Vốn hóa thị trường có thể tăng thêm 15-20 tỷ USD
Trong số các doanh nghiệp được IPO và thoái vốn năm 2018 có một số tên tuổi đáng chú ý như BSR, PV Oil, PV Power, Satra, Tổng công ty Bến Thành, Vinafood2, Mobifone, ACV, hay PLX. Hầu hết các doanh nghiệp này là công ty đầu ngành trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng của Việt Nam. Do đó, đây được xem là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư muốn trở thành cổ đông chiến lược để có thể phát triển hoạt động lâu dài tại thị trường Việt Nam. |
Năm 2018, theo kế hoạch, Chính phủ sẽ thực hiện thoái vốn tại khoảng 181 công ty, tương đương khoảng 70% số lượng doanh nghiệp cần thoái vốn trong giai đoạn 2018 – 2020. Bên cạnh đó, khoảng 45 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa năm 2017 sẽ phải IPO chậm nhất trong quý I/2018. Để hoàn thành kế hoạch đầy thách thức này, Chính phủ đã điều chỉnh nhiều khung pháp lý (Nghị định 126 và Dự thảo Nghị định 91) nhằm tạo sự linh động và khả thi cho các nhà đầu tư tham gia vào quá trình đấu thầu. Cùng với các sửa đổi pháp lý, giới phân tích cũng kỳ vọng sự thành công của hai thương vụ thoái vốn thực hiện trong năm 2017 (VNM và SAB) sẽ là những kinh nghiệm thực tiễn để kế hoạch thoái vốn 2018 đạt kết quả mong đợi.
Thực tế, đợt IPO được nhiều nhà đầu tư chờ đợi nhất trong những ngày đầu năm 2018 là của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) diễn ra tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) tháng 1 vừa qua. Phiên đấu giá đã thu hút số lượng người đăng ký đấu giá cao kỷ lục, đạt trên 4.000 nhà đầu tư với khối lượng đặt mua cao gấp 2,7 lần lượng chào bán, tương đương gần 652 triệu cổ phần. Kết thúc phiên đấu giá, mức giá trúng bình quân lên đến 23.043 tỷ đồng, cao hơn gần 58% giá khởi điểm. Tổng giá trị cổ phiếu Lọc dầu Dung Quất bán được 5.566 tỷ đồng, cao hơn gấp rưỡi con số dự kiến.
Cùng với đó, thị trường cũng chờ đợi việc niêm yết từ nhóm ngân hàng và các công ty đã cổ phần hoá, công ty tư nhân. Diễn biến tích cực trong năm 2017 đã giúp nhiều công ty tư nhân niêm yết thành công phải kể đến VRE, VJC và các ngân hàng như VPB, VIB, LPB, KLB. Trong năm 2018, nhiều DN lớn cũng đang có kế hoạch niêm yết như Techcombank, HDBank, OCB, Thaco, Becamex, VEAM, FPT Retail, Viettel Global…
Theo tính toán của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), nếu lộ trình thoái vốn DNNN đúng tiến độ và song hành với hoạt động niêm yết thì vốn hóa thị trường sẽ tăng thêm từ 15-20 tỷ USD trong năm 2018. Thanh khoản bình quân dự báo đạt 272 triệu USD/phiên, tăng 25% so với giá trị năm 2017. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh về quy mô, và chuyển biến về chất. Chuyển biến này sẽ tiếp tục củng cố cho nhận định Bloomberg trong năm 2017: “Việt Nam không còn là thị trường bên lề nữa”.
Nhà đầu tư cần thận trọng
Dù đang có rất nhiều yếu tố hỗ trợ, song theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, sự trì trệ của hoạt động thoái vốn nhà nước, niêm yết nhà nước cũng có thể trở thành một yếu tố kém thuận lợi cho thị trường. Câu chuyện về “đổi mới DNNN” thực ra đã được đề cập từ năm 2015 và cũng có những dấu ấn nhất định trong năm 2016. Các doanh nghiệp mới niêm yết và thoái vốn nhà nước thực chất cũng tác động lên thị trường năm 2017 nhưng lại bắt nguồn từ các doanh nghiệp tư nhân như VJC, VRE và lẻ tẻ những đợt thoái vốn PLX, VNM, SAB hay danh sách 4 trong số 10 “cổ phiếu SCIC thoái vốn”. Điều này cho thấy kỳ vọng của thị trường vào vấn đề này lớn dần theo thời gian từ giai đoạn giữa năm đến cuối năm 2017.
Nhà đầu tư cũng kỳ vọng 2018 – 2019 sẽ là đỉnh điểm của hoạt động đổi mới DNNN và rất sẵn sàng tham gia đấu giá IPO, tìm cổ phiếu OTC. Do vậy, nếu quá trình lại tiếp tục bị trì trệ thì sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của không chỉ nhà đầu tư trong mà lẫn nhà đầu tư ngoài nước.
Bên cạnh đó, các chuyên gia của BVSC cũng cho rằng nhà đầu tư nên thận trọng với nguồn cung cổ phiếu lớn bơm ra thị trường trong năm 2018. Đứng từ góc độ quản lý danh mục của các quỹ đầu tư, để sẵn sàng nguồn lực tham gia vào các thương vụ IPO, thoái vốn nhà nước, thì ngoài việc cố gắng tăng quy mô hoạt động của quỹ thì ít nhiều họ vẫn phải thực hiện tái cấu trúc danh mục. Hệ quả sẽ có một lượng cổ phiếu rơi xuống top dưới và không còn thuộc diện ưu tiên như trước trong danh mục đầu tư của các quỹ bị bán ra và sụt giảm về giá.
Mặc dù vậy, nếu xét tổng thể toàn thị trường thì những tác động tích cực vẫn sẽ nhiều hơn những tác động tiêu cực vì nhóm cổ phiếu bị rơi xuống tốp dưới này về mặt tương quan sẽ không chiếm tỷ trọng vốn hóa quá lớn và quan trọng hơn, chu kỳ của nền kinh tế và thị trường đang nằm trong giai đoạn tăng trưởng thì xu hướng huy động thêm vốn của các quỹ vẫn sẽ thuận lợi.