游客发表
发帖时间:2025-01-12 12:00:22
Những màn biểu diễn cồng chiêng tại nhà Gươl thôn Dỗi, xã Thượng Lộ |
Những người truyền lửa
Anh Đoàn Văn Đông, 33 tuổi, một nghệ nhân trẻ của xã Thượng Long, được người dân trìu mến gọi là “thầy Đông”. Theo ông Lê Nhữ Sửu, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Đông, ở Thượng Long có nhiều người chơi cồng chiêng giỏi, nhưng để có kỹ năng sư phạm truyền đạt lại như anh Đông thì rất hiếm.
Từ nhỏ, anh Đông đã tiếp xúc với cồng chiêng và sớm thể hiện năng khiếu. Nhờ niềm đam mê và tài năng thiên bẩm, anh Đông đã làm chủ được tất cả 7 bộ tiết tấu cồng chiêng truyền thống của người Cơ Tu.
Với kỹ thuật đánh cồng chiêng nhuần nhuyễn, tiếng chiêng của anh Đông không chỉ vang xa mà còn mang đậm sắc thái cảm xúc. Mỗi khi chiếc dùi gõ vào mặt chiêng, âm thanh trầm ấm, mạnh mẽ và sống động như lời tự sự của núi rừng. Nhiều năm liền, anh Đông được huyện Nam Đông tin tưởng cử đi tham gia các đoàn biểu diễn văn nghệ dân tộc từ Bắc vào Nam, từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Sự cống hiến của anh không chỉ là niềm tự hào của gia đình, mà còn là động lực cho nhiều thanh niên khác trong làng học hỏi và tiếp nối truyền thống văn hóa này.
Tại xã Thượng Quảng, nghệ nhân Ta Rương Vinh, dù tuổi cao vẫn kiên trì hướng dẫn các lớp học trò từng nhịp chiêng, từng động tác. Ông Vinh nói: “Các bài tiết tấu có sẵn từ xưa, muốn học thì chỉ cần kiên trì và chăm chỉ. Đánh chiêng không khó, nhưng để hay và giàu cảm xúc thì cần khéo léo và cẩn trọng trong từng nhịp tay”.
Trong số học trò của ông Vinh, anh Hồ Văn Dót là người thường xuyên đồng hành cùng thầy trong các buổi luyện tập. “Nhờ có thầy Vinh mà chúng tôi mới hiểu hết về cồng chiêng. Không chỉ trong các lễ hội lớn mà cả những ngày thường, chúng tôi đều tổ chức các buổi thi thố giữa các làng để duy trì văn hóa cồng chiêng”, anh Dót chia sẻ.
Nét văn hóa độc đáo
Tại huyện miền núi Nam Đông, tiếng cồng chiêng vang vọng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào Cơ Tu, đặc biệt là xã Thượng Long. Ở đây, với hơn 500 chiếc cồng chiêng trong 374 hộ dân, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn là biểu tượng linh thiêng, gắn bó mật thiết với đời sống và tâm linh của người dân.
Theo ông Tà Rương Mão, nguyên cán bộ văn hóa xã Thượng Long, mỗi dòng họ hoặc làng trong xã đều sở hữu một bộ cồng chiêng riêng, được coi trọng và không bao giờ mượn của nhau trong các dịp quan trọng. Việc mỗi gia đình đều có bộ cồng chiêng riêng đã biến cồng chiêng thành một phần không thể thiếu trong đời sống và văn hóa của người dân, thể hiện rõ lòng tôn trọng truyền thống và trách nhiệm của mỗi người trong việc duy trì bản sắc dân tộc.
Anh Đoàn Văn Đông tự hào, rằng ở Thượng Long, trẻ em lớn lên cùng âm thanh của cồng chiêng, nhờ đó mà từng em đã dần cảm nhận được tình yêu và niềm tự hào đối với di sản văn hóa của cha ông. “Con trai tôi mới 15 tuổi mà đã biết đánh chiêng thành thạo. Ở đây, các em từ nhỏ đã quen thuộc với tiếng chiêng, âm nhạc cồng chiêng như một phần không thể tách rời của tuổi thơ chúng”, anh Đông chia sẻ.
Điểm độc đáo ở Nam Đông là thanh niên trong các làng không chỉ học đánh cồng chiêng để tham gia các lễ hội, mà còn thường xuyên tổ chức giao lưu và thi thố giữa các làng để tạo nên không khí sôi động. Vào những buổi chiều sau giờ làm việc, tiếng cồng chiêng từ làng này vang lên, làng khác lại đáp lại, tạo thành những cuộc giao lưu ngầm giữa các thanh niên. “Ai biết nghe sẽ biết ngay làng nào đánh giỏi, còn ai chưa biết thì sẽ tìm thầy học hỏi thêm. Tiếng cồng chiêng không chỉ là âm nhạc mà còn là phương tiện giao tiếp, là sợi dây kết nối giữa các làng và giữa con người với nhau”, ông Mão chia sẻ.
Những cuộc thi và giao lưu này không chỉ giúp thanh niên rèn luyện kỹ năng, mà còn giúp họ hiểu rõ hơn về giá trị và ý nghĩa sâu sắc của cồng chiêng trong đời sống của cộng đồng. Từ đó, họ nhận ra rằng bảo tồn và phát huy di sản cồng chiêng không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào đối với bản sắc dân tộc mình, giúp tiếng cồng chiêng của Nam Đông mãi vang vọng trong đời sống hôm nay và mai sau.
Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, hiện nay huyện đang triển khai tổ chức nhiều lớp truyền dạy các nhạc cụ dân tộc truyền thống tại xã Thượng Long, Thượng Quảng. Các học viên được học cách sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống như: Đàn tâm reng, đàn bầu, đàn a tor, đàn a bel, khèn bè, sáo, trống, cồng chiêng… Đối với người Cơ Tu, các nhạc cụ là sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo vừa mang tính thiêng liêng, vừa là nhu cầu tinh thần sau những giờ lao động mệt nhọc. |
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接