VHO - Cùng với việc gìn giữ các phong tục,ềmtựhàocủađồngbàoSánChỉkết quả bóng đá anh tối qua tập quán, dân ca, dân vũ, nghi lễ tín ngưỡng dân gian của dân tộc mình, đồng bào dân tộc Sán Chỉ sinh sống tại xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) vẫn duy trì, giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống trong trang phục.
Trang phục của người Sán Chỉ do chính những đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Sán Chỉ làm ra, đơn giản và không rực rỡ như trang phục của một số dân tộc khác nhưng vẫn có những nét độc đáo riêng biệt. Trang phục chính của phụ nữ Sán Chỉ là váy chàm dài ngang cổ chân. Áo mặc theo cặp, áo trong thường sáng màu, áo ngoài là áo chàm có hai mảnh được khâu chéo sang bên phải.
Trang trí trên trang phục chủ yếu đắp ghép bằng những dải viền vải với những màu sắc chủ đạo là đỏ, trắng, vàng nổi bật trên nền áo màu chàm. Cổ áo cũng được trang trí bằng những dải viền nhiều màu sắc. Một trong những phụ kiện đi kèm không thể thiếu của bộ trang phục Sán Chỉ đó là chiếc thắt lưng. Thắt lưng được dệt từ những sợi len, sợi vải nhuộm nhiều màu sắc, có đính những bông bạc, hoặc kim loại, tạo điểm nhấn nổi bật cho bộ trang phục. Đầu đội khăn chàm vuông viền đỏ hoặc quấn tóc vòng trong bằng nhiều kẹp bạc trên đầu, cài trâm và kèm theo các phụ kiện như vòng cổ, vòng tay bằng bạc.
Trang phục nam mộc mạc, đơn giản nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp khỏe khoắn, mạnh mẽ với áo chàm kiểu bà ba, có hai túi rộng; quần dài, cạp chun, ống quần rộng để thuận lợi cho lao động sản xuất. Ngoài trang phục mặc thường ngày, đồng bào dân tộc Sán Chỉ còn có thêm bộ lễ phục mặc vào những dịp quan trọng như Lễ cấp sắc, Lễ cưới… những bộ trang phục này được may, thêu cầu kỳ, đẹp mắt hơn.
Để trang phục của dân tộc mình được lưu truyền, sau những giờ làm việc trên nương, những người bà, người mẹ lại tỉ mỉ truyền dạy cho con, cháu cách thêu thùa, khâu vá cũng như ý thức giữ gìn bộ trang phục truyền thống. Chị Hoàng Thị Mộng, thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố cho biết: “Mỗi khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống tôi luôn cảm thấy tự hào, cô gái Sán Chỉ trước khi về nhà chồng thường có từ 3 đến 7 bộ trang phục tùy theo điều kiện của mỗi gia đình. Những em bé, cứ vào mỗi dịp lễ, tết đều được các bà, các mẹ may cho trang phục mới để đi trảy hội. Chúng tôi quan niệm, trang phục để mặc nhưng cũng là của cải gia truyền cần phải bảo tồn và gìn giữ qua nhiều thế hệ”.
Trước đây, để tạo nên những sợi lanh thẳng phục vụ cho việc dệt vải, chị em phải tước vỏ cây lanh ra thành từng sợi nhỏ và nối với nhau một cách khéo léo, tiếp theo mắc các sợi lanh vào khung quay cho chúng xoắn lại thành từng cuộn. Sau đó luộc trong nước tro rồi mang giặt sạch thì sợi lanh có màu trắng. Sau khi đã chuẩn bị sợi xong, việc dệt vải sẽ được bắt đầu. Ngày nay, khi điều kiện kinh tế phát triển hơn, nghề dệt vải lanh được xem là kỳ công, tốn nhiều thời gian nên phần đa chị em phụ nữ Sán Chỉ chọn giải pháp mua sợi lanh đã được se sẵn tại các phiên chợ về dệt vải. Họ rất ưa chuộng vải lanh, bởi nó có độ bền cao hơn hẳn các loại vải được dệt từ bông hay các chất liệu khác. Để làm ra được một bộ quần áo phải trải qua rất nhiều các công đoạn mà hầu hết đều được thực hiện thủ công.
Tuy nhiên, hiện nay nghề se lanh dệt vải thủ công truyền thống của đồng bào Sán Chỉ đang dần bị mai một, không còn nhiều hộ đồng bào giữ được nghề một phần là do thiếu nguồn nguyên liệu và có sự giao thoa trong văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Việc khôi phục và gìn giữ những giá trị văn hóa của đồng bào Sán Chỉ nói chung và nghề se lanh dệt vải của đồng bào nói riêng đang rất cần có sự quan tâm của tỉnh và các ngành chức năng.
Nhằm thực hiện hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, nâng cao ý thức và niềm tự hào về giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ cộng đồng dân tộc Sán Chỉ ở Pác Nặm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa quý báu của cha ông trong đời sống đương đại, Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL vừa phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Bắc Kạn tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy về bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch với sự tham gia của 110 học viên là người dân tộc Sán Chỉ đang sinh sống tại các thôn Nà Lẩy, Khuổi Bẻ, Khâu Đấng thuộc xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm.
Tham dự lớp tập huấn, các học viên được phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về thực hiện bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng; trao đổi về công tác nhận diện di sản trang phục truyền thống của người Sán Chỉ ở Bắc Kạn; tìm hiểu về nét đặc trưng và giá trị, ý nghĩa của bộ trang phục truyền thống trong đời sống người Sán Chỉ; những thách thức trong công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của người Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch trong thời đại công nghệ 4.0; hướng dẫn về các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của trang phục truyền thống người Sán Chỉ ở Bắc Kạn hiện nay; được các nghệ nhân giàu kinh nghiệm hướng dẫn kỹ thuật sản xuất trang phục truyền thống của dân tộc Sán Chỉ ở huyện Pác Nặm.
Trang phục truyền thống của dân tộc Sán Chỉ ở huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) không chỉ là sản phẩm vật chất của con người, mà trong đó còn là niềm tự hào, tình yêu với quê hương của đồng bào dân tộc Sán Chỉ nơi đây. Việc lưu giữ những nét đẹp truyền thống trong trang phục của đồng bào Sán Chỉ cũng góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nói chung của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Pác Nặm..