Thưa ông, trong kỳ Diễn đàn VBF trước, ông có nhiều nỗi lo, đặc biệt ông nhấn mạnh đến sự kết nối chưa bền chặt, sự lệch pha giữa DN trong nước với DN FDI. Đến nay, nỗi lo của ông đã phần nào có lời giải hay chưa?
Để khép lại khoảng cách giữa các DN FDI và DN Việt Nam cần phải có nỗ lực đồng bộ, có hành trình dài, nhưng điều tích cực trong thời gian qua là chúng ta đã có nhận thức về vấn đề này. Các DN FDI đã có trách nhiệm hơn, các DN trong nước cũng nhận thấy để phát triển bền vững hơn thì phải vươn lên đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, để có thể kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các cơ quan Chính phủ cũng thấy trách nhiệm của mình trong việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng hơn, không chỉ trong lời văn của chính sách mà còn trong quá trình thực thi.
Đặc biệt, không chỉ quan tâm các DN lớn, bước đầu chúng ta đã triển khai các biện pháp thúc đẩy cho các ND nhỏ và siêu nhỏ. Nếu có giải pháp, biện pháp thúc đẩy các DN nhỏ, siêu nhỏ và các hộ kinh doanh có thể lớn lên thì đây là cách mà chúng ta có thể khép lại khoảng cách giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay, như tôi đã nói, vấn đề này đã được nhận thức và chúng ta đã có các giải pháp bước đầu để thúc đẩy giải quyết, nhưng trong thời điểm hiện nay thì chưa có nhiều thay đổi, vì việc nâng cấp các DN Việt Nam phải có thời gian và việc định hướng lại thu hút FDI cần có nhiều nỗ lực, cần có những chính sách yểm trợ của Chính phủ để nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam. Nhiều phân khúc thị trường, nhiều công việc hoàn toàn có thể có biện pháp thúc đẩy, kích thích các DN Việt tham gia, chứ không nhất thiết phải là đầu tư nước ngoài.
Cũng tại diễn đàn lần trước, ông đã từng đưa ra mô hình liên kết mẫu, theo đó DN FDI sẽ tham gia với vai trò quan trọng trong hỗ trợ nhằm nâng cao khả năng, trình độ của DN Việt. Mô hình đó đang được triển khai như thế nào thưa ông?
Hiện nay một số mô hình liên kết đã được thực hiện, các DN FDI hàng đầu của Nhật Bản là ví dụ điển hình và hiện nay Samsung cũng đang triển khai các khóa tập huấn, giới thiệu cho DN Việt. Gần đây, các DN FDI tổ chức cho các DN Việt khảo sát, tham quan các dây chuyền sản xuất của các tập đoàn hàng đầu thế giới, qua đó các DN Việt có thể tìm hiểu, phát hiện ra các linh kiện, phụ tùng mà mình có khả năng cung cấp để lên kế hoạch cung cấp cho các DN FDI.
Tuy nhiên, có khó khăn là muốn sản xuất ra các sản phẩm đó phải đầu tư dây chuyền công nghệ, trong khi muốn đầu tư thì phải có khối lượng tiêu thụ đủ lớn. Hy vọng thời gian tới, với những quy định nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ, môt số linh kiện, phụ tùng phải chuyển sang sử dụng các linh kiện, phụ tùng Việt Nam sản xuất, sẽ là cơ hội cho các DNNVV Việt nắm bắt và tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn. Dù vậy, các mô hình, chương trình kết nối như vậy phải được triển khai rộng khắp, đồng bộ, thường xuyên hơn. Hiện nay đã có mô hình này nhưng hiệu quả chưa cao và quy mô còn nhỏ. Cần đề cao trách nhiệm của các tập đoàn xuyên quốc gia, ở chỗ muốn đầu tư và phát triển bền vững tại đây thì phải cắm rễ vào kinh tế nội địa và muốn vậy phải xây dựng mạng lưới các nhà cung cấp nội địa.
Liên quan đến việc nâng cấp các hộ kinh doanh lớn lên thành DN, theo ông, cần có đột phá nào?
Để có sự đột phá để hộ kinh doanh phát triển lên DN có hai vấn đề quan trọng, một là chế độ kế toán và hai là chính sách thuế. Như tôi từng nói, điểm nghẽn thể chế ở đây là chúng ta chưa có được một chế độ kế toán và chính sách thuế phù hợp cho các DN nhỏ và siêu nhỏ để bảo đảm các DN này không chỉ không bất lợi so với các DN lớn mà còn được đối xử công bằng với các hộ kinh doanh.
Hiện nay các hộ kinh doanh đang có lợi thế hơn các DN, vì thế cần phải làm gì để các DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh phải bình đẳng với nhau. Muốn vậy, phải có chế độ kế toán, thuế thật đơn giản dễ áp dụng cho các DN nhỏ và siêu nhỏ như các nước khác đã làm. Chúng ta cần xử lý vấn đề chính sách để các hộ kinh doanh trở thành DN theo đúng nghĩa của nó. Đây là giải pháp có ý nghĩa đột phá. Chúng ta phải kéo các quy định của chúng ta gần hơn với các quy định của quốc tế, đặc biệt là sự minh bạch. Nền kinh tế số cần sự minh bạch, sự bình đẳng giữa hộ kinh doanh và DN siêu nhỏ. Chúng ta có trên 5 triệu hộ kinh doanh đang đóng góp tới 30% GDP và đây là đội dự bị hùng hậu nhất của cộng đồng DN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Nghị quyết 139/2018/NQ-CP về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN , ông đánh giá như thế nào về nỗ lực này của Chính phủ?
Đến thời điểm này, trong tương quan so sánh với các nước trong khu vực, có một số chi phí của chúng ta thấp hơn nhưng nói chung có nhiều loại chi phí của chúng ta đang cao hơn so với chi phí trung bình của các nền kinh tế trong khu vực cũng như trên thế giới. Chi phí cao đang là gánh nặng của các DN, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của các DN.
Chính phủ nhiều lần tuyên bố chủ trương cắt giảm chi phí nhưng chưa có chương trình tổng thể cũng như các hành động cụ thể. Vừa qua Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết yêu cầu cắt giảm chi phí, mức độ và lộ trình cắt giảm cũng như các cơ quan chịu trách nhiệm tham gia vào quá trình này. Đây là một quyết định quan trọng, vấn đề còn lại là làm sao có kỷ luật nghiêm để thúc đẩy các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện cho bằng được quyết định của Thủ tướng.
Ông đánh giá như thế nào về công cuộc cắt giảm điều kiện kinh doanh mà chúng ta đang thực hiện?
Công cuộc cắt giảm điều kiện kinh doanh, giấy phép con tạo điều kiện thuận lợi cho DN là hành trình đầy gian nan, có những thành công và cũng có những thất bại trong quá trình này. Bởi sau khi chúng ta cắt giảm điều kiện kinh doanh thì có giai đoạn các giấy phép con mọc lên như nấm. Lần này Chính phủ quyết tâm hơn, đưa ra yêu cầu bắt buộc một năm giảm 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, một quyết tâm chính trị rất cao.
Tuy nhiên, con số 50% chỉ mới là thống kê về định lượng về số lượng các điều kiện kinh doanh, còn bản thân gánh nặng của điều kiện kinh doanh và hiệu qủa cân đong đo đếm được của điều kiện kinh doanh đó đến hoạt động của DN thì tôi tin là chưa đạt được. Vừa rồi, qua khảo sát của VCCI, số DN vẫn phải làm các thủ tục về điều kiện kinh doanh vẫn còn quá lớn. Trên thực tế những kết quả cải cách trên giấy tờ chưa mang lại hiệu quả tương xứng trên thực tế.
Bước tiếp theo tới đây là phải rà soát để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình này, để việc cắt giảm điều kiện kinh doanh phải thực chất, không hình thức và đặc biệt là không được mang tính đối phó. Đây là yêu cầu quan trọng. Cộng đồng DN sẽ sát cánh cùng với các cơ quan của Chính phủ để thực hiện điều này.
Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo mạnh mẽ về cắt giảm điểu kiện kinh doanh, việc còn lại là phải siết chặt các quy trình ban hành thêm các điều kiện kinh doanh mới. Tôi cũng đã có đề xuất là trừ những trường hợp đặc biệt bắt buộc phải có thêm điều kiện kinh doanh, còn nếu muốn “đẻ” thêm điều kiện kinh doanh, thủ tục mới thì phải cắt giảm 2 điều kiện, thủ tục hiện có. Và việc cắt giảm phải cố gắng làm thực chất, không làm kiểu lấy thành tích chạy theo phong trào.
Trân trọng cảm ơn ông!