Quy hoạch thiếu thực tiễn Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ về Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp dụng từ ngày 1/7/2019. Thông báo nêu rõ: Điện mặt trời phát triển rất nóng thời gian qua. Quy mô công suất điện mặt trời bổ sung quy hoạch lớn hơn rất nhiều so với dự kiến trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong khi đó nội dung tính toán và cập nhật cơ cấu nguồn điện hệ thống điện quốc chưa gia được Bộ Công Thương đầy đủ kịp thời. Ngoài ra, việc triển khai lập quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia chậm, thiếu quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu điều hành chung về phát triển điện mặt trời. Một điểm yếu khác, đó là công tác quản lý quy hoạch phát triển điện mặt trời của Bộ Công Thương còn thiếu tính khoa học và thực tiễn, công tác dự báo còn nhiều yếu kém. Chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu và kịp thời để tránh làn sóng đầu tư ồ ạt, theo phong trào vào phát triển điện mặt trời, nhất là việc đầu tư quá mức vào một số khu vực gây rất nhiều khó khăn trong truyển tải điện, giải tỏa công suất các nhà máy, ảnh hưởng đến công tác vận hành hệ thống điện quốc gia và gây ảnh hưởng đến quyền lợi các nhà đầu tư. “Ngoài ra, công tác quản lý đầu tư chưa minh bạch và chưa được quản lý chặt chẽ, đồng bộ”, Thủ tướng đánh giá. Chuyển hẳn sang cơ chế đấu thầu Theo Thông báo: Chính phủ tiếp tục quan tâm phát triển hợp lý nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời có tiềm năng khá lớn ở nước ta. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu cần phải tính toán cơ cấu các nguồn điện một cách khoa học và bài bản, phải chuyển hẳn sang thực hiện cơ chế đấu thầu, kiên quyết loại bỏ tình trạng xin cho, tập trung xử lý các dự án đã và sắp hoàn thành nhưng không kịp đưa vào vận hành trước ngày 1/7/2019. Về phát triển điện mặt trời thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tuân thủ nguyên tắc tập trung cho những nơi có tiềm năng và lợi thế, có điều kiện phát triển tốt; ưu tiên khuyến khích phát triển hợp lý điện mặt trời trên mái nhà… Phát triển điện mặt trời phải tuân thủ quy hoạch và đảm bảo cân bằng hệ thống điện, tránh phát triển ồ ạt gây tác động lớn đến giá thành sản xuất điện toàn hệ thống, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước – nhà đầu tư – người dân. “Tuyệt đối chống tham nhũng lợi ích nhóm trong quản lý phát triển, kiên quyết loại bỏ cơ chế xin cho. Các dự án đầu tư tuyệt đối không được sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng thấp, tiềm ẩn rủi ro về môi trường", Thủ tướng yêu cầu. Bên cạnh đó, Thủ tướng kết luận: Không hồi tố quy định về giá điện đối với dự án điện mặt trời đã dược áp dụng biểu giá khuyến khích cố định (FIT) theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, tạo điều kiện cho phát triển hợp lý và đảm bảo lợi ích hợp pháp nhà đầu tư. Thống nhất việc ban hành biểu giá FIT áp dụng chung cho điện mặt trời trên mái nhà trong phạm vi cả nước và trong thời gian nhất định; xem xét ban hành biểu giá FIT để áp dụng với các dự án đã ký Hợp đồng mua bán điện và đang triển khai thi công xây dựng đưa vào vận hành trong năm 2020. Đối với các dự án còn lại và các dự án mới sẽ không tiếp tục áp dụng biểu giá FIT mà chuyển hẳn sang thực hiện theo hình thức đấu thầu công khai, minh bạch, cạnh tranh để giảm giá mua điện từ các dự án điện mặt trời. Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, báo cáo cụ thể danh mục dự án điện mặt trời áp dụng biểu giá FIT mới; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác danh mục các dự án này đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch. Riêng về giá điện mặt trời áp dụng với dự án ở Ninh Thuận, Thông báo nêu rõ: Thực hiện theo quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết 115/NQ-CP về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế-xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023; áp dụng cho đến khi Ninh Thuận đạt đủ quy mô công suất 2000 MW hoặc đến hết năm 2020 tùy theo tiêu chí nào đến trước. Thủ tướng giao Bộ Công Thương và Ninh Thuận thực hiện nghiêm. Căn cứ định hướng và nguyên tắc nêu trên, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương thực hiện và báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/12/2019. Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cơ quan liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm không né tránh đùn đẩy trách nhiệm, nhất là đối với các dự án hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện trong thời gian tới; triển khai chặt chẽ đúng pháp luật, chống tham nhũng tiêu cực, chống lợi ích nhóm, công khai minh bạch mọi chuyện. |