Giáo dục giới tính cho trẻ là cần thiết,áodụcgiớitínhDạygìchotrẻtorino – verona tuy nhiên phải có những cách giáo dục phù hợp. |
Những cách hiểu “đơn giản”
Theo một cuộc điều tra đối với các bậc phụ huynh có con em đang theo học từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông, có đến hơn 90% cho rằng việc giáo dục giới tính cho trẻ là việc làm rất cần thiết và phải thực hiện ngay. Nhưng lại có đến 68% số phụ huynh cho rằng họ chưa có được sự hướng dẫn hay chưa có bất kỳ tài liệu nào để giáo dục giới tính cho con em trong gia đình. Việc giáo dục giới tính chủ yếu dựa vào thời gian học trên lớp thông qua thầy cô.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) có con đang học lớp 8 chia sẻ: “Theo tôi việc giáo dục giới tính cho trẻ là cần thiết, tuy nhiên phải có những cách giáo dục phù hợp nếu không chính những bài học đó lại khiến trẻ tò mò hơn”. Còn chị Ánh Hồng (Nguyễn Khánh Toàn, Cầu giấy, Hà Nội) có con đang học trung học cơ sở cho rằng: “Việc giáo dục giới tính là chưa cần thiết đối với học sinh khi tuổi còn quá trẻ, chỉ nên giáo dục khi trẻ đã trên 15 tuổi, vì giáo dục giới tính chung quy lại là giáo dục tình dục. Nếu nói sớm sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý trẻ, trong đầu trẻ lúc nào cũng nghĩ đến vấn đề đó thì không tốt cho quá trình học tập”.
Không chỉ các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo đôi khi cũng đỏ mặt về vấn đề giới tính khi học sinh đặt câu hỏi. Cô Nguyễn Thị Bình, tổ trưởng tổ bộ môn Sinh học, Kỹ thuật tại một trường trung học cơ sở cho hay: việc dạy kiến thức giới tính cho học sinh hiện nay chủ yếu vẫn do giáo viên môn Sinh phụ trách. Không ít giáo viên, nhất là các thầy cô giáo trẻ cứ đến phần dạy về các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, giao hợp là… đỏ mặt, ngượng ngùng nên thường chỉ dạy qua loa hoặc để học sinh tự tìm hiểu.
Thậm chí nhiều thầy cô còn đùn đẩy trách nhiệm giáo dục giới tính cho cha mẹ, còn cha mẹ học sinh lại đùn đẩy cho giáo viên. Chính thực trạng đó đã đẩy những cô cậu học trò tuổi mới lớn vào những “cạm bẫy” đầy nguy hiểm khi tự mình khám phá bản thân.
Thạc sỹ tâm lý Lê Hoàng Khắc Hiếu |
Giáo dục phải xuyên suốt
Xoay quanh những quan điểm cũng như thực trạng vấn đề giáo dục giới tính ở nước ta, phóng viên Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu – Giảng viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM .
Ths.Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho biết, hiện nay ở nước ta đúng là đang có sự hiểu nhầm về giáo dục giới tính. Rất nhiều người cho rằng giáo dục giới tính là liên quan đến vấn đề tình dục. Đó là một quan điểm không sai, tuy nhiên chưa đủ. Giáo dục giới tính là một thuật ngữ rộng miêu tả việc giáo dục về giải phẫu sinh dục, sinh sản, quan hệ tình dục, sức khoẻ sinh sản, các quan hệ tình cảm, quyền sinh sản và các khía cạnh khác của thái độ tình dục loài người. Những cách giáo dục giới tính thông thường là thông qua cha mẹ, người chăm sóc, các chương trình trường học và các chiến dịch sức khoẻ cộng đồng…
Theo Ths. Hiếu, không thể đợi đến 15 tuổi hay phải đến tuổi dậy thì mới giáo dục giới tính cho trẻ mà phải tiến hành giáo dục xuyên suốt và có từng nội dung phù hợp với từng cấp học. “Giáo dục giới tính cho trẻ thậm chí phải bắt đầu từ tuổi mầm non. Ở lứa tuổi này, thầy cô, cha mẹ phải giáo dục cho trẻ biết các đối xử với bạn bè khác giới. Đó cũng là cách giáo dục giới tính cho trẻ”, Ths. Hiếu nói.
Khi trẻ lớn hơn một chút và đi học tiểu học, cha mẹ, thầy cô cần phải có cách giáo dục khác với nội dung phù hợp như: dạy cách ứng xử, cách bảo vệ bản thân, cách phân biệt giới tính, giải thích cho trẻ biết được em bé sinh ra từ đâu và sinh ra như thế nào… Đặc biệt khi trẻ vào cấp II là lúc cơ thể trẻ phát triển rất nhanh cả về thể chất và tâm lý, nên việc giáo dục giới tính lúc này là quan trọng là quyết định nhất.
Ở độ tuổi này nên dạy trẻ sâu hơn về những xúc cảm giới tính và cách tiếp cận với những xúc cảm đó khi ở tuổi dậy thì. Đến cuối cấp II (khoảng lớp 8, lớp 9 – p/v) nên dạy cho trẻ về tình yêu và tình dục. “Nếu không giáo dục kịp thời cho trẻ về vấn đề này sẽ khiến trẻ tò mò, tự tìm hiểu và dẫn đến những hậu quá khó lường”, Ths. Hiếu cho biết.
Trong khoảng thời gian trẻ học cấp II, sự giáo dục và gần gũi của cha mẹ là quan trong nhất. Th.s Hiếu nhận định: “Việc dạy trẻ về vấn đề giới tính không phải là khuyến khích trẻ làm “chuyện ấy” mà hướng dẫn cho trẻ biết cách phòng tránh khi trường hợp xấu xảy ra, hướng dẫn cách phòng tránh thai, cách sử dụng bao cao su…”.
Thời điểm cấp III là giai đoạn chín muồi nhất, lúc này trẻ đang dần hoàn thiện về bản thân và tâm lý, đây cũng là lúc trẻ rất dễ phạm sai lầm và vấp ngã nên thầy cô, cha mẹ cần phải giáo dục cho trẻ các vấn đề tình yêu, cách ứng xử tình yêu, cách đối đầu trong cuộc sống, cách đứng dậy sau khi gặp thất bại và kỹ năng sống khi bước vào đời… có như vậy trẻ mới không bị sốc và không đi vào những con đường lầm lỡ.
Trong khoảng thời gian trẻ học cấp II, sự giáo dục và gần gũi của cha mẹ là quan trong nhất. |
Gia đình là tốt nhất
Đánh giá về thực trạng giáo dục giới tính ở Việt Nam, Ths. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho biết, giáo dục giới tính là việc các nhà quản lý và cả cha mẹ học sinh rất muốn làm nhưng điều đó không đơn giản vì còn liên quan đến nhiều thứ như: thời gian, con người, kinh phí tổ chức. Chính vì thế, trong khi chờ đợi những nội dung và chương trình cụ thể thì tự thân mỗi nhà trường phải thực hiện chức năng giáo dục giới tính của mình, ví dụ: đưa vào các buổi sinh hoạt lớp, chi đoàn, tổ chức câu lạc bộ, tập huấn chuyên môn cho cha mẹ, mời chuyên gia training trực tiếp cho học sinh…
Theo nhận định của Ths. Hiếu, gia đình chính là nơi tốt nhất để giáo dục giới tính vì không ai hiểu và gần gũi con trẻ bằng cha, mẹ. Vì thế, trách nhiệm giáo dục giới tính cho trẻ đầu tiên phải là phụ huynh. Tuy nhiên, trong thực tế cha mẹ thường ngại ngùng, rụt dè thậm chí là cấm đoán trẻ khi nói về những vấn đề giới tính. Đó là quan điểm hết sức nguy hiểm và đáng cảnh báo. Thay vào đó, mỗi bậc phụ huynh nên tìm ra phương pháp giáo dục giới tính cho trẻ một cách phù hợp nhất như: cung cấp tài liệu, cho xem clip về giáo dục giới tính, tâm sự giữa mẹ và con gái, bố và con trai…
(Còn nữa)
Ngọc Nữ - Phương Lê