Dư luận châu Âu đã có những đánh giá,ếtkinhtếvớimộtkhuvựcnăngđộngởĐket qua balan nhận định tích cực về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Trên trang web chính thức của Liên minh châu Âu (Europa) đã đăng tải bài viết, trong đó nhấn mạnh: “Xuất khẩu của Liên minh châu Âu sang Việt Nam sẽ chịu mức thuế thấp hơn bắt đầu từ ngày 1-8”. Theo bài viết, đây là tác động tức thì mà Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam mang lại ngay khi chính thức có hiệu lực và hướng tới loại bỏ thuế quan đối với 99% hàng hóa giao dịch giữa hai bên trong vòng 10 năm tới. Kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn đối với các công ty châu Âu khi họ được hưởng cơ hội ngang bằng với các đối thủ địa phương. Các hãng truyền thông lớn của châu Âu, trong đó có AFP hay Le Figaro thì dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh, hiện nay, nền kinh tế châu Âu cần mọi cơ hội để khôi phục sức mạnh sau cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo nhà lãnh đạo này, các hiệp định thương mại, chẳng hạn như hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực với Việt Nam, mang đến cho các công ty tại Liên minh châu Âu cơ hội tiếp cận các thị trường mới nổi và tạo công ăn việc làm cho người châu Âu. Bà tin tưởng mạnh mẽ, đây sẽ là cơ hội để người dân Việt Nam được hưởng một nền kinh tế thịnh vượng hơn, được tham gia vào một sự thay đổi tích cực và có được nhiều quyền lợi hơn với tư cách là một người lao động cũng như công dân. Ủy viên Thương mại Phil Hogan đánh giá, Việt Nam hiện là một trong 77 quốc gia có giao thương với Liên minh châu Âu theo các điều kiện ưu đãi song phương. Thỏa thuận tăng cường liên kết kinh tế của Liên minh châu Âu với khu vực năng động ở Đông Nam Á và đặc biệt góp phần thúc đẩy sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng do Covid-19. Ủy viên châu Âu Phil Hogan cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam cải thiện quan hệ lao động cũng như các vấn đề về lao động, đồng thời tin tưởng, Việt Nam sẽ tiếp tục những cải cách cần thiết trong thời gian tới nhằm đáp ứng với các yêu cầu mới ngày càng khắt khe của thị trường. Trên website chính thức của mình, cơ quan thuế của Pháp (douane.gouv.fr) đăng tải bài viết đánh giá những cơ hội mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu mang lại đối với các doanh nghiệp Pháp. Theo bài viết, đây là thỏa thuận tham vọng nhất mà Liên minh châu Âu ký từ trước tới nay với một nước đang phát triển, hướng tới xóa bỏ hoàn toàn thuế quan giữa hai nước. Đối với Liên minh châu Âu, thỏa thuận là một bước đi quan trọng hướng tới với việc đảm bảo và củng cố mối quan hệ đối tác thương mại và đầu tư với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây là thỏa thuận thứ 2 được ký kết với một quốc gia ASEAN sau khi thỏa thuận Liên minh châu Âu - Singapore có hiệu lực vào ngày 21-11-2019. Ngoài những ưu đãi về tiếp cận thị trường, nhiều triển vọng phát triển của xã hội Việt Nam có thể góp phần mở rộng “đầu ra” đối với các sản phẩm của châu Âu và Pháp như sự nổi lên của một tầng lớp trung lưu mới, sự già hóa dân số đi kèm với các nhu cầu về cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế, cũng như nhu cầu cao về cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, môi trường và logistic. Trang mạng Cổng công nghệ (porttechnology) của thành phố Hamburg Đức thì đăng tải bài viết nhan đề: “Hamburg hoan nghênh thỏa thuận thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu”. Theo bài viết, các vấn đề liên quan đến Covid-19 tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến thương mại giữa Đức và Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, giao thương giữa cảng Hamburg và Việt Nam, vốn đã tăng lên trong những năm gần đây, dự báo sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ thỏa thuận. Được ký cuối tháng 6-2019 tại Hà Nội, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam là một văn kiện có ý nghĩa, giúp bảo đảm an toàn nguồn vốn cho các nhà đầu tư. Hiệp định có những điểm mới so với những hiệp định truyền thống mà Việt Nam đã ký. Đó là những tiêu chí rõ ràng trong đầu tư nước ngoài, bổ sung những quy định nhằm miễn trừ cho nhà nước đối với một số vấn đề có ảnh hưởng tới phát triển bền vững như môi trường. Theo VOV.VN |