Cán bộ Hải quan túc trực, kịp thời hướng dẫn, giải đáp thủ tục cho doanh nghiệp. |
PV: Để tạo thuận lợi thương mại, việc phối hợp “nhuần nhuyễn” giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp có thể coi là mấu chốt. Từ nhiều năm nay, ngành Hải quan đã có nhiều hoạt động để thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ này trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Hải Minh: Phải ghi nhận rằng, trong thời gian qua, đặc biệt là những năm gần đây, ngành Hải quan đã có rất nhiều sự tiến bộ và cải cách trong việc đồng hành cùng với doanh nghiệp (DN).
Ông Nguyễn Hải Minh |
Sự phối hợp giữa cơ quan hải quan và DN cũng đa dạng, bao trùm nhiều vấn đề, từ tập huấn, giải đáp kiến nghị cho tới tham vấn về chính sách. Qua đó, DN được tham gia sâu hơn vào việc hoạch định chính sách, đề án hay dự thảo, quy định pháp luật về hải quan. Những hành động như vậy cũng khuyến khích cộng đồng DN tham gia hợp tác và chia sẻ cùng với cơ quan hải quan nhiều hơn. Tôi cho rằng, đây là xu thế rất hợp lý và đúng đắn, vì như vậy cơ quan hải quan mới có thể đi từ thực tiễn phát sinh của DN để điều chỉnh chính sách, khắc phục được những lỗ hổng trong quản lý và tháo gỡ được vướng mắc trong hoạt động thực tiễn của DN.
Tuy nhiên công tác này trên thực tế mới chỉ được triển khai tích cực ở cấp độ Tổng cục Hải quan (TCHQ) và cục hải quan một số tỉnh, thành phố lớn, còn với những tỉnh thành khác vẫn còn hạn chế.
PV: Xin ông cho biết, tác động của việc triển khai các hoạt động trong mối quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hải quan, cũng như việc tuân thủ pháp luật về hải quan của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19?
Ông Nguyễn Hải Minh: Khách quan mà nói, dịch Covid-19 đặc biệt trong giai đoạn cách ly xã hội đã bộc lộ những thách thức và khó khăn lớn của DN trong thực hiện các thủ tục hải quan như kê khai, kiểm tra chuyên ngành. Trong thời điểm phong tỏa cách ly xã hội, những vướng mắc như: cung cấp chứng từ gốc vẫn còn sử dụng văn bằng giấy, hoặc có những sản phẩm cần phải tạo điều kiện đặc biệt trong thông quan như dược phẩm vẫn bị tắc nghẽn vì nhiều lý do khiến cho DN gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, trong thời điểm Covid-19 doanh nghiệp cũng có nhiều hội nghị đối thoại với ngành Hải quan, cũng như đối thoại với Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, những vấn đề trên đã được phản ánh và cơ quan Hải quan cũng đã có những động thái tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, hỗ trợ kịp thời cho DN như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hay cho phép DN được chậm nộp một số giấy tờ bản gốc. Ngoài ra, cơ quan Hải quan cũng khắc phục một số điểm nghẽn về kiểm tra để tạo điều kiện thông quan sớm cho một số sản phẩm đặc thù của DN.
Cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quanTổng cục Hải quan vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan - doanh nghiệp và các bên liên quan năm 2022. Trong kế hoạch này, Tổng cục Hải quan khuyến khích và tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan tham gia hoàn thiện chính sách pháp luật hải quan, phương thức quản lý, chất lượng phục vụ của cơ quan hải quan các cấp thông qua các hoạt động tham vấn, hợp tác, giám sát; tăng cường hợp tác Hải quan - doanh nghiệp. |
PV: Phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp đòi hỏi sự phối hợp, nỗ lực của cả 2 bên, không thể chỉ thực hiện từ một phía. Ông có khuyến nghị gì cho cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp để mối quan hệ đối tác Hải quan - doanh nghiệp trong thời gian tới hiệu quả hơn, thực sự thay đổi về chất?
Ông Nguyễn Hải Minh: Năm 2022, TCHQ đã xây dựng chiến lược phát triển ngành Hải quan có tầm nhìn đến năm 2030, với khá nhiều nội dung đáng chú ý. Chúng tôi đánh giá cao tầm nhìn và mục tiêu hướng tới mô hình hải quan số, hải quan thông minh mà ngành Hải quan đã đặt ra. Đây là điểm mà cộng đồng DN đều trông chờ, đặc biệt là trong bối cảnh chi phí về thủ tục hành chính tại Việt Nam vẫn còn cao.
Khách quan mà nói, việc tạo thuận lợi thương mại không chỉ có riêng cơ quan Hải quan, đặc biệt là với kiểm tra chuyên ngành thì cần sự phối hợp của các bộ, ngành khác. Vì vậy khuyến nghị chung cho Việt Nam là cần phải lồng ghép các thủ tục hải quan trong hệ thống tổng thể tạo thuận lợi thương mại cho hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung. Thủ tục hải quan và ngành Hải quan chỉ là một một mắt xích trong chuỗi này.
Riêng về thủ tục hải quan, hay sự quản lý của ngành Hải quan thì trên thực tế có những sự việc không thể phản ánh hết đến TCHQ. Mức độ về giải đáp vướng mắc hay mức độ về tham vấn vẫn tập trung nhiều ở TCHQ, còn cục hải quan địa phương (ngoài cục hải quan các thành phố lớn) vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều trường hợp thực tế phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm và thái độ của hải quan địa phương, thậm chí là của cán bộ phụ trách ngay tại cửa khẩu, trong khi các cán bộ này vẫn còn những hạn chế về chuyên môn, gây khó khăn cho các DN, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài.
Tăng cường đào tạo về chuyên môn cho địa phương là điều mà cơ quan Hải quan cần phải cải thiện trong thời gian tới. Một vấn đề cần cải thiện nữa là vấn đề kiểm soát thủ tục hành chính dựa vào bản chất thay vì hình thức.
Về phía DN, các DN cần phải hiểu rõ quy định về hải quan, phải nâng cao hiểu biết của mình thông qua những buổi tập huấn trực tiếp của cơ quan Hải quan, hoặc tham gia sâu hơn vào những hiệp hội, ngành hàng để có thể nắm bắt được những quy định chính về lĩnh vực hải quan hay kiểm tra chuyên ngành đối với sản phẩm của mình. Qua đó DN mới có thể phản ánh nhiều hơn và tham gia sâu hơn vào quá trình hoàn thiện chính sách hải quan, cũng chính là quá trình giải đáp và tháo gỡ khó khăn cho DN.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nỗ lực tạo thuận lợi thương mại trong thực thi hiệp định EVFTANói về mối quan hệ của EuroCham với Hải quan ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho biết, hai bên có mối quan hệ rất đa dạng, thông qua nhiều kênh đối thoại của các cấp lãnh đạo hiệp hội với lãnh đạo cơ quan Hải quan, những buổi tập huấn cho thành viên và giải đáp vướng mắc kiến nghị. Chúng tôi hợp tác rất tốt và thường xuyên với TCHQ, ở góc độ địa phương thì hợp tác khá tốt với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Điều quan trọng là mối quan hệ giữa EuroCham và cơ quan hải quan không phải là một chiều, tức là không phải chỉ là giải đáp vướng mắc kiến nghị, mà còn chia sẻ về kinh nghiệm và thông lệ quốc tế ở các nước khác, đặc biệt là Liên minh châu Âu để xem có thể áp dụng tại Việt Nam hay không. Hình thức thì đối thoại song phương với TCHQ, hoặc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, hoặc những vấn đề về hải quan được lồng ghép trong những chương trình nghị sự hội nghị đối thoại lớn của DN với Thủ tướng và các bộ, ngành. Trong Sách trắng thường niên của EuroCham cũng có một nội dung liên ngành rất quan trọng về lĩnh vực Hải quan. Đây là lĩnh vực có ảnh hưởng rất lớn tới việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đặc biệt là trong vấn đề tạo thuận lợi thương mại. Dù còn nhiều DN cho rằng thủ tục hành chính vẫn là một rào cản trong thực thi hiệp định, nhưng các DN thành viên của EuroCham cho đến thời điểm này ghi nhận nỗ lực và hành động khẩn trương của Việt Nam trong việc ban hành hướng dẫn, cũng như tạo thuận lợi thương mại trong thực thi Hiệp định EVFTA. |