Các nhà cung cấp năng lượng trong khu vực sẽ tăng công suất tiếp nhận LNG hàng năm từ 25 triệu tấn lên 50 triệu tấn trong vòng 5 năm tới. Con số mở rộng tương đương với khoảng 20% lượng LNG đã được vận chuyển trên toàn thế giới trong năm 2015.
"Ông lớn" dầu khí thuộc sở hữu nhà nước Thái Lan PTT sẽ tăng gấp đôi công suất tại một trạm nhập khẩu ở Map Ta Phut, trên vịnh Thái Lan, lên 10 triệu tấn đến tháng 3/2017. Các bến cảng mới cho các tàu vận tải đã được xây dựng thêm và hai bể chứa khổng lồ đã gần hoàn thiện, đưa quá trình mở rộng đi đúng lộ trình để bắt đầu hoạt động như dự kiến.
Thái Lan dựa vào nguồn khí tự nhiên để sản xuất tới 60% sản lượng điện. Phần lớn nhiên liệu được sản xuất trong nước. Quốc gia này hiện đang hướng đến tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo khi trữ lượng khí đốt trong nước giảm mạnh và nhu cầu tiêu thụ điện tăng. Nhưng nhiên liệu vẫn sẽ chiếm 40% hoặc hơn trong sản xuất năng lượng, có nghĩa là sẽ cần một lượng LNG nhập khẩu lớn hơn trong thời gian tới. PTT sẽ sớm ký hợp đồng cung cấp 15 năm với các chi nhánh của Royal Dutch Shell và BP để đáp ứng nhu cầu gia tăng.
Một bồn chứa LNG đang được xây dựng ở Trạm tiếp nhận của PTT ở Map Ta Phut, Thái Lan. Ảnh nguồn: ANR. |
Indonesia cũng có thể bắt đầu nhập khẩu LNG vào năm 2019 nếu không có các mỏ dầu mới được khai thác, một quan chức thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên Indonesia cho biết. Dầu thô và khí đốt trong nước đang nhanh chóng trở nên không đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Đất nước này có thể trở thành nước nhập khẩu ròng LNG vào năm 2030, các quan chức dự báo.
Tập đoàn năng lượng nhà nước Pertamina của nước này đang bổ sung thêm hai trạm nhập khẩu LNG vào mạng lưới, trong đó một trạm được xây dựng ở Central Java, một tỉnh nằm trên đảo Java. Hoàn tất kế hoạch này sẽ đưa tổng năng lực nhập khẩu hàng năm của hãng lên hơn 14 tỷ tấn.
Trong khi đó, PetroVietnam Gas đang xây dựng trạm LNG đầu tiên của Việt Nam ở cảng phía nam Thị Vải, Bà Rịa – Vũng Tàu có giá trị 286 triệu USD.
Singapore đã nỗ lực củng cố năng lực tiếp nhận ở trạm trên Đảo Jurong thêm 80% lên 11 triệu tấn đến năm 2017. Những công trình đang được bổ sung có thể đưa sản lượng này lên 15 triệu tấn trong tương lai. Thành phố trực thuộc trung ương này đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm giao dịch khí gas tự nhiên của khu vực, với sàn giao dịch Singapore đã giới thiệu sản phẩm giao dịch phái sinh LNG vào tháng Một năm nay. Giá sản phẩm này sẽ phản ánh tình trạng thị trường LNG của cả châu Á, theo ông S Iswaran, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp của Singapore.
Đầu tư toàn cầu trong phát triển LNG đã trải qua một thời gian tạm lắng, một phần bởi sự chững lại trong nhu cầu của Trung Quốc. Nhưng nhu cầu dự kiến sẽ tăng trở lại trong dài hạn, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á. Thái Lan, Singapore và Malaysia đã nhập khẩu khoảng 5,8 triệu tấn LNG trong năm 2015, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Oxford về năng lượng, chiếm 2% tổng số giao dịch trên toàn cầu.
Trong năm 2021, các quốc gia này, cùng với Việt Nam, sẽ nhập khẩu khoảng 20 triệu tấn nhiên liệu. Tổng số này được dự báo tăng lên khoảng 45 triệu đến 65 triệu tấn vào năm 2030, khi Indonesia gia nhập nhóm.
Trong một kịch bản dự báo, Nhật Bản sẽ duy trị vị trí quốc gia nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới trong năm 2030 vào khoảng 74 triệu tấn. Trung Quốc, với 66 triệu tấn, đứng kế trong danh sách. Các công ty Đông Nam Á có thể đàm phán với Nhật Bản để trở thành quốc gia trung gian truyền dẫn nguồn khí đốt từ các quốc gia sản xuất, chẳng hạn như ở khu vực Trung Đông./.
Ngọc Trang (theo Asia Nikkei Review)