Trong nhóm giải pháp trọng tâm chống thất thu NSNN năm 2015, ngành Tài chính sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế, phấn đấu đạt mức tối thiểu 14,65% trên số DN đang hoạt động thuộc địa bàn quản lý thuế (kế hoạch thanh tra đạt tối thiểu 1,65%, nhiệm vụ kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đạt tối thiểu 13%), thanh tra, kiểm tra 100% hồ sơ hoàn thuế của DN có số hoàn thuế lớn. Truy thu vào NSNN đảm bảo đạt ít nhất 80% số kết luận truy thu và phạt qua thanh tra, kiểm tra.
Ngành Thuế, Hải quan nỗ lực chống thất thu NSNN
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành nhiều văn bản tổ chức triển khai thực hiện và chỉ đạo cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan các cấp thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp chống thất thu NSNN, kiểm soát chặt tình trạng chuyển giá làm thất thu NSNN.
Ngành Hải quan đã đẩy mạnh công tác chống thất thu NSNN, tổ chức rà soát toàn bộ nguồn thu, phát hiện kịp thời các địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng, loại hình kinh doanh có khả năng thu lớn để kịp thời đề xuất, tham mưu các cấp trong chỉ đạo điều hành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Kết quả, năm 2013 tổng số nợ thuế chuyên thu thu hồi được của những tờ khai đăng ký trước 31-12-2012 là 1.863 tỷ đồng; thực hiện kiểm tra 2.431 cuộc kiểm tra sau thông quan, ra quyết định ấn định và truy thu đạt 1.643,7 tỷ đồng. Đã thu nộp ngân sách 1.407 tỷ đồng. Năm 2014 thu hồi và xử lý nợ thuế là 2.054,13 tỷ đồng; thực hiện kiểm tra sau thông quan 3.412 cuộc, quyết định truy thu 1.091 tỷ đồng, đã thực thu vào NSNN 1.096 tỷ đồng (bao gồm cả thu nợ từ những năm trước chuyển sang)…
Trong lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt cơ quan Thuế các cấp đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo theo phương pháp phân tích rủi ro, tập trung thanh tra, kiểm tra vào các DN có nhiều rủi ro cao về thuế, các lĩnh vực còn nhiều dư địa thu và các DN có dấu hiệu chuyển giá. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tình hình hoàn thuế GTGT, chống các hành vi gian lận về thuế. Hàng năm Bộ Tài chính đều giao chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra tại DN; chỉ tiêu thu hồi nợ đọng thuế cho cơ quan thuế các cấp…
Nếu như trong năm 2012, ngành Thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 59.419 DN, xử lý truy thu, phạt và truy hoàn số tiền là 12.121,2 tỷ đồng; thì năm 2013 đã thanh tra, kiểm tra đối với 64.119 DN; xử lý truy thu, phạt và truy hoàn số tiền là 13.657,08 tỷ đồng. Trong đó, năm 2013 đã thanh tra, kiểm tra đối với 2.110 DN có giao dịch liên kết, liên tục khai lỗ nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, kiến nghị xử lý truy thu, phạt, truy hoàn 988,1 tỷ đồng; giảm lỗ 4.192,86 tỷ đồng; giảm khấu trừ 136,95 tỷ đồng.
Năm 2014 thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 67.053 DN; với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 12.224,85 tỷ đồng trong đó truy thu là 8.022,76 tỷ đồng, truy hoàn 379,78 tỷ đồng, xử phạt là 2.920,86 tỷ đồng. Trong đó đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 3.661 DN lỗ, DN có dấu hiệu chuyển giá và DN có hoạt động giao dịch liên kết, giảm lỗ 7.503,8 tỷ; truy thu, truy hoàn và phạt 2.045,38 tỷ đồng. Công tác thu hồi nợ đọng thuế tính đến thời điểm 31-12-2014, cơ quan Thuế các cấp đã thu được 52% tổng số nợ thuế của năm 2013 chuyển sang năm 2014.
Trong phiên thảo luận tại Quốc hội vừa qua về Quyết toán NSNN năm 2013, nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao nỗ lực của cơ quan Thuế, Hải quan nói riêng và của ngành Tài chính nói chung trong công tác thu ngân sách, đảm bảo thu đạt dự toán trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.
Tăng cường kiểm tra khi giao quyền chủ động cho DN
Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội của Quốc hội trong tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện luật Quản lý thuế, từ ngày 1-7-2007 nâng cao quyền chủ động của tổ chức cá nhân trong vấn đề tự khai, tự tính, tự nộp thuế vào NSNN và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan Thuế có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát thông tin kê khai của DN để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách theo quy định của pháp luật và làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu, xử lý nợ đọng, nhằm đảm bảo sự công bằng cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước.
Nhắc đến tình hình gian lận hoàn thuế GTGT trong năm 2013, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã tập trung phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương tập trung trọng điểm thanh tra 2 khu vực Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Ngay sau đó, Bộ đã kiến nghị với Chính phủ ra Nghị định số 209/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế GTGT. Theo đó, không hoàn thuế GTGT các sản phẩm nông, lâm nghiệp. Vừa qua, các địa phương bị hụt thu về chính sách này được xử lý cấp bù. “Nhưng điều quan trọng là qua thanh tra, kiểm tra phát hiện ra rất nhiều trường hợp lợi dụng chính sách thông thoáng để gian lận”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Cũng theo người đứng đầu ngành Tài chính, một trong những nguyên nhân hoàn thành dự toán ngân sách năm 2013 đó là công tác phòng, chống gian lận thuế được thực hiện hiệu quả. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Tinh thần là chúng tôi đang triển khai rất quyết liệt và kết hợp với minh bạch hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đồng thời bên cạnh việc DN tự khai, tự nộp thì ngành Tài chính phải tăng cường thanh tra, kiểm tra”.
Theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới sẽ xây dựng các biện pháp thanh tra, kiểm tra mới để phù hợp với cải cách thủ tục hành chính như: Thanh tra, kiểm tra thông qua hệ thống tiêu chí rủi ro phù hợp; thông qua hệ thống tài khoản giao dịch, vòng luân chuyển dòng tiền… để phát hiện và xử lý kịp thời hành vi gian lận, trốn thuế. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các DN có nhiều rủi ro cao về thuế, các DN có dấu hiệu chuyển giá, thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực còn nhiều dư địa về thuế.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, xây dựng chính sách chế độ về thuế, các chế tài xử lý vi phạm về thuế qua công tác thanh tra, kiểm tra nhằm củng cố vai trò răn đe, các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và tội phạm nảy sinh trong việc thực hiện pháp luật thuế của người nộp thuế. Bên cạnh đó, sẽ sửa đổi, bổ sung Thông tư số 66/2010/TT-BTC về hướng dẫn xác định giá thị trường đối với sản phẩm chuyển giao trong giao dịch liên kết theo hướng xác định rõ, cụ thể các dấu hiệu của việc chuyển giá; nội dung, phương pháp thực hiện thanh tra chống chuyển giá; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp ngăn chặn kịp thời các hành vi trốn thuế, gian lận thuế và chiếm đoạt tiền thuế của ngân sách Nhà nước, thu hồi nợ đọng thuế.
Về phía các cơ quan Thuế, Hải quan sẽ giải quyết dứt điểm các vướng mắc thuộc thẩm quyền, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động XNK của DN không gây phiền hà sách nhiễu tiêu cực; Tổ chức đối thoại thường xuyên với người nộp thuế và nhân rộng mô hình tổ chức các “Tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế”…
Thu đúng, thu đủ vào ngân sách Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, và thực hiện có hiệu quả việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương, những năm qua kết quả thu NSNN đều đạt và vượt so với dự toán. Kết quả thu NSNN cả nước năm 2014 ước đạt 863,52 nghìn tỷ đồng, tăng 80,82 nghìn tỷ đồng (10,3%) so dự toán Quốc hội quyết định (dự toán 782,7 nghìn tỷ đồng), trong đó hầu hết các địa phương đều đạt và vượt dự toán được giao, đảm bảo nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán và xử lý các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh về quốc phòng, an ninh, đảm bảo an sinh xã hội. Kết quả thực hiện nhiệm vụ thu 4 tháng đầu năm 2015 đạt 314,1nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán, tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2014, trong đó: Thu nội địa đạt 238,7 nghìn tỷ đồng, bằng 37,4% dự toán, tăng 17% so cùng kỳ năm 2014 (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 14,5%); các khoản thu trực tiếp từ sản xuất - kinh doanh tiến độ thu tương đối đồng đều và khả quan, phản ánh sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế. |