');this.closest('table').remove();"> |
Bài vị hai bà ở Hữu ban (đình làng Thế Lại Thượng) |
Từ một vị nữ nhân trong trướng Trấn thủ có quân công
Sử sách từng ghi hồi tháng 7/Nhâm Thân (1572), quân Mạc có đợt tấn công lớn vào lỵ sở Ái Tử của Đoan Quận công Nguyễn Hoàng. Có nghĩa là, sau 14 năm vào Thuận Hóa (Mậu Ngọ - 1558), vị Trấn thủ vẫn còn gặp nhiều khó khăn từ mọi phía mà chưa hề có một trận thắng thuyết phục để ổn định quân tình sau cú thoát hiểm ngoạn mục được Trà Quận công phu nhân cứu giá năm Tân Mùi (1571). Lúc này, ông vẫn rất mong muốn bằng mọi cách phải có một chiến thắng đầu tiên để kịp khích lệ tướng sĩ.
Tướng Mạc là Lập Bạo lấy người châu Bắc Bố Chính dẫn đường đem 60 binh thuyền vượt biển vào đánh cướp, đóng trại từ con đường xã Hồ Xá vào Nam. Khi thế giặc đang mạnh, vị Trấn thủ đem quân chống giữ, đóng ở sông Ái Tử, thì một đêm bỗng vẳng nghe từ lòng sông có tiếng kêu trão trão. Lấy làm lạ, Đoan Quận công khấn rằng: “Thần sông có thiêng thì giúp ta đánh giặc”. Đêm ấy, trong giấc mơ, vị Trấn thủ thấy một người phụ nữ mặc áo xanh, tay cầm quạt the, đến trước và nói: “Minh công muốn trừ giặc thì nên dùng mỹ kế dụ đến bãi cát, thiếp xin giúp sức!”. Tỉnh dậy, ngài băn khoăn phải chăng người phụ nữ trong mộng ngầm mách báo nên dùng kế mỹ nhân?
Bấy giờ trong trướng có thị nữ người làng Thế Lại tên là Ngô Thị Ngọc Lâm (cũng có tên là Thị Trà) có nhan sắc và cơ trí hơn người, Đoan Quận công sai đem vàng lụa đi dụ Lập Bạo tới chỗ bãi sông có tiếng kêu “trão trão” để dụng kế. Bà đi đến trại quân Mạc nói rằng: Chúa công thiếp nghe tin tướng công ở xa đến, cho thiếp mang quà mọn đến để cùng giảng hòa, đừng đánh nhau nữa. Lập Bạo thích sắc đẹp của Ngô thị nhưng vẫn tỉnh táo cảnh giác nói: “Người lại đây làm mồi nhử ta chăng?”. Ngô thị uyển chuyển thưa gửi, Lập Bạo liền tin và giữ lại trong trướng. Ngô thị nhân đấy mời Lập Bạo đến bờ sông để cùng chúa họp thề. Đoan Quận công lập tức dựng một ngôi đền tranh ở bên bờ sông, nơi có tiếng kêu trão trão để làm nơi họp thề và đào hầm mật phục. Đến hẹn, Lập Bạo và Ngô thị ngồi thuyền nhỏ cùng vài chục người theo hầu. Đến bến, thấy dưới cờ chúa cũng chỉ ít người nên Lập Bạo thản nhiên không ngờ, thong thả bước đến cửa đền. Thình lình phục binh nổi dậy, Lập Bạo sợ chạy xuống thuyền nhưng không kịp, ngã xuống nước và bị bắn chết. Đoàn quân thừa thắng tiến công, đánh đắm nhiều thuyền địch, quân giặc đầu hàng, chúa cho an trú ở vùng đất Cồn Tiên trở lên, lập ra 36 phường của tổng Bái Ân.
Khải hoàn, chúa phong thần sông làm Trão trão Linh thu Phổ trạch Tướng hựu Phu nhân, cho lập đền thờ; thưởng công cho Ngô thị và ban hôn, gả cho Phó Đoán sự vệ Thiên Võ là Vũ Doãn Trung (Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, 2002, T.1, tr.31-32).
Nam triều công nghiệp diễn chí (Nguyễn Khoa Chiêm) cho biết chi tiết hơn rằng, bà từ chối khi được gả nhà khanh tướng là Văn Hùng bá Vũ Doãn Trung tên Nghi Côn, làm Phó Đoán sự ở vệ Thiên Vũ, theo giúp việc ở phủ chúa, người có tướng mạo khôi ngô, văn võ kiêm toàn, rất được chúa yêu mến. Nhà chúa khẳng định công lao của bà trong chiến trận này, nên ban hôn cũng “làm cho hiển rạng công lớn” dù bà khăng khăng chỉ muốn được theo hầu chúa, giữ vẹn tiết trinh. Xả thân vì nước, phải ô uế tấm thân, khó mài rửa được nên chỉ xin giữ việc bếp nước quét tước để đền ơn và cương quyết “đến chết cũng không dám tuân mệnh”, nhiều lần khuyên bảo, bà mới đồng ý.
Đến vị nữ thần thời mở cõi Đàng Trong
Từ sự giúp đỡ của bác Ngô Kim Khánh, Ngô Kim Lộc, Ngô Phi Bảo, Ngô Phi Thành..., chúng tôi đã đến dâng hương ở đình làng - miếu ngài Thành hoàng Khai canh làng Thế Lại Thượng (324 Bạch Đằng, Huế), đặc biệt là ở án thờ Hữu ban có hai thần vị thờ bà Ngô Phi và Nhũ nương. Thần vị tôn xưng bà là Tiền triều Cung Nhân sắc phong Dực bảo Trung hưng Linh phù tôn thần Ngô Phi thị hiệu Ngọc Lâm tôn nương chi vị và người vú nuôi họ Phạm là Tiền triều Nhũ nương Phạm thị thần vị.
Không chỉ có vậy, từ đường Ngô Phi (đường Lý Nam Đế) vẫn thờ cúng, giỗ chạp hai Bà cùng với lăng mộ ở xứ Cồn Kê (kiệt 40 Lý Nam Đế, Huế). Đáng tiếc là trên bia mộ Bà chỉ ghi đơn giản Phần mộ Cô Bà đời thứ 3 Ngô Phi thị Đệ nhị nương, chánh kỵ 24/11al. Toàn thể hậu duệ đời thứ 15, con cháu nội ngoại đồng phụng lập, mùa Xuân năm 2000.
Rõ ràng Bà đã được phong thần, như thần vị nêu và sắc phong triều Nguyễn ban tặng ngày 18/3/Khải Định thứ 2 (1917) cho xã Thế Lại, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên phụng sự Ngô Ngọc Lâm phu nhân chi thần, trứ phong vi Dực bảo Trung hưng Linh phò tôn thần. Bên cạnh bà còn có người hầu được tôn xưng Nhũ nương (vú nuôi) mà theo các bác cao niên, trước đây ở Hiền Sỹ, mộ phần hai bà cạnh nhau. Các bác trong họ Ngô Phi, bác Nguyễn Đắc Chỉnh còn cho biết phổ biến tương truyền bà trung trinh tuẫn tiết, như một dạng hồi tôn nên dòng họ và làng xã mới lo phụng thờ như hiện nay và hoàn toàn không có thông tin về người chồng, hay con cái. Trải qua thời gian, gặp nhiều khó khăn nhưng tự miếu, lễ nghi cúng tế bà lâu nay vẫn được bà con tổ chức chu đáo, với quy mô khiêm tốn, giản đơn.
Những chiến công biến tử địa thành sinh lộ
Từ Bắc vào Nam, những tên gọi Bố Chinh - Bố Chính, “phên dậu phương Nam”, “đất lòng dạ” đã phản ánh được tính chất “ác địa” của vùng đất phía nam Hoành Sơn trong quan niệm truyền thống Thăng Long. Thời Lê mạt, nơi đây còn có sự quấy rối của tàn quân Mạc, càng làm cho tình hình thêm căng thẳng khi Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào nhận cờ tiết chế trấn thủ Thuận Hóa năm Mậu Ngọ (1558).
Với vô vàn khó khăn nhưng với nhãn quan chiến lược của một chính trị gia xuất chúng cùng sự chung tay giúp rập của quần hùng, đặc biệt là cả người và thần linh ủng hộ để ươm mầm một thế lực chính trị mới theo hướng định hình dần cốt cách “chân mạng thiên tử”, làm cho tử địa Hoành Sơn - Hải Vân Sơn đã dần dần được chuyển hóa thành sinh lộ độc đạo cho cả dân tộc đi về phương Nam, phát huy tối đa truyền thống nông nghiệp lúa nước ở vùng Nam châu - vựa lúa Đồng Nai Gia Định.
Vượt qua Hoành Sơn, tiệm cận với vùng biển trời mênh mông của văn minh Đông Nam Á, hành trình gian nan của đoàn bộ tướng trấn thủ Nguyễn Hoàng phải cực kỳ thận trọng để đối diện với sự khác biệt của địa lý tự nhiên lẫn nhân quần xã hội, nhất là những vị nữ thần phương Nam. Cho nên, phương thuật đắc nhân tâm hữu hiệu nhất là thông điệp thể hiện chỉ dấu “mệnh trời” khi được cả lòng người lẫn ý trời, các vị thần linh phò trợ. Sau chiến thắng phản công đầu tiên năm 1571 ghi dấu công lao vị khai quốc công thần Trà Quận công phu nhân, lại đến điềm trời chỉ báo nhờ sự hiển linh của nữ thần sông Ái Tử qua tiếng chim Trão Trão để bày kế mỹ nhân trong chiến cuộc với tàn quân Mạc năm 1572 gắn liền bà họ Ngô làng Thế Lại.
Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi có sự giúp đỡ của các vị quân công, các vị thần linh, đặc biệt với thông điệp khích lệ tướng sĩ lúc cam go buổi đầu, nổi bật công lao của Trà Quận công Phu nhân, Trão Trão Phu nhân và Ngô Ngọc Lâm Phu nhân, về sau hiển linh thành thần, được triều đình sắc phong. Đó thực sự là những vị nữ công thần - thần linh mở cõi đầy lặng lẽ mà đất nước cần khẳng định, tôn vinh một cách xứng đáng, hữu hiệu.