游客发表
Hội chẩn trực tuyến tại điểm cầu Trung tâm Y tế Phú Vang |
Giảm tải tuyến trên, nâng trình độ tuyến dưới
Ông Tr.T., 67 tuổi ở Phú Diên (Phú Vang) bị đái tháo đường, huyết áp tăng. Qua thăm khám, bệnh nhân mắt nhìn mờ, sụt cân nhiều, cơ thể nhức mỏi. Ông A. có tiền sử bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường (ĐTĐ) phải điều trị hai năm qua. BS. Lê Văn Vũ, Trưởng trạm Y tế xã Phú Diên thông báo, xin kết nối hội chẩn với Trung tâm Y tế (TTYT) Phú Vang bằng phần mềm BSCMN nhằm nghe ý kiến tư vấn điều trị.
Cuộc hội chẩn trực tuyến từ “trung tâm chỉ huy” với 5 trạm y tế: Phú Diên, Phú Hồ, Vinh An, Vinh Hà, Vinh Thanh được tổ chức ngay sau đó tại Khoa Cấp cứu, TTYT Phú Vang. Ê kíp trực Tư vấn, khám, chữa bệnh (KCB) từ xa gồm các bác sĩ chuyên khoa và cán bộ công nghệ thông tin. Qua hệ thống, ThS.BSCKII. Phạm Hữu Tài, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc nhận định: “Các triệu chứng ĐTĐ biểu hiện rõ ràng. Với tình trạng đường máu ở mức 9,5 mmol/l liên tục chưa khống chế được, nên tăng liều điều trị bậc thang và sau hai tuần theo dõi, đánh giá lại”. Một số ý kiến khác cho rằng, khi BN nhìn mờ, phải nghĩ đến biến chứng ĐTĐ, tốt nhất nên cho khám thêm về chuyên khoa mắt, kiểm tra thêm chức năng gan, thận, tim… Đồng thời, theo dõi cân nặng; tư vấn chế độ ăn cho bệnh nhân nhằm duy trì chuẩn hóa tinh bột.
Kết nối hội chẩn KCB từ xa đã trở nên quen thuộc với các trạm y tế tuyến xã. BS. Lê Văn Vũ, Trưởng trạm Y tế xã Phú Diên thông tin: “Trạm được hỗ trợ máy móc, trang, thiết bị luôn sẵn sàng vận hành. Khi có các ca bệnh nghi ngờ, anh chị em kích hoạt phần mềm, nhờ các tổ chuyên môn ở TTYT huyện hỗ trợ. Phú Diên là địa bàn thường xảy ra các tai nạn, sự cố mùa mưa bão. Các trường hợp cấp cứu, xử lý tại cộng đồng được chúng tôi khuyến khích đưa về trạm y tế và xin tư vấn tuyến trên qua phần mềm hữu ích này”.
Tại TTTY Phú Vang, Phòng tư vấn KCB từ xa cho tuyến y tế cơ sở sử dụng phần mềm BSCMN được đặt tại Khoa Cấp cứu. Khoa này bác sĩ trực có mặt 100% trong tuần, thuận lợi cho việc hỗ trợ, tư vấn, xử lý bệnh nhân cấp cứu, tư vấn cho tuyến dưới. Hiện, có hơn 12.000 tài khoản được tạo cho người dân, hơn 500 cuộc gọi đi - gọi đến tư vấn, KCB từ xa, họp giao ban định kỳ, sinh hoạt chuyên môn giữa TTYT huyện với các trạm y tế… ThS.BSCKII. Phạm Hữu Tài, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc chia sẻ: “Việc kết nối giữa trung tâm với các trạm y tế giúp chuyển giao kiến thức bổ sung trong công tác chuyên môn, phục vụ KCB tốt hơn, giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên”.
Đánh giá quá trình triển khai, BSCKI. Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc TTYT Phú Vang cho biết: “Đơn vị triển khai KCB từ xa hàng tuần, thường xuyên và cả đột xuất khi cơ sở cần. Đặc biệt là trong đợt thiên tai mưa lũ vừa qua, phần mềm BSCMN hỗ trợ tích cực cho tuyến dưới xử lý các ca cấp cứu tại chỗ nhanh chóng, hiệu quả, tỷ lệ bệnh nhân hài lòng cao”.
Dân hưởng lợi, ngành đẩy mạnh chuyển đổi số
BSCMN là sáng kiến KCB từ xa được Bộ Y tế phối hợp Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khởi động tại Thừa Thiên Huế cuối năm 2022. Dự án đã trao tặng một máy chủ và 30 máy tính đặt ở các trạm y tế tại 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Mục tiêu chính của sáng kiến này hướng đến người bệnh vùng sâu, vùng xa, giúp người bệnh được thăm khám nhanh chóng, hiệu quả, giảm nguy cơ lây chéo dịch bệnh trong cộng đồng.
Là một địa bàn vùng sâu, vùng xa, người dân xã Dương Hòa cũng đang tiếp cận dần với phần mềm BSCMN.BS. Nguyễn Văn Thảo, Trưởng trạm Y tế xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) nhận thấy chương trình KCB từ xa phát huy hiệu quả, giúp xử lý ca cấp cứu, có biểu hiện bất thường, sốc phản vệ độ II tại cơ sở. “Một số thôn ở Dương Hòa cách trở do khe suối khó di chuyển mùa mưa bão. Trạm phối hợp cùng cộng tác viên, ban, ngành, đoàn thể thôn hướng dẫn tạo tài khoản đăng ký KCB từ xa để có thể tư vấn, xử trí các tình huống khẩn cấp khi bà con cần. Tài khoản này người dân cũng có thể áp dụng đăng ký KCB trước với trạm”, BS. Thảo giải thích thêm.
Đến nay, toàn tỉnh có 750 cán bộ y tế được cấp tài khoản, 170 cơ sở y tế tham gia phần mềm BSCMN và 122 cán bộ y tế tham gia tư vấn, KCB từ xa. Gần 206 ngàn (205.927) tài khoản người dân được khởi tạo. Gần 3.000 cuộc gọi tư vấn, KCB từ xa, giao ban định kỳ, 110 cuộc sinh hoạt chuyên môn… qua hệ thống này. PGS.TS.BS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: “Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB là nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế. BSCMN giúp hỗ trợ mạnh hơn chuyển đổi số của ngành phục vụ KCB thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh, quản trị thông minh. Người dân, trạm y tế, TTYT đều được hưởng lợi. Ngược lại, các bác sĩ tuyến trên cũng tương tác, trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau trong KCB. Đây là xu thế tất yếu của nền y tế 4.0”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, giải pháp tư vấn, KCB từ xa giúp địa phương sớm thực hiện hoàn thành lộ trình Chuyển đổi số ngành y tế nói riêng và Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh nói chung. Góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030.
Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế quốc gia chia sẻ: “KCB từ xa là một trong hai nền tảng then chốt của Bộ Y tế giúp vùng sâu, vùng xa kết nối với tuyến trên chia sẻ điều trị, hội chẩn. Người dân được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới, đồng thời họ có thể đặt trước lịch khám, tiết kiệm thời gian đi lại, đảm bảo sự riêng tư… Ngành đang xem xét, đề xuất một số bệnh trong KCB từ xa sẽ được đưa vào thanh toán bảo hiểm”.
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接