Thiếu hụt nhân lực để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam | |
Hàng không Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới | |
3 kịch bản phát triển ngành hàng không Việt Nam |
Ngành hàng không đang có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Ảnh: VNA |
Phục hồi không đồng đều
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, 7 tháng của năm 2022, các hãng hàng không Việt vận chuyển 27,7 triệu khách (tăng 104% so với cùng kỳ 2021). Trong đó, khách quốc tế đạt 1,6 triệu (tăng 1.939% so với cùng kỳ 2021). Khách nội địa đạt 26,1 triệu khách (tăng 97% so với cùng kỳ năm trước). Đặc biệt, trong tháng 7, thị trường hàng không nội địa ghi nhận sự tăng trưởng cao, tăng 5% so với tháng trước và tăng 38% so với thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2019).
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, việc mở lại các đường bay quốc tế, phục hồi du lịch đã tạo điều kiện để ngành Hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hóa hoàn toàn các hoạt động, không bị lỡ nhịp trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực và thế giới. Triển vọng phát triển hàng không Việt Nam trong năm nay và thời gian tới là khá rõ nét, nhiều khả năng sẽ là lĩnh vực dẫn đầu sóng phục hồi trở lại sau dịch với hàng loạt đường bay nội địa, quốc tế được khôi phục và mở rộng. |
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận thị trường nội địa đang tăng trưởng trở lại vượt xa mọi dự báo. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự lo ngại về việc khôi phục đường bay quốc tế vẫn chưa được như kỳ vọng (mới đạt khoảng 40% so với thời điểm trước dịch).
“Mục tiêu đặt ra là đến hết năm 2022, các đường bay quốc tế sẽ được khôi phục như thời điểm trước dịch năm 2019. Tuy nhiên, mục tiêu này cũng gặp rào cản nhất định khi thời điểm này, dịch đậu mùa khỉ xuất hiện, các quốc gia có xu thế siết chặt công tác kiểm soát dịch,” ông Thắng đánh giá.
Theo ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, thị trường hàng không Việt Nam trên đà phục hồi nhưng chưa đồng đều ở các phân khúc. Thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch bệnh bùng phát, thị trường quốc tế phục hồi rất chậm. Vận chuyển hành khách trong nước tăng 12% so với năm 2019. Vận chuyển hàng hoá quốc tế tăng nhưng nội địa giảm. Tuy nhiên, doanh thu lại không tương ứng, do giá nhiên liệu và một số giá đầu vào tăng lên, các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện nhiều.
Hiện các hãng hàng không, các doanh nghiệp cung ứng vận chuyển hành khách vẫn gặp khó khăn trong việc giải quyết những vấn đề bất lợi của dịch bệnh để lại, đặc biệt là sự mất cân đối của dòng tiền trong 2 năm dịch bệnh bùng phát.
Cũng theo ông Phạm Việt Dũng, các doanh nghiệp hàng không chuẩn bị khá kịp thời cho giai đoạn phục hồi, ngành hàng không đã tích cực chuẩn bị, mở các đường bay mới… Song song đó có những thay đổi quan trọng, đặc biệt trong việc tái cấu trúc để thích ứng với xu hướng mới.
Tuy vậy, thế giới vẫn diễn ra những xung đột, liên quan đến việc triển khai các đường bay, phải điều chỉnh bay vòng, bay xa, tác động tiêu cực đến hoạt động của hàng không. Giá xăng dầu ở mức cao, ảnh hưởng rất lớn các doanh nghiệp. Tình hình dịch bệnh tuy đã có giảm những chưa hoàn toàn triệt tiêu, vẫn còn những tiềm ẩn nguy cơ cả quốc tế lẫn trong nước. Nhiều nước vẫn thận trọng trong việc mở cửa bầu trời, đặc biệt là những nước có lượng khách lớn đến với Việt Nam, khiến thị trường hàng không mất một lượng khách lớn, làm chậm quá trình phục hồi các đường bay quốc tế.
Một yếu tố nữa liên quan đến cơ sở hạ tầng của ngành hàng không dù được tăng cường rất nhiều, nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng, còn những điểm nghẽn về hạ tầng, đặc biệt đối với những sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài.
5 kiến nghị
Để kịp thời đón bắt bước hồi phục của thị trường hàng không, ngành hàng không Việt Nam đang triển khai hàng loạt các dự án nâng cấp kết cấu hạ tầng hàng không: mở rộng nhà ga hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Phú Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng; xây mới nhà ga hàng hóa với công suất lớn phục vụ cho nhu cầu giao thương kinh tế tại Cát Bi, Đà Nẵng, Cam Ranh... Dự kiến đến năm 2030, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ quản lý và khai thác 23 Cảng hàng không, trong đó 12 Cảng hàng không quốc tế và 11 Cảng hàng không nội địa, với tổng công suất toàn mạng là 263 triệu hành khách/năm và 6 triệu tấn hàng hóa. Đây được coi là cơ hội rõ ràng cho các hãng hàng không trong việc mở rộng hoạt động khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng đến các cảng hàng không này nói riêng và toàn mạng đường bay của Việt Nam nói chung.
Để ngành hàng không phục hồi và tăng trưởng trở lại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đã nêu 5 kiến nghị. Thứ nhất, đẩy mạnh phối hợp hoạt động của các cơ quan nhà nước, điều tiết kết cấu hạ tầng, giải quyết triệt để tắc nghẽn ở các sân bay lớn. Thứ hai, đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng hàng không. Thứ ba, cần thiết phải sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách của ngành hàng không, kể cả nguồn xã hội hoá nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở hạ tầng của ngành… Thứ tư, sớm khôi phục lại đẩy mạnh giao thông hàng không với các quốc gia có lượng khách lớn vào Việt Nam, mở rộng thêm những tuyến, đường bay quốc tế, tích cực triển khai các chương trình quảng bá để cải thiện hình ảnh quốc gia, thu hút khách đến Việt Nam. Thứ năm, nghiên cứu và điều chỉnh khung giá trần nội địa cho các hãng hàng không và kiểm soát các hãng mới. Tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, liên quan đến miễn giảm thuế đất…