Tham dự chương trình, về phía lãnh đạo Đảng, Nhà nước có Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, lãnh đạo, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương. Về phía khách quốc tế có bà Miki Nozawa, Quyền Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam; ông Kawai Takanori, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Gifu, Nhật Bản; ông Kim Sung Hag, Phó Thị trưởng thành phố Gyeongju, Hàn Quốc. Về phía lãnh đạo tỉnh có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương. Biểu tượng nổi bật của bảo tồn di sản Cách đây 30 năm (ngày 11/12/1993), Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã công nhận Quần thể di tích Cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới; 10 năm sau (ngày 7/11/2003), Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam tiếp tục được vinh danh là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Lịch sử vùng đất Cố đô Huế đã tạo ra những di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu, song do sự tàn phá của chiến tranh, thiên tai và thời gian đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Năm 1981, sau khi nghiên cứu và khảo sát Quần thể di sản Huế, Ngài M’Bow - Tổng giám đốc UNESCO lúc bấy giờ đã ra lời kêu gọi cứu vãn di sản văn hóa Huế, với thông điệp: “Di sản Huế đang ở trong tình trạng lâm nguy, đang đứng bên vực thẳm của sự diệt vong và sự quên lãng” và chỉ có “một sự cứu nguy khẩn cấp” với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế thì mới có thể giúp Cố đô Huế thoát ra khỏi tình trạng trên. Nhìn lại hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho hay, từ quan điểm chỉ đạo của Trung ương về văn hóa và sau lời kêu gọi của Tổng Giám đốc UNESCO, là khoảng thời gian chứng kiến sự chuyển biến tích cực trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản Huế. Đã có hàng trăm công trình di tích được phục hồi, trùng tu tôn tạo, trong đó có nhiều công trình có giá trị tiêu biểu. Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn một cách bài bản và phát huy hiệu quả. Bộ mặt di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt, giúp Thừa Thiên Huế bước ra khỏi sự lãng quên để trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước có 2 di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO vinh danh. Trong thông điệp chúc mừng gửi đến lễ kỷ niệm, ông Lazare Eloundou Assomo - Tổng giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO nhấn mạnh, kể từ khi Huế được công nhận là di sản thế giới cách đây 30 năm, thế giới đã vô cùng ấn tượng với hành trình của Huế, nơi minh chứng không chỉ thành tựu quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển di sản thế giới, mà còn là biểu tượng cho sự tái sinh của Việt Nam bước ra từ gian khổ và những tàn phá sau hàng thập kỷ chiến tranh. Cố đô Huế đã chuyển mình từ một kho báu di sản bị tàn phá trở thành một biểu tượng nổi bật của bảo tồn di sản và hợp tác quốc tế.
Quần thể Di tích Cố đô Huế đã hoàn toàn biến chuyển từ trạng thái cần được bảo tồn khẩn cấp của ba thập kỷ trước trở nên bền vững như ngày hôm nay. Để đạt được sự hài hoà giữa bảo tồn và phát triển bền vững không phải là một điều dễ dàng, nhưng trong 30 năm qua, sự nỗ lực của những chuyên gia và người dân nơi đây đã tạo nên một điểm đến di tích độc đáo. Kênh ngoại giao văn hóa đặc sắc Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn chưa được khắc phục, còn đó không ít các công trình tiêu biểu chưa được phục hồi, các tiềm năng, thế mạnh của di tích Huế chưa được phát huy hiệu quả. Các giá trị văn hoá phi vật thể tuy được ưu tiên đầu tư nhưng kết quả đạt được còn hạn chế so với yêu cầu. Việc giải quyết bài toán giữa "bảo tồn và phát triển" là một thách thức không nhỏ đối với tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương, các địa phương, các tổ chức quốc tế cùng bạn bè gần xa để đưa công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế lên tầm cao mới. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, với việc Quần thể Di tích Cố đô Huế - di sản văn hoá đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới và 10 năm sau đó là Nhã nhạc đã mở đường đưa những di sản văn hóa Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới. Đặc biệt, di sản Huế còn là một kênh ngoại giao văn hóa đặc sắc, là nhịp cầu nối hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy các mối quan hệ bang giao, hợp tác hữu nghị, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Di sản Huế là địa điểm thường xuyên đón tiếp các nhà lãnh đạo, các nguyên thủ quốc gia, các đối tác trong và ngoài nước mỗi khi đến Huế và Việt Nam, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương đề nghị, kế thừa và tiếp nối những thành quả to lớn và đáng tự hào đó, chúng ta cần tiếp tục cao nhận thức về vị trí, vai trò của giá trị văn hóa, sức mạnh con người trong phát triển Thừa Thiên Huế. Quán triệt Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị để hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, phát triển văn hóa và con người Huế nói riêng, đẩy mạnh sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Cố đô Huế; bám sát nguyên tắc xử lý hài hoà mối quan hệ giữa gìn giữ, bảo tồn và phát huy, phát triển; khai thác, phát huy để tạo ra những giá trị kinh tế của di sản văn hoá phải luôn đi đôi với bảo tồn, tôn tạo để phát triển bền vững... Ghi nhận về những thành quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế danh hiệu đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua. Sau lễ kỷ niệm là nghi thức 21 phát thần công chào mừng sự kiện cùng chương trình nghệ thuật với chủ đề “Di sản Cố đô, trao truyền và hội tụ”. Chương trình giới thiệu đặc trưng nghệ thuật diễn xướng cung đình với nhạc hợp tấu và hoạt cảnh xây dựng kinh đô, múa Phụng vũ, Lục triệt hoa mã đăng, tiểu nhạc Long ngâm và múa rồng. Chương trình cũng thể hiện sự hội tụ sắc màu Festival với các tiết mục trình diễn dân ca quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử Nam Bộ, cồng chiêng Tây Nguyên, múa truyền thống của Hàn Quốc… Một số hình ảnh tại chương trình nghệ thuật “Di sản Cố đô, trao truyền và hội tụ”:
|