Đây là hai giáo viên đã vinh dự đạt danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng mới đây.
Chăm bồi kỹ năng,ữngnhgioyunghềsngtạmeo cuoc giáo dục học sinh toàn diện
Cô Trần Thị Tuyết Phượng, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A1, Trường Tiểu học thị trấn Cái Tắc, chia sẻ: “Dạy học sinh tiểu học quan trọng là mình có phương pháp phù hợp để khích lệ, tạo động cơ học tập sôi nổi của mỗi em. Học sinh có hào hứng, thích học, có kỹ năng thì mới học tốt được”. Xác định học tốt bậc tiểu học sẽ là nền tảng vững chắc cho các cấp học tiếp theo, cô Phượng đã tăng cường rèn luyện kỹ năng học tập cho học sinh ngay từ những ngày đầu về trường giảng dạy.
Với sự nhiệt huyết và chuyên môn giỏi, thời gian qua cô Phượng đã vinh dự mang về nhiều giải thưởng cho nhà trường. (Ảnh: Cô đạt giải nhất Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2020-2021).
Hào hứng với trò chơi giải mã ô chữ thú vị, trước khi vào giờ học toán với bài “Viết các số đo diện tích dưới dạng số thập phân”, em Lê Hoàng Thịnh, học sinh lớp 5A1, thổ lộ: “Cô biết em rất thích môn toán nên đã hỗ trợ em phát huy năng khiếu này. Em đang tham gia cuộc thi giải toán qua mạng. Em thấy vui, tự tin trong mỗi giờ học khi cô quan tâm và tạo động lực cho em”.
Với cách dạy học nhẹ nhàng, không áp lực, suốt 10 năm học qua, cô Phượng đã khai thác rất hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các giờ học phù hợp. Nhờ đó, khi chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến đã không làm cô gặp khó khăn. Giờ học của cô thường bắt đầu bằng các trò chơi khởi động hoặc có khi là bằng một bài hát, vài câu đố vui kiểm tra kiến thức của học sinh... nhờ đó, học sinh chủ động tiếp thu bài hiệu quả. Cô Phượng bộc bạch: “Trẻ nhỏ mỗi em mỗi tính cách, mỗi sở thích và niềm đam mê theo từng môn học riêng nên tùy em mà mình có cách hỗ trợ phù hợp. Tuy sẽ mất nhiều thời gian và tâm huyết nhưng tôi vui khi thấy học sinh nhờ sự hỗ trợ kịp thời của mình mà chăm ngoan, học giỏi, phát huy tốt sở trường”.
Năm học 2019-2020, quan sát thấy học sinh mê các trò chơi điện tử khá nhiều, cô Phượng đã đề xuất với nhà trường thực hiện Giải pháp “Một số biện pháp giúp học sinh lớp 5 giảm nghiện game online thông qua các hoạt động trải nghiệm tại Trường Tiểu học thị trấn Cái Tắc”. Thực hiện giải pháp này, ngoài tiến hành khảo sát và phân chia mức độ nghiện game của học sinh ra làm 3 nhóm: nhóm không có dấu hiệu nghiện game, nhóm có dấu hiệu nghiện game và nhóm nghiện game. Cô cũng thành lập Câu lạc bộ: “Sáng tạo 3R” (3R trong tiếng Anh là Reduce-Reuse-Recycle (giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế). Phối hợp với Hội đồng đội trường tổ chức cho học sinh tham quan các khu di tích lịch sử, làng nghề truyền thống…, khơi gợi sáng tạo thông qua các đồ vật tái sử dụng, vật liệu phế thải tạo thành dụng cụ, đồ dùng học tập bổ ích… Nhờ đó, tình trạng nghiện game của học sinh trường giảm đáng kể. Đây cũng là ý tưởng để cô viết giải pháp thực tế trong quá trình giảng dạy và xuất sắc đạt giải nhất tham dự Hội thi “Giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học” cấp tỉnh năm học 2020-2021.
Bà Trần Thị Chính, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Tôi rất vui khi trường có giáo viên trẻ năng động, đa tài, nhiệt tình, yêu nghề như cô Phượng. Cô không chỉ là một giáo viên giỏi mà còn là một tuyên truyền viên giới thiệu sách xuất sắc, sáng tạo đồ dùng dạy học, giáo viên rèn chữ đẹp, bồi dưỡng học sinh thi kỹ năng tham gia giao thông an toàn... Hội thi nào cử cô tham gia trường đều đạt thứ hạng cao. Nhiều mô hình, giải pháp, cách làm hay được cô đề xuất và áp dụng hiệu quả tại trường”.
10 năm gắn bó với nghề, cô Phượng vinh dự nhận 2 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, 8 năm liên tục đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, 5 lần đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở...
Vì học trò nên chủ động đổi mới, sáng tạo
Nhanh tay giải đáp các thắc mắc của học sinh trong Hộp thư ý kiến giờ học online, thầy Nguyễn Minh Tường, giáo viên dạy vật lý, Trường THCS Võ Thị Sáu, bộc bạch: “Học sinh vùng nông thôn nên các em thiệt thòi hơn thành phố, rất ít cơ hội trải nghiệm học tập, nghiên cứu phần mềm, lập trình, nghiên cứu khoa học… tôi đã mày mò học hỏi và sáng tạo các phần mềm học tập, tập tành nghiên cứu khoa học, để viết ra các phần mềm hỗ trợ các em học tập hiệu quả”.
Thầy Tường tương tác với học sinh trong giờ học trực tuyến.
Từ niềm khát vọng mang đến nguồn tri thức công nghệ 4.0 cho học sinh, thầy Tường đã chủ động học tập từng chút một. Từ một giáo viên trẻ mới về trường công tác năm 2008, không biết nhiều về lập trình, sau 13 năm phấn đấu thầy đã viết thành công nhiều phần mềm hiệu quả.
Trong đó, dấu ấn đầu tiên đặt nền móng cho sự sáng tạo là: bài giảng “Kênh xáng Xà No”. Bài giảng đã góp phần quảng bá hiệu quả, giúp học sinh trong cả nước biết đến vùng đất Hậu Giang, hiểu hơn lịch sử hình thành, phát triển kênh xáng Xà No. Thầy xuất sắc đạt giải ba cấp Quốc gia về thiết kế bài giảng E-learning, chủ đề “Dư địa chí Việt Nam” năm học 2014-2015. Sau đó là phần mềm “Phòng thí nghiệm vật lý ảo trực tuyến” thực hiện năm học 2018-2019. Với phần mềm này, tất cả thí nghiệm vật lý ảo đều được thực hiện để học sinh có thể chủ động học tập mọi lúc mọi nơi. Giúp nâng cao khả năng tự học, giảm bớt tình trạng học sinh phải đi học thêm và hưởng ứng phong trào học tập trực tuyến hiện nay.
Điều đáng quý ở thầy Tường là sự gần gũi, nhiệt tình, cách truyền đạt cuốn hút, dễ tiếp thu. Chính việc giảng dạy lý thuyết gắn liền với ứng dụng kiến thức thực tế đã giúp tiết học hấp dẫn, thoải mái, kích thích sự khám phá, sáng tạo trong học tập. Ông Lê Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu, cho biết: “Với sự đam mê cùng bầu nhiệt huyết nghiên cứu khoa học, thầy Tường đã góp phần mang nhiều giải thưởng vinh dự về cho nhà trường bằng chính những dự án nghiên cứu khoa học chất lượng, mang tính ứng dụng cao trong học tập và cuộc sống. Thầy đã khơi gợi, tạo động lực đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh trường”.
Từ năm 2008 đến nay, đội tuyển học sinh giỏi do thầy hướng dẫn đều đạt giải học sinh giỏi, hội thi tin học trẻ cấp tỉnh và quốc gia. Trong đó, 3 năm liên tục 2012-2015 đạt 3 giải cấp quốc gia. Năm học 2018-2019, dưới sự hướng dẫn của thầy nhóm học sinh của trường đã xuất sắc đạt giải nhất Hội thi tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXV năm 2019 với sản phẩm “Hệ thống hỗ trợ ao nuôi thủy sản thông minh”, đã giúp Hậu Giang vinh dự đứng thứ nhì toàn quốc; năm học 2019-2020 giải nhì cấp quốc gia... Năm học 2020-2021, thầy được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận là điển hình tiên tiến ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, và mới đây là danh hiệu nhà giáo tiêu biểu toàn quốc.
Thầy Tường chia sẻ: “Học sinh giờ rất thông minh và nhạy bén với công nghệ. Vì thế mình phải chủ động học hỏi từng ngày để không bị lạc hậu. Sẽ rất khó xử lý tình huống nếu học sinh hỏi mà thầy giáo không trả lời được. Vì thế tôi luôn học và học mỗi ngày để sẵn sàng hỗ trợ học sinh, phát huy tối đa óc sáng tạo cho các em”.
Vinh dự là 2 trong số 191 nhà giáo tiêu biểu năm 2021 được Bộ Giáo dục và Đào tạo bình chọn từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, các trường đại học, cao đẳng, sư phạm trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thầy Tường, cô Phượng đã thêm một lần nữa khẳng định chất lượng đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà, luôn tận tâm, tận tình, yêu nghề, trách nhiệm và hết lòng sáng tạo vì học sinh thân yêu. |
Bài, ảnh: CAO OANH