Việt Nam hiện có hơn 400 thủy điện đang vận hành, trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có 37 thủy điện, số còn lại là của các doanh nghiệp khác. Trên thực tế, trước đây do nhiều nguyên nhân, một số nhà máy thủy điện tư nhân đầu tư đã sơ sót trong xây dựng, hoặc trong quá trình vận hành để vỡ đập, hoặc điều tiết nước qua tràn của đập nhưng chậm cảnh báo gây lũ chồng lũ, làm thiệt hại và gây tâm lý “bất ổn” cho người dân, cũng như cộng đồng xã hội. Nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy điện, trong đó có an toàn hồ đập, điều tiết nước theo quy trình liên hồ chứa, tránh tình trạng lũ chồng lũ, giảm thiểu thiệt hại cho vùng hạ lưu, Bộ Công Thương đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, bão lụt; đồng thời thành lập đoàn công tác đến các địa phương, kiểm tra hầu hết các thủy điện trọng điểm. Bản thân các chủ hồ thuộc EVN cũng đã chủ động triển khai các phương án phòng chống bão lũ. Đơn cử như Công ty thủy điện Buôn Kuop (quản lý 3 thủy điện ở Đăk Lăk và Đăk Nông) đã xây dựng phương án phòng chống lụt bão, tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai cùng ứng cứu thực tế; lắp đặt thêm nhiều hệ thống cảnh báo từ xa qua điện thoại... Từ đầu mùa mưa bão năm nay, thông điệp được truyền đi từ Bộ Công Thương về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã liên tục nhấn mạnh trọng tâm vào việc chủ động tăng cường kiểm tra, rà soát các công trình, đồng thời chuẩn bị phương án, nguồn lực ứng cứu kịp thời. Đặc biệt, đối với các công trình thủy điện thì vận hành hồ chứa tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ; tăng cường công tác cảnh báo khi vận hành xả lũ; thường xuyên kiểm tra các hạng mục công trình trước, trong, sau các đợt mưa, lũ, sự cố và khắc phục kịp thời các tồn tại có nguy cơ mất an toàn cho đập, nhà máy là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. |