Điều này góp phần tích cực trong công tác thu, phát triển đối tượng tham gia và giảm nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). PV: Theo báo cáo Doing Business 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 14 bậc so với năm trước. Trong đó, chỉ số nộp thuế và BHXH tăng điểm và tăng hạng nhiều nhất, đạt vị trí 86/190 (năm ngoái ở vị trí 167). Chỉ số này được ghi nhận từ việc cải thiện trong thủ tục nộp thuế và việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), áp dụng giao dịch điện tử trong thủ tục BHXH. Ông có bình luận gì về sự nâng hạng này?- Ông Trần Đình Liệu: Kết quả trong báo cáo trên do WB công bố (trong đó có chỉ số nộp thuế và BHXH là 1 trong 6 chỉ số tăng hạng, tăng điểm và tăng hạng nhiều nhất, tương ứng tăng 14,78 điểm và 81 bậc) là rất ngoạn mục. Nhưng kết quả này không bất ngờ, vì trong những năm qua ngành BHXH nói riêng và 2 ngành BHXH và Thuế nói chung đã hết sức nỗ lực, quyết liệt trong việc cải cách thủ tục nộp BHXH và thuế, cũng như ứng dụng CNTT trong quản lý thu thuế và thu các khoản BHXH. PV: BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế đã ký quy chế phối hợp công tác vào tháng 12/2014. Xin ông cho biết vài nét về kết quả của sự phối hợp này, nhất là hiệu quả trong công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT?
Căn cứ dữ liệu, thông tin do cơ quan thuế cung cấp, cơ quan BHXH các địa phương đã rà soát, đối chiếu với danh sách DN tham gia BHXH; từ đó phát hiện dấu hiệu vi phạm về đóng, nộp BHXH của DN để tổ chức thanh tra, kiểm tra, đôn đốc hoặc phối hợp với cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ. Từ sự phối hợp này, cơ quan BHXH và cơ quan thuế đã yêu cầu hơn 24.600 DN đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN lần đầu cho người lao động, với trên 262.500 lao động; số tiền nợ (chậm đóng) BHXH, BHYT thu được trên 1.490 tỷ đồng. BHXH Việt Nam đánh giá công tác phối hợp giữa hai ngành rất hiệu quả; góp phần tích cực trong công tác thu, phát triển đối tượng tham gia và giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN. PV: Hiện tại, ngành Thuế quản lý hơn 600.000 DN đang đóng thuế, nhưng số đơn vị tham gia BHXH trên toàn quốc mới chỉ đạt gần 300.000 DN. Điều này cho thấy dư địa phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT còn rất lớn. Trong thời gian tới, hai ngành sẽ làm gì để sự phối hợp ngày càng đạt hiệu quả cao hơn, đặc biệt là công tác thu, phát triển đối tượng, thưa ông? - Ông Trần Đình Liệu: Đúng vậy, từ số liệu trên cho thấy, có sự chênh lệch quản lý DN giữa hai cơ quan khoảng 300.000 DN. Điều này là do việc quản lý số lượng DN giữa cơ quan BHXH và cơ quan thuế chưa tương đồng. Tôi ví dụ, cơ quan thuế đang quản lý chi tiết đến từng chi nhánh DN, văn phòng đại diện (nhiều đầu mối). Trong khi đó, đa số người lao động tại các chi nhánh DN đang tham gia BHXH cùng với người lao động tại DN mẹ tại trụ sở chính. Hiện nay, một số ít các DN siêu nhỏ đang trốn đóng các khoản BHXH bắt buộc. Còn một số lượng lớn DN tập trung là các DN siêu nhỏ chưa đăng ký tham gia các khoản BHXH bắt buộc do không sử dụng lao động, không có người lao động thuộc đối tượng phải tham gia các khoản BHXH bắt buộc. Theo ước tính của BHXH Việt Nam, hiện còn khoảng hơn 1 triệu người thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc trong tất cả các đơn vị sử dụng lao động, trong đó, tập trung chủ yếu là ở các DN siêu nhỏ và người làm việc theo hợp đồng lao động trong các hộ kinh doanh cá thể. Vì vậy, trong thời gian tới, để việc phối hợp giữa hai cơ quan BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế ngày càng đạt hiệu quả hơn, hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng CNTT đảm bảo kết nối tự động, cập nhật để chia sẻ thông tin, trao đổi giữa hai cơ quan được thực hiện thường xuyên, liên tục và kịp thời. BHXH Việt Nam sẽ hướng dẫn BHXH tỉnh, thành phố tiếp nhận các dữ liệu, thông tin về đơn vị, người lao động do cơ quan thuế cung cấp theo quy định tại Quyết định số 595/2017/QĐ-BHXH của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam để tổ chức thực hiện khai thác, phát triển đối tượng, đơn vị chưa tham gia BHXH; hướng dẫn kết xuất thông tin từ dữ liệu quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN của cơ quan BHXH để cung cấp cho cơ quan thuế, đảm bảo thông tin chia sẻ được khai thác, sử dụng hiệu quả. Đồng thời, hai bên tập trung làm rõ những DN đang đóng thuế, có sử dụng lao động, có quyết toán thuế thu nhập cá nhân và yêu cầu các DN này đăng ký tham gia và đóng BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ cho người lao động. Đặc biệt, đối với các DN nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên nhưng chây ì, không nộp, cơ quan BHXH tăng cường tổ chức các đoàn thanh tra chuyên ngành đóng BHXH theo quy định của pháp luật hoặc phối hợp với các cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước về lao động…, thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra, đôn đốc thu hồi nợ. PV: Xin trân trọng cảm ơn ông! Luyện vũ (thực hiện) |