách nhiệm của bên cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử như thế nào để hạn chế rủi ro, cũng như những rủi ro có thể xảy ra thì họ có trách nhiệm và nghĩa vụ bồi thường cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng và lưu trữ hóa đơn điện tử theo quy định của pháp luật. Bởi đây là hình thức mới dễ sai sót, nhầm lẫn và cũng dễ bị tấn công do chưa đảm bảo an ninh mạng, gây nguy hiểm và rủi ro cho dữ liệu…
Cuối cùng, doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện hóa đơn chứng từ theo quy định để tránh những rủi ro và hệ lụy do thiếu hiểu biết chính sách pháp luật. Bên cạnh đó, cũng cần áp dụng công nghệ thông tin, số hóa và trí tuệ nhân tạo vào việc quản lý, sử dụng hóa đơn cho mục đích quản lý tài chính, kinh tế, quản lý điều hành doanh nghiệp…
* PV: Xin cảm ơn ông!
Nhật Minh (thực hiện)