Ngày 2/5, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử đối với Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín) và 5 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank).
Ngân hàng Đại Tín tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Cổ phần Rạch Kiến có trụ sở tại tỉnh Long An. Tháng 6/2010, TrustBank được nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng, bà Hứa Thị Phấn nắm 85% cổ phần và giữ chức vụ Cố vấn cấp cao. Đại diện theo pháp luật gồm ông Hoàng Văn Toàn - Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Trần Sơn Nam.
Ông Phạm Công Danh sau đó mua lại Trustbank từ nhóm cổ đông Phú Mỹ do bà Phấn làm đại diện và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, trước khi chuyển giao quyền điều hành ngân hàng cho ông Danh, cuối tháng năm 2012, ông Toàn cùng các thành viên Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đại Tín đã thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty Thịnh Quốc vay 370 tỷ đồng và Công ty Đại Hoàng Phương vay 280 tỷ đồng với lãi suất 15% trong thời hạn 12 tháng.
Tuy nhiên, quá trình xem xét, phê duyệt cấp tín dụng cho hai công ty trên vay vốn, các thành viên Hội đồng tín dụng của Ngân hàng Đại Tín đã không thực hiện đúng các quy định về cho vay. Cụ thể, hồ sơ vay vốn không có báo cáo tài chính của khách hàng, để đánh giá tình hình tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh, do đó không đánh giá chính xác năng lực tài chính của các khách hàng, không đánh giá được rủi ro về tài chính. Song các bị can không yêu cầu bổ sung báo cáo tài chính, báo cáo, tờ khai nộp cho cơ quan thuế, để xem xét trước khi phê duyệt cho vay. Trên thực tế, kết quả điều tra cho thấy các công ty này đều không có hoạt động sản xuất kinh doanh; hồ sơ vay vốn, phương án kinh doanh, hợp đồng mua bán, hợp đồng hứa chuyển nhượng – hứa nhận chuyển nhượng đều được lập khống.
Theo cáo trạng, các bị can là thành viên Hội đồng tín dụng của Ngân hàng Đại Tín phê duyệt cho vay đã bỏ qua cảnh báo rủi ro về tài chính, về tài sản đảm bảo của cán bộ thẩm định, mà chỉ căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của Công ty CP Tư vấn, dịch vụ về tài sản, bất động sản DATC đối với thửa đất số 130, tờ bản đồ số 3, diện tích 5.104 m2 tại lô số 3 khu phức hợp TM và DV cao tầng tại khu vực Sân vận động Chi Lăng, Hải Châu II, Hải Châu, Đà Nẵng.
Cáo trạng xác định việc áp dụng giá của chứng thư này để phê duyệt cho vay là không có căn cứ, vì chứng thư này được tính toán dựa trên chỉ tiêu quy hoạch xây dựng giả định của khu đất, là được quy hoạch xây dựng công trình 60 tầng làm trung tâm thương mại dịch vụ. Chứng thư thẩm định giá đã ghi rõ điều kiện ràng buộc của mức giá trên là theo đúng thông số chỉ tiêu quy hoạch giả định và kết quả này được sử dụng làm cơ sở tham khảo cho mục đích thế chấp vay vốn ngân hàng hoặc góp vốn liên doanh, việc lựa chọn mức giá phụ thuộc các bên liên quan.
Thực tế, dự án tại khu đất sân vận động Chi Lăng chưa giải tỏa xong, chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án, chưa có quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cũng không có bất kỳ hoạt động đầu tư nào, nên giá trị quyền sử dụng xác định tại chứng thư này không thể làm căn cứ phê duyệt cấp tín dụng. Mặc dù, chứng thư đã nêu rõ điều kiện ràng buộc và cán bộ thẩm định đã cảnh báo rủi ro về tài sản đảm bảo, nhưng các bị cáo đã bỏ mặc, vẫn sử dụng chứng thư thẩm định giá này làm căn cứ phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty Thịnh Quốc vay 370 tỷ đồng và Công ty Đại Hoàng Phương vay 280 tỷ đồng là trái pháp luật.
Hành vi vi phạm trong việc phê duyệt cấp tín dụng cho 2 khoản vay trên của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín trên 471 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định, để xảy ra hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín như trên, trách nhiệm chính thuộc về Hoàng Văn Toàn là Chủ tịch Hội đồng tín dụng và Trần Sơn Nam là Phó Chủ tịch Hội đồng tín dụng. Các thành viên còn lại là đồng phạm với vai trò, trách nhiệm như nhau.
Tại phiên tòa ngày 2/5, trong phần xét hỏi, bị cáo Hoàng Văn Toàn cho rằng, theo quy trình, trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và quyết định cho vay đối với hai công ty trên thuộc về chi nhánh Sài Gòn – Ngân hàng Đại Tín. Do số tiền vay vượt hạn mức nên hồ sơ vay phải trình lên Hội đồng tín dụng cấp trên. Theo đó, Hội đồng tín dụng cấp trên chỉ có chức năng phê duyệt hạn mức đối với khoản vay chứ không ký quyết định cho vay. “Với phê duyệt của Hội đồng tín dụng cấp trên, chi nhánh có quyền quyết định cho vay hoặc không cho vay. Theo Luật các tổ chức tín dụng, không đơn vị nào có quyền ép chi nhánh cho vay” – bị cáo Toàn trình bày tại tòa.
Bị cáo Toàn cũng khẳng định, mình và các thành viên Hội đồng tín dụng đã thực hiện đúng theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, theo trình bày của bị cáo Toàn, sau khi hồ sơ vay được giải ngân, HĐQT mới của Ngân hàng Đại Tín (khi đó là Ngân hàng Xây dựng cho Phạm Công Danh tiếp quản) đã có quyết định gia hạn khoản vay từ 28/12/2013 kéo dài thêm đến 28/3/2014. Cùng với đó, lãi suất khoản vay cũng được giảm từ 15% xuống còn 12%. Theo ông Toàn, quyết định này cho thấy khoản vay cũ đã được tất toán. Do đó, việc Ngân hàng không thu hồi được khoản vay này thuộc về trách nhiệm của Phạm Công Danh và dàn lãnh đạo cấp dưới.