Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra thường xuyên, cộng với giá cả lên xuống thất thường làm cho nhiều hộ dân ấp Mỹ Đông, xã Trần Thới, huyện Cái Nước lao đao. Và họ đã tìm được mô hình nuôi ổn định, đó là con sò huyết thương phẩm xen canh với cua, tôm. Nhiều hộ dân đã khá lên từ mô hình này. Cũng chính từ đó, Tổ hợp tác (THT) nuôi sò huyết ấp Mỹ Đông ra đời.
Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra thường xuyên, cộng với giá cả lên xuống thất thường làm cho nhiều hộ dân ấp Mỹ Đông, xã Trần Thới, huyện Cái Nước lao đao. Và họ đã tìm được mô hình nuôi ổn định, đó là con sò huyết thương phẩm xen canh với cua, tôm. Nhiều hộ dân đã khá lên từ mô hình này. Cũng chính từ đó, Tổ hợp tác (THT) nuôi sò huyết ấp Mỹ Đông ra đời.
Ông Đỗ Văn Quân, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, kiêm Tổ phó THT nuôi sò huyết ấp Mỹ Đông, cho biết: "Một lần, tôi phát hiện sò huyết ở dưới sông rất nhiều, tôi bắt lên con lớn thì ăn, con nhỏ thả vào trong vuông nuôi thử. Chỉ sau một thời gian ngắn, sò cho thu hoạch và chất lượng không thua gì sò tự nhiên. Thấy vậy tôi mới tìm mua sò huyết giống về thả nuôi thử, vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm. Về sau thấy hiệu quả, dần dần tôi mở rộng hết diện tích thả nuôi".
Ông Tùng (bìa trái) giới thiệu kinh nghiệm nuôi sò huyết cho các tổ viên.
Ông Quân cho biết, cái lợi của mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm là không cần phải tốn chi phí thức ăn hay xử lý nguồn nước như nuôi các loài thuỷ sản khác. Chỉ cần thả giống, thường xuyên xổ nước ra vào để tăng lượng thức ăn cho sò. Hiện tại, ông có khoảng 2,2 ha đất sản xuất được áp dụng theo mô hình nuôi sò huyết kết hợp với tôm cua. Sau khoảng 9 tháng thả nuôi, sò huyết bắt đầu cho thu hoạch; trọng lượng từ 60-65 con/kg, bán với giá dao động từ 70.000-80.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm ông Quân thu về khoảng 100 triệu đồng từ con sò huyết.
Không riêng ông Quân, hộ anh Nguyễn Văn Nhã, thành viên THT cũng đang rất phấn khởi về mô hình này. Anh Nhã cho biết, gia đình tuy có đất sản xuất nhưng do nhiều năm liền làm ăn thất bại nên đời sống khó khăn, phải đi vay mượn nhiều nơi. Từ khi tham gia vào THT, anh được thành viên trong tổ hướng dẫn cách thức thả nuôi, hỗ trợ vốn để mua con giống. Vụ nuôi đầu tiên, sau khi trừ chi phí, anh còn lãi trên 70 triệu đồng, từ đó anh có tiền để trang trải nợ nần và chăm lo cho gia đình. Hiện tại, anh đang chuẩn bị thả nuôi thêm 500 kg sò giống, với giá cả như hiện nay, theo ước tính anh sẽ thu lãi trên 100 triệu đồng.
"Thấy được hiệu quả của THT, vừa qua Hội Nông dân huyện trích kinh phí từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân cho các thành viên trong tổ vay để đầu tư thả nuôi thêm con giống, theo đó mỗi hộ được vay 15 triệu đồng. Đồng thời, các hội viên trong tổ cũng tổ chức hùn vốn với số tiền gần 30 triệu đồng để khi có hội viên nào cần nguồn vốn thì có thể hỗ trợ ngay. Bên cạnh đó, các thành viên THT cũng hỗ trợ nhau về cách chọn con giống, thời gian thả nuôi cũng như tìm đầu ra ổn định cho con sò huyết", ông Lê Thanh Tùng, Tổ trưởng THT nuôi sò huyết ấp Mỹ Đông, cho biết.
"Không chỉ tích cực tăng gia phát triển kinh tế, các tổ viên của THT còn rất nhiệt tình tham gia vào các phong trào của địa phương như góp tiền xây dựng trụ sở sinh hoạt văn hoá ấp, xây dựng cột cờ kiểu mẫu, trồng cây xanh làm hàng rào, ban sửa lộ đất đen", ông Nguyễn Văn Út, Bí thư Chi bộ ấp Mỹ Đông, cho hay.
Hiệu quả từ mô hình THT nuôi sò huyết ấp Mỹ Đông cần được nhân rộng. Đây có thể xem là điển hình của mô hình kinh tế hợp tác, nhất là trong tình hình nhiều THT trên địa bàn huyện làm ăn thua lỗ và có nguy cơ giải thể như hiện nay./.