(CMO_ Với loại hình BHXH tự nguyện, người dân được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân để hưởng các chế độ theo quy định. Người dân tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu theo quy định; được trợ cấp một lần và tử tuất; được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, do áp dụng mức đóng mới, thấp nhất bằng mức thu nhập chuẩn nghèo đa chiều khu vực nông thôn giai đoạn 2022-2025 là 1,5 triệu đồng/người/tháng, mức đóng thấp nhất được điều chỉnh tăng 1,15 lần so với mức đóng cũ. Do đó, số người tham gia BHXH tự nguyện tạm dừng, dừng và chốt sổ tăng, với nguyên nhân là khó khăn về kinh tế và mức tăng đột ngột nên không đảm bảo thu nhập để tham gia tiếp.
Bà Nghiêm Thị Phụng, 71 tuổi, ấp Tân Tạo, xã Đông Thới, huyện Cái Nước, tham gia BHXH tự nguyện được 12 tháng, bà chọn mức đóng thấp nhất. Từ đầu năm 2022, khi mức đóng được điều chỉnh tăng và nghe xung quanh có nhiều người dừng đóng bà cũng dừng và chốt sổ với số tiền hơn 1,9 triệu đồng.
Bà Phụng phân trần: "Do không làm ra tiền, con cháu cho tiền chi xài hàng tháng, tôi tiết kiệm để tham gia BHXH, giờ mức đóng tăng, nhiều người nghỉ đóng nên tôi cũng nghỉ theo".
Gia đình ông Hồng Văn Kiển, Ấp 5, xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn, có 3 người tham gia BHXH tự nguyện, vì mức đóng tăng nên ông cũng đã chốt sổ BHXH tự nguyện.
Ông Kiển chia sẻ, vợ chồng ông tham gia hơn 1 năm, con trai mới tham gia mấy tháng nay. Từ đầu năm mức đóng tăng, cộng với công việc bấp bênh, tôm nuôi thất bát, khó duy trì lâu dài nên gia đình chốt sổ.
“Biết là việc tham gia BHXH tự nguyện mang lại lợi ích là hưởng lương hưu, hưởng chế độ tử tuất nhưng do mức đóng tăng gần gấp đôi cộng với thu nhập bấp bênh nên gia đình không thể duy trì BHXH tự nguyện được”, ông Kiển cho biết thêm.
Không riêng bà Phụng, ông Kiển, hiện nay nhiều người tham gia BHXH tự nguyện khi nghe mức đóng tăng cũng bất an và cũng tạm dừng đóng. Tuy nhiên, khi được giải thích cặn kẽ, hiểu được vấn đề nên cũng có không ít người tiếp tục tham gia để mong muốn hưởng các chính sách mà BHXH tự nguyện mang lại.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, tham gia BHXH tự nguyện cho ông và vợ của mình, ông chọn mức đóng thấp nhất phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Từ đầu năm, khi nghe mức đóng tăng ông hoang mang và quyết định tạm dừng vì sợ mức đóng sẽ tăng theo mỗi năm, sợ gia đình không đủ điều kiện tham gia tiếp.
Ông Nghĩa chia sẻ: “Tôi tham gia BHXH từ năm rồi với mức đóng hơn 130.000 đồng/tháng, mới được 1 năm thì mức này tăng gần 300.000 đồng, nếu mỗi năm mà cứ tăng vầy thì tôi không đủ điều kiện để tham gia. Tuy nhiên, khi được nghe lãnh đạo BHXH huyện tuyên truyền tôi mới hiểu mức đóng được điều chỉnh thay đổi theo 5 năm, mức đóng tăng thì quyền lợi được hưởng của mình cũng tăng. Do đó, tôi quyết định đóng tiếp và sẽ vận động 2 đứa con tiết kiệm chi tiêu để tham gia BHXH tự nguyện, về sau mình còn có lương hưu để cuộc sống đỡ vất vả hơn”.
Sau khi được nhân viên BHXH huyện Trần Văn Thời giải thích thấu đáu, cặn kẽ, ông Nguyễn Văn Nghĩa (bìa trái) quyết định tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện và vận động người thân cùng tham gia.
Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức đối thoại, tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Song song đó, do thay đổi mức thu nhập chuẩn nghèo nông thôn từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng từ ngày 1/1/2022 nên nhiều người tham gia BHXH tự nguyện đóng dưới mức 1,5 triệu đồng dừng tham gia rất nhiều.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả thiết thực, đội ngũ tuyên truyền viên, tư vấn viên còn hạn chế về nghiệp vụ, thiếu kỹ năng tiếp cận đối tượng, chưa làm cho người lao động thực sự yên tâm khi tham gia BHXH tự nguyện.
Ở góc độ người tham gia, ông Nguyễn Văn Nghĩa đề xuất, công tác tuyên truyền, vận động cần được tăng cường, khi nhân viên của BHXH huyện đến giải thích thì người tham gia mới hiểu, mới đồng thuận và tiếp tục duy trì BHXH tự nguyện để được hưởng chế độ hưu trí, chế độ tử tuất.
Có thể khẳng định, công tác truyền thông đã trở thành cầu nối để truyền tải, đưa thông tin về chính sách BHXH tự nguyện đến với các tầng lớp Nhân dân và người lao động. Khi công tác truyền thông hiệu quả sẽ giúp người dân, người lao động nhận thức đầy đủ ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện đối với bản thân và gia đình, từ đó tự giác tham gia như một nhu cầu tất yếu để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khoẻ khi về già./.