| Đã có những tiêu chí cụ thể về quản lý rủi ro trong lĩnh vực thuế | | Hai kịch bản quản lý rủi ro trong tháng 5 | | Cơ quan Thuế sẽ phân loại mức độ rủi ro của người nộp thuế |
| Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách của Chính phủ và Bộ Tài chính. Ảnh: Thùy Linh |
Nhiều tồn tại trong quản lý rủi ro Trước đây, việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, gồm: Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 nay là Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 83/2013/NĐ-CP, Thông tư số 156/2013/TT-BTC và được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 của Bộ Tài chính, tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế một cách đầy đủ, toàn diện, góp phần cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, trong quá trình triển khai áp dụng trên thực tế, thời gian qua có phát sinh một số nội dung chưa thực sự phù hợp. Tổng cục Thuế khẳng định, việc áp dụng quản lý rủi ro đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tự nguyện tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế đồng thời phòng, chống, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và quản lý thuế. |
Đơn cử như vướng mắc về cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Thông tư 204/2015/TT-BTC về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế mới chỉ quy định thực hiện riêng lẻ ở một số chức năng quản lý thuế dẫn tới khi xây dựng các bộ tiêu chí, có nhiều tiêu chí trùng lặp nhau. Cụ thể, doanh nghiệp thuộc phân hạng rủi ro cao ở bộ tiêu chí đánh giá rủi ro về hóa đơn được kiểm tra về hoá đơn ở kỳ này đồng thời có thể thuộc danh sách doanh nghiệp rủi ro cao ở bộ tiêu chí đánh giá rủi ro đối với hồ sơ kiểm tra nên lại bị kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan Thuế ở kỳ sau hoặc doanh nghiệp đã nằm trong danh sách thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế. Từ đó, gây khó khăn cho việc xây dựng ứng dụng, khó khăn trong việc liên kết kiểm tra và phối hợp thực hiện các biện pháp quản lý thuế phù hợp khác. Bên cạnh đó, cũng có những vướng mắc liên quan đến việc đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế. Đó là việc quy định điều kiện đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế tại Thông tư số 204/2015/TT-BTC dẫn đến số lượng người nộp thuế được đánh giá là tuân thủ pháp luật thuế tốt chiếm tỷ lệ thấp do có nhiều tiêu chí đánh giá khắt khe như: không chấp nhận kê khai, nộp thuế không đúng hạn hoặc có nợ thuế dù số rất nhỏ so với số phải nộp, đã nộp. Tổng cục Thuế cũng chỉ ra một số tồn tại liên quan đến việc áp dụng quản lý rủi ro trong lựa chọn trường hợp thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế; việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hoá đơn điện tử. Chính vì vậy, Tổng cục Thuế cho rằng cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy trình quản lý rủi ro để phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, thông lệ quốc tế, cũng như để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Áp dụng quản lý rủi ro theo phương thức mới Luật Quản lý thuế số 38 đã bổ sung quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hoá đơn điện tử, xác định những trường hợp rủi ro cao về thuế phải sử dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế. Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 9 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trên cơ sở kế thừa một số quy định tại Thông tư 204/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế và có tính tương đồng với quản lý rủi ro người nộp thuế có hoạt động xuất nhập khẩu (về một số nguyên tắc đánh giá rủi ro, các bước đánh giá từ tuân thủ pháp luật thuế đến rủi ro người nộp thuế, kết quả của bước đánh giá trước làm căn cứ đánh giá người nộp thuế ở bước sau…). Theo Tổng cục Thuế, Thông tư này quy định một cách bao quát, toàn diện việc áp dụng quản lý rủi ro, xuyên suốt trong các chức năng, nghiệp vụ quản lý thuế từ đăng ký thuế; khai thuế; nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hoàn thuế; kiểm tra; thanh tra thuế; quản lý hóa đơn, chứng từ và các chức năng, nghiệp vụ quản lý thuế khác. Đồng thời, Thông tư cũng hướng dẫn một cách cụ thể việc triển khai các biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ về quản lý rủi ro từ việc thu thập, xử lý thông tin phục vụ quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ của cơ quan thuế; xây dựng, áp dụng các bộ tiêu chí, chỉ số quản lý rủi ro theo từng chức năng quản lý thuế; đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro người nộp thuế; kiểm soát, giám sát trọng điểm đối với người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế; ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ quản lý thuế để phân loại mức độ rủi ro, đo lường, đánh giá tuân thủ từ đó xác định hình thức, mức độ quản lý tuân thủ, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra. Bên cạnh đó cũng quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan Thuế các cấp và các cơ quan, đơn vị, các tổ chức khác, cá nhân có liên quan trong việc phối hợp thực hiện các quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc đưa cơ chế áp dụng quản lý rủi ro vào quản lý thuế một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách của Chính phủ và Bộ Tài chính. |