(CMO) Hơn 10 năm qua, kể từ khi tình hình sạt lở ven biển, ven sông ngày một diễn biến phức tạp, tỉnh Cà Mau đã dốc toàn bộ nhân lực, vật lực cho “cuộc chiến giành lại đất” với thiên nhiên. Dù đã có nhiều nỗ lực, song, trước biến đổi của khí hậu, thời tiết diễn biến ngày một phức tạp, đã đến lúc cần có một giải pháp tổng thể và bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải khảo sát thực tế khu vực sạt lở đặc biệt nghiêm trọng tại đoạn Đá Bạc - Kinh Mới để chỉ đạo biện pháp hộ đê khẩn cấp.
Những năm qua, xói lở xảy ra với mức độ rất nguy hiểm và thường xuyên, có một số đoạn lở khá lớn, ăn sâu vào sát chân đê biển. Ở khu vực bờ biển Tây, mức độ sạt lở từ 20-25 m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50 m/năm; ở khu vực ven biển Đông mức sạt lở từ 45-50 m/năm. Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Sử Văn Minh cho biết, trước kia khu vực rừng phòng hộ còn cách đê hơn 1 cây số, người dân còn sản xuất tôm xen canh dưới tán rừng, nhưng chỉ khoảng hơn 10 năm nay, sóng biển đã lấn đến thân đê.
Không chỉ có khu vực Đá Bạc đến Kinh Mới với hơn 1.300 m đê đang đặt trong tình trạng báo động cần hộ đê khẩn cấp, mà dưới tác động của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, kết hợp triều cường, biển động rất mạnh, gần như toàn khu vực đê biển Tây cũng bị sạt lở. Đặc biệt, trong đó có 3 vị trí sạt lở rất nguy hiểm, nguy cơ phá vỡ đê rất lớn.
Tại khu vực biển Đông hiện cũng không khả quan hơn. Qua khảo sát sơ bộ đã có trên 48 km bị sạt lở ở mức độ nguy hiểm, trong đó sạt lở rất nguy hiểm với tổng chiều dài 24 km. Tiêu biểu như đoạn thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) với chiều dài sạt lở khoảng 3 km; đoạn từ Hốc Năng về phía rạch Nhà Phiếu (huyện Ngọc Hiển) khoảng 4 km; đoạn Hố Gùi (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn) sạt lở hơn 1 km…
Là một trong những hộ sinh sống bằng nghề khai thác ven biển tại khu vực ấp Ô Rô (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển), ông Nguyễn Văn Chánh cho biết, những năm gần đây, tình trạng sạt lở ngày một nhanh hơn. Tiếng sóng biển càng lúc càng lớn và gần hơn. “Hễ qua một mùa gió chướng là sóng biển lấn vào đất liền 400-500 m. Nếu không có kè bảo vệ, chắc chỉ vài năm nữa phải di dời nhà cửa”, ông Chánh lo lắng.
Do phải chịu tác động của cả 2 chế độ thuỷ triều: nhật triều và bán nhật triều không đều; phần bên trong lại được chia cắt bởi hệ thống sông rạch, kênh mương với tổng chiều dài gần 10.000 km, cùng hơn 87 cửa biển, cửa sông lớn nhỏ thông ra biển, từ đó, hiện tượng sạt lở bờ biển, ven sông đã trở thành nỗi ám ảnh thật sự của chính quyền và người dân trong tỉnh.
Theo thống kê của Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam, tại khu vực Tam Giang Đông (huyện Ngọc Hiển) và khu vực ven biển thuộc huyện Đầm Dơi kể từ năm 1984 đến nay, bình quân khu vực này mất hơn 1.200 m rừng phòng hộ ven biển.
Tại hội thảo tổng kết đánh giá công trình thử nghiệm 180 m đê trụ rỗng tiêu giảm sóng gây bồi bảo vệ bờ biển ngày 27/10/2017 tại tỉnh Cà Mau, Tiến sĩ Trần Văn Thái, Viện phó Viện Thuỷ công tính toán, với số liệu đo đạc được về tình trạng sạt lở ven biển Đông và Tây của tỉnh kể từ năm 1984 đến nay, Cà Mau đã làm mất khoảng 122 km2 đất, tương đương 17% diện tích đất nước Singapore.
Cũng tại hội thảo này, PGS.TS Hoàng Văn Huấn, Viện Kỹ thuật Biển, nhận định, hiện tượng sạt lở bờ sông, ven biển ở ĐBSCL nói chung và Cà Mau nói riêng thực sự là lực cản lớn đối với tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá của vùng đất phương Nam. Những tổn thất do xói lở bờ sông, bờ biển diễn ra trong thập niên qua hết sức nặng nề. Đồng thời, dưới tác động của biến đổi khí hậu như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ rừng phòng hộ, đê biển Tây có nguy cơ biến mất hoàn toàn.
Sạt lở ven biển trong những năm gần đây diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của người dân.
Tuyến đê biển Tây hiện đang bảo vệ khoảng 26.000 hộ dân bên trong với trên 128.972 ha đất sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp. Phía bờ biển Đông hơn 76 km đai rừng phòng hộ ven biển đang che chở và bảo vệ hơn 260.000 hộ dân với 130.000 ha đất sản xuất. Tình trạng sạt lở bờ biển như hiện nay đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đe doạ tính mạng, tài sản của các hộ dân.
Không chỉ có sạt lở ven biển, dưới tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cộng với sự chênh lệch biên độ triều lớn, tạo ra dòng chảy xiết, tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, nhất là ở địa bàn các huyện ven biển như: Năm Căn, Đầm Dơi và Ngọc Hiển. Theo khảo sát thực tế, toàn tỉnh có 27 vị trí sạt lở, với tổng chiều dài 40 km, đe doạ đời sống và sản xuất, kinh doanh của hơn 1.047 hộ dân.
Ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, cho biết, để nắm sát tình hình tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với khu vực ven biển, ven sông trên địa bàn tỉnh.
Được sự đồng ý về mặt chủ trương của Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Cà Mau có văn bản gửi Công ty trực thăng miền Nam dự kiến thuê máy bay trực thăng để lãnh đạo chủ chốt của tỉnh khảo sát thực địa trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, hai bên đang trao đổi để thống nhất đường bay, giá thuê máy bay và các nội dung khác có liên quan.
Việc khảo sát bằng máy bay trực thăng nhằm nắm bắt một cách tổng quan, toàn diện về hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; sử dụng đất đai, phát triển giao thông, bố trí dân cư; đặc biệt là khu vực xung yếu ven biển, ven sông và tình hình tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với khu vực này (như tình hình sạt lở bờ biển Đông, bờ biển Tây, các cửa biển, cửa sông đang diễn ra hết sức phức tạp, khó lường, nguy cơ vỡ đê biển Tây ngày càng cao, ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của người dân; tình trạng xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, gia tăng ngày càng mạnh…); đồng thời, kiểm tra, khảo sát tình hình bảo vệ và phát triển rừng; nhất là kiểm tra nắm tổng quan, toàn diện về hiện trạng bảo vệ, giữ gìn Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (ở khu vực bãi bồi ven biển để hoạch định kế hoạch, dự án trồng rừng lấn biển, dự án kè tạo bãi để khôi phục rừng, điện gió, hệ thống giao thông ven biển…).
Từ kết quả khảo sát, sẽ rà soát, nghiên cứu, hoạch định, xây dựng hoàn thiện các quy hoạch phát triển, đồng thời đề ra và thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, hậu quả tiêu cực tăng mạnh… đảm bảo phù hợp, có hiệu quả; giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, phương án phòng thủ và bố trí dân cư khu vực ven biển, cửa biển, cửa sông cho phù hợp; giải pháp phát triển hoàn thiện hệ thống giao thông, phát triển du lịch ven biển, các dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời mà hiện nay đang có nhiều nhà đầu tư quan tâm…
Cùng với đó, qua chuyến khảo sát này giúp khắc phục những hạn chế đang tồn tại là: Mặc dù đã qua các ngành, đơn vị chức năng đã tích cực khảo sát thực địa, một số khu vực đã có số liệu cụ thể nhưng chưa mang tính tổng quan, thiếu toàn diện, số liệu chưa đầy đủ, đặc biệt là không bắt kịp với sự thay đổi rất nhanh chóng, khôn lường do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng (như tình hình sạt lở đất ven biển, ven sông…). Đồng thời, giúp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương nắm bắt rõ hơn bằng trực quan những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với tỉnh Cà Mau, để tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp khắc phục, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư khu vực ven biển theo hướng bền vững./.