Việt Nam thu trên 400 triệu USD từ xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Ảnh: TL |
Đó thông tin tại cuộc tọa đàm trực tuyến "Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thúc đẩy chế biến, xuất khẩu thịt và sản phẩm chăn nuôi", do Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Báo Nông thôn ngày nay phối hợp tổ chức ngày 25/7.
Theo Cục Thú y, thời gian qua Việt Nam đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam sang trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch đạt trên 400 triệu USD (năm 2022).
Trong đó, sản phẩm gia cầm, đặc biệt là các sản phẩm gia cầm chế biến chín đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Liên bang Nga, Hong Kong và một số thị trường thuộc Liên minh châu Âu. Hiện nay phía Hàn Quốc đang tiến hành đánh giá và dự kiến trong thời gian tới Việt Nam có thể xuất khẩu thịt gia cầm sang Hàn Quốc.
Cục Thú y khẳng định, chúng ta đã đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Việt Nam, hiện nay muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thì phải nâng cấp vùng an toàn dịch bệnh của mình lên theo tiêu chuẩn của Tổ chức thú y thế giới OIE/WOAH.
Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, không kỳ vọng đem lại nhiều lợi nhuận nhưng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sẽ mang lại mục tiêu quan trọng là tiêu thụ sản phẩm để tạo việc làm, sinh kế cho người chăn nuôi. Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn cần thiết sự tham gia của toàn thể xã hội với vai trò quan trọng là địa phương và doanh nghiệp.
Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y cũng cho hay, để xuất khẩu sản phẩm động vật chế biến phải xây dựng được vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, địa phương cần có cơ chế chính sách, thu hút doanh nghiệp làm hạt nhân cùng phối hợp xây dựng. Mục tiêu đầu tiên là chăn nuôi an toàn để đạt hiệu quả cao, tiến đến xuất khẩu sản phẩm.
Theo ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y, đến nay, cả nước có 2.458 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh tại 57 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh được Tổ chức Thú y thế giới công nhận. Vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn Việt Nam cũng còn khá khiêm tốn so với sự phát triển của ngành. |