Đến năm 2024, tăng trưởng kinh tế của EU được dự đoán sẽ đạt 0,9%. Dù vậy, tỷ lệ này vẫn giảm so với dự báo đưa ra hồi mùa thu là 1,3%. Tăng trưởng của Khu vực đồng Euro được điều chỉnh giảm xuống còn 0,8%, thấp hơn so với dự báo đưa ra trước đó ở mức 1,2%. Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch điều hành của Ủy ban châu Âu về một nền kinh tế vì con người cho biết: “Sau một năm 2023 bầm dập, nền kinh tế châu Âu đã yếu hơn một chút so với dự kiến, bất chấp sự phục hồi sẽ tăng tốc dần dần trong năm nay và cả năm 2025”. Trong một ý kiến có liên quan, Ủy viên Kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni nhận định: “Nền kinh tế châu Âu đã bỏ lại phía sau một năm vô cùng thử thách, trong đó sự kết hợp của nhiều yếu tố đã kiểm tra khả năng phục hồi của khu vực”. Những yếu tố này bao gồm sự xói mòn sức mua của hộ gia đình, tình trạng thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ, rút một phần hỗ trợ tài chính và nhu cầu bên ngoài giảm. EU gần như tránh được suy thoái vào cuối năm 2023 và bắt đầu năm 2024 yếu hơn dự kiến. Dù vậy, đến năm 2024, tăng trưởng kinh tế của khu vực sẽ phục hồi, được hỗ trợ bởi lạm phát giảm, tăng trưởng tiền lương thực tế và thị trường lao động kiên cường. Theo dự báo, nửa cuối năm sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng ổn định và điều này sẽ kéo dài cho đến cuối năm 2025. “Bằng cách nới lỏng các điều kiện tín dụng và dòng tài trợ, dù sự phục hồi dự kiến vào năm 2024 sẽ khiêm tốn hơn so với dự đoán đưa ra vào 3 tháng trước, nhưng tốc độ sẽ dần tăng lên nhờ giá cả tăng chậm hơn, tiền lương thực tế tăng và thị trường lao động mạnh mẽ lên đáng kể”, Ủy viên Kinh tế châu Âu Gentiloni chia sẻ. Theo dự báo kinh tế mùa đông, vào năm 2025, hoạt động kinh tế ở thị trường EU vẫn sẽ tăng trưởng 1,7% và ở Khu vực đồng Euro là 1,5%. Đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng sẽ ổn định và lạm phát sẽ giảm xuống gần bằng mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Ghi nhận tại Liên minh châu Âu (EU), lạm phát được dự báo sẽ giảm từ 6,3% vào năm 2023 xuống còn 3% vào năm 2024 và 2,5% vào năm 2025. Trong khi đó, tại Khu vực đồng Euro, con số này dự kiến sẽ giảm từ 5,4% vào năm 2023 xuống còn 2,7% vào năm 2024 và 2,2% vào năm 2025. Mức lạm phát vào năm 2023 nhanh hơn dự kiến và phần lớn là do giá năng lượng giảm. Theo nhận định của chuyên gia, bối cảnh toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn và hiện họ đang theo dõi chặt chẽ những căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là khi điều này có thể có tác động tiêu cực đến tăng trưởng và lạm phát. Cụ thể, những căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và vấn đề ở Biển Đỏ có thể tác động nhẹ đến lạm phát. Cũng trong báo cáo về dự báo tăng trưởng, hiện cũng đang tồn tại những rủi ro liên quan đến hiệu suất tiêu dùng, tăng trưởng tiền lương và tỷ suất lợi nhuận; thời hạn và mức độ của lãi suất cao hiện hành và tác động của biến đổi khí hậu, đáng chú ý nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan. |