Trong những năm gần đây,ươngsolnđờda truc tiep do cây mía bị rớt giá nên nhiều hộ dân ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, chuyển sang trồng cây sương sáo và mang lại nguồn thu nhập cao.
Anh Vũ đang chăm sóc rẫy sương sáo sắp đến ngày thu hoạch.
Chỉ tay về hướng những bờ liếp xanh rì của cây sương sáo, anh Nguyễn Văn Vũ, ở ấp Mỹ Hưng, xã Hiệp Hưng, cho biết: “Trước đây, những bờ liếp này được người dân trồng mía. Nhưng cây mía liên tục bị rớt giá, nông dân bị thua lỗ nên bà con bắt đầu chuyển đổi cây trồng. Người khá giả đủ điều kiện lập vườn thì trồng cây ăn trái như mít, xoài, sầu riêng, măng cụt, còn hộ nghèo ít vốn lựa cây rau màu ngắn ngày để trồng, trong đó có cây sương sáo”.
Đặc tính của cây sương sáo dễ trồng, mau thu hoạch, chỉ cần xuống giống trồng một lần, thu hoạch được 3-4 năm và một năm thu hoạch từ 3-4 vụ. Năng suất quân bình từ 3-3,5 tấn sương sáo tươi/công (1.000m2), tương đương hơn 1 tấn sương sáo đã qua công đoạn phơi khô. Hiện nay, các công ty hợp đồng thu mua sương sáo của bà con với giá 20.000 đồng/kg sương sáo cọng, 57.000 đồng/kg sương sáo lá. Tính ra mỗi công sương sáo sau khi thu hoạch cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm, sau khi khấu trừ các khoản chi phí thì người trồng còn lợi nhuận hơn 40 triệu đồng/công. Nhờ đầu ra thuận lợi, giá bán cao nên cây sương sáo trở thành một trong những loại cây kinh tế, giúp người dân địa phương giảm nhanh số hộ nghèo.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lý Hồng Mỹ, Trưởng ấp Mỹ Hiệp, xã Hiệp Hưng, cho biết trước đây cũng có một thời cây sương sáo làm nhiều hộ dân trong và ngoài ấp đau đầu vì đầu ra và giá cả. Sương sáo đến ngày thu hoạch già đến nỗi trổ bông khô héo cả cánh đồng, nông dân kêu bán giá chỉ 1.000 đồng/kg mà cũng chẳng ai mua. Không ít hộ bỏ cây sương sáo chuyển sang trồng cây rau màu khác, một số hộ nghèo thiếu vốn chuyển đổi đã giữ lại cây sương sáo bán lẻ cho quán nước, người làm nghề nấu sương sáo bán dạo mùa nắng nóng. Sau thời gian dài sụt giảm, những năm gần đây giá cây sương sáo có dấu hiệu khởi sắc, người dân trong ấp cũng bắt đầu trồng lại với diện tích khoảng 95,96ha của 61 hộ trồng. Tuy cây sương sáo dễ trồng, giá trị kinh tế có lúc cũng khá cao, nhưng xét về mặt rủi ro đầu ra và giá cả có khi cũng không thua kém nhiều mặt hàng nông sản khác. Vì vậy, người dân nên cân nhắc trước khi chọn trồng giống cây này.
Một chủ vựa chuyên thu mua cây sương sáo ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cho rằng suốt nhiều năm qua, để hỗ trợ cho hộ trồng sương sáo trên địa bàn huyện, mỗi năm vựa đều chuẩn bị khoảng 50-70 giạ hột giống sương sáo và phân bón để trao tận tay cho bà con trồng. Cách đây chừng 5 năm trước, sương sáo rớt giá thê thảm, nhưng những năm gần đây, nhờ thị trường tiêu thụ mạnh nên cây sương sáo có lúc hút hàng, đẩy giá lên cao 40.000-50.000 đồng/kg. Đầu ra của cây sương sáo nước ta chủ yếu là xuất sang thị trường Trung Quốc, Campuchia và một phần cho các công ty sản xuất nước uống có nguồn gốc thảo mộc trong nước. Do thị trường tiêu thụ gần đây khá thuận lợi, mỗi năm điểm thu mua này có thể thu mua và xuất bán được gần 30 tấn cây sương sáo khô cho khách hàng từ nhiều tỉnh, thành trong nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, An Giang, Cà Mau, Vĩnh Long, Cần Thơ…
Vài năm gần đây, khi cây sương sáo phất lên, nhiều nông dân trồng cây này thường nói vui là “Sương sáo là cây xóa đói giảm nghèo”. Bởi cây sương sáo rất phù hợp với điều kiện khí hậu vùng Phụng Hiệp, ít sâu bệnh, dễ bảo quản bằng cách phơi khô, để lâu không bị hỏng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ cây sương sáo còn phụ thuộc vào thị trường, giá cả luôn biến động nên diện tích trồng cây sương sáo của xã Hiệp Hưng từ đó đã giảm nhiều so những năm về trước.
Bài, ảnh: QUANG HẢI