Một bệnh nhi mắc sởi, phát ban ở chân
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 3 tháng đầu năm nay, số ca mắc sởi trên toàn thế giới đã tăng 300% so với cùng kỳ năm 2018 và đây được xem là một thảm họa mang tính lịch sử kể từ khi một bác sỹ người Ba Tư định danh được căn bệnh này vào thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên.
Phóng viên tại châu Phi dẫn nguồn từ WHO cho biết tính đến hết tháng 3, cơ quan này đã nhận được báo cáo từ 172 quốc gia về 112.163 ca nhiễm sởi trên toàn thế giới, cao hơn hẳn so với con số 28.123 ca của cùng kỳ năm 2018.
Đặc biệt, số ca mắc sởi tại châu Phi trong 3 tháng đầu năm 2019 tăng tới 700% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng tại Madagascar - một trong những nước nghèo nhất Lục địa Đen, từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2019, tổng cộng đã có gần 67.000 ca mắc bệnhsởi và hơn 920 trường hợp tử vong.
WHO nhận định xu hướng mắc sởi gia tăng đang diễn ra ở cấp độ toàn cầu và tại cả các quốc giàu có - nơi tỷ lệ tiêm vắcxin thường cao. Chẳng hạn Nhật Bản từng được WHO tuyên bố xóa sổ bệnh sởi, tuy nhiên hơn 200 ca nhiễm sởi được ghi nhận kể từ đầu năm nay. Tương tự, Mỹ cũng ghi nhận hơn 300 ca mắc sởi trong những tháng đầu năm 2019 mặc dù trước đó tuyên bố đã xóa sổ bệnh này từ năm 2000.
Hôm 14-2, WHO cũng đã bày tỏ lo ngại cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của bệnh sởiđang bị thụt lùi trong bối cảnh số ca mắc phải căn bệnh này trên thế giới đã tăng gần 50% trong năm 2018.
Theo thống kê, trong năm 2018, có khoảng 230.000 người bị mắc bệnh sởi và khoảng 136.000 đã tử vong vì căn bệnh này.
Sởi là bệnh nhiễm virus cấp tính đặc trưng ở giai đoạn cuối bằng ban dạng dát-sẩn xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao.
Bệnh dễ lây nhiễm qua tiếp xúc nước mũi, nước bọt người bệnh. Bệnh sởi có thể gây mất thính lực, rối loạn chức năng não ở trẻ em và thậm chí có thể gây tử vong cho người bệnh.